Thanh Miện thiếu nước sạch
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:06, 15/03/2013
Có khoảng 40% số hộ dân ở huyện Thanh Miện đang sử dụng nước giếng khoan, giếng đào; hầu hết bị nhiễm bẩn, kim loại nặng.
Anh Nguyễn Văn Chế ở thôn Đỗ Thượng, xã Phạm Kha không tin tưởng vào chất lượng nước giếng khoan đang sử dụng
"Khát" nước sạch
Đưa chúng tôi lên thăm khu bể lọc nước giếng khoan của gia đình mình, anh Nguyễn Văn Chế ở thôn Đỗ Thượng, xã Phạm Kha lo lắng: "Mặc dù nhìn khá trong nhưng chúng tôi không thể biết chất lượng nước có bảo đảm hay không. Các thiết bị trong nhà như máy giặt, bình nóng lạnh chỉ sử dụng một thời gian ngắn đã bị hư hỏng. Sử dụng nước giếng khoan cũng rất bất tiện, cứ vài tháng gia đình tôi lại phải thay cát lọc một lần". Giống như gia đình anh Chế, hơn 1.900 hộ dân của xã Phạm Kha cũng đang sử dụng nguồn nước giếng khoan để phục vụ sinh hoạt hằng ngày mà không rõ chất lượng nước ra sao. Ông Nguyễn Văn Mỳ, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Hiện nay, nguồn nước ngầm của xã bị ảnh hưởng không tốt, do xã có mật độ dân số đông và có truyền thống thâm canh rau màu. Nước giếng khoan ở đây cũng có hàm lượng sắt lớn. Để có nước sạch sinh hoạt hằng ngày, nhiều hộ dân trong xã đã tìm nhiều cách khắc phục như lọc nước qua bể lọc tự chế, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời và không an toàn”.
Tình trạng trên cũng là thực trạng của nhiều xã ở huyện Thanh Miện. Nhiều năm nay, người dân xã Hồng Quang vẫn sử dụng nguồn nước sinh hoạt hằng ngày từ nguồn nước giếng khoan. Để có nước ăn, uống, mỗi gia đình đều phải xây dựng bể chứa nước mưa. Ông Trương Văn Hiếu, một người dân thôn Hữu Chung, xã Hồng Quang cho biết: "Nhà tôi có 10 người nên nhu cầu sử dụng nước sạch rất lớn. Trước đây, người dân thường sử dụng nước tại con sông nhỏ chạy dọc làng để tắm giặt. Vài năm trở lại đây, do chăn nuôi phát triển, người dân san lấp làm nhà nên nguồn nước bị thu hẹp và ô nhiễm, không thể sử dụng được nữa".
Sử dụng cầm chừng
Do giá nước sạch cao nên gia đình bà An Thị Tâm vẫn sử dụng kết hợp nguồn nước giếng đào
Tại thị trấn Thanh Miện, mặc dù nước sạch đã được dẫn tới từng hộ dân từ đầu năm 2012, nhưng người dân cũng mới chỉ sử dụng ở mức cầm chừng do giá còn cao so với mức thu nhập. Đã lắp đặt sử dụng nước sạch được 5 tháng nhưng hộ ông Nguyễn Trung Thành ở khu An Lạc mới chỉ dùng hết 19 m3 nước. Gia đình ông Thành chỉ dùng nước sạch để ăn, uống, còn mọi sinh hoạt khác chủ yếu sử dụng từ giếng đào. Bà An Thị Tâm (vợ ông Thành) cho biết: "Nhà nước đưa nước sạch về đến đây là rất tốt, người dân sử dụng nước cũng thấy yên tâm hơn. Tuy nhiên, giá nước hiện nay là 7.000 đồng/m3 vẫn còn khá cao so với thu nhập của gia đình nên chúng tôi vẫn phải sử dụng ở mức hạn chế để tiết kiệm chi phí sinh hoạt hằng tháng". Không chỉ gia đình ông Thành mà rất nhiều hộ ở thị trấn Thanh Miện cũng đều sử dụng kết hợp như vậy để bảo đảm chi tiêu. Gia đình ông Đặng Đình Lục làm nghề sản xuất bún nên nhu cầu sử dụng nước hằng tháng rất lớn. Ông Lục cho biết: "Tháng vừa rồi, gia đình tôi sử dụng hết 34 m3 nước, vừa tiền nước, vừa tiền thuế, tính ra phải thanh toán 304 nghìn đồng. Người dân ở đây đều rất muốn sử dụng nước sạch nhưng mức giá và áp giá bậc thang hiện nay vẫn cao".
Theo ông Nguyễn Tăng Trạm, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Miện, hiện có khoảng 95% số hộ đã lắp đặt đường ống sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, chỉ khoảng 60% số hộ có điều kiện kinh tế để sử dụng nước sạch hoàn toàn, còn lại các hộ dân đều sử dụng kết hợp với nước giếng khoan, giếng đào. Một số gia đình mặc dù có nước sạch nhưng cũng không sử dụng.
Ông Nguyễn Viết Bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện cho biết, đa số nguồn nước giếng khoan ở huyện đều bị nhiễm sắt. Để có nước bảo đảm chất lượng đòi hỏi phải đầu tư xây dựng tốn kém và phải có quy trình xử lý phức tạp. Chính vì vậy, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trong huyện hiện nay rất lớn. Thời gian qua đã có một số doanh nghiệp triển khai cung cấp nước sạch đến các xã trong huyện, nhưng các đơn vị này thường yêu cầu người dân nộp vốn đối ứng, như ở xã Thanh Tùng là 2,5 triệu đồng/hộ nên họ vẫn còn băn khoăn và chưa mặn mà với việc sử dụng nước sạch.
Việc cung cấp nước sạch đến các vùng nông thôn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, đề nghị các đơn vị chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát để chất lượng nước sạch cung cấp đến người dân được bảo đảm. Các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch cũng cần có những phương án hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân thuận lợi hơn trong việc đăng ký, sử dụng nước sạch.
HOÀNG BIÊN