Phong cách quần chúng, dân chủ và nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tin tức - Ngày đăng : 15:55, 17/03/2013
Nói đến phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm HTX Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (1954)
Phong cách Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc ta, là một chỉnh thể thống nhất, trở thành nét đặc sắc trong phong cách Hồ Chí Minh như phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách ứng xử, phong cách diễn đạt, phong cách sinh hoạt, phong cách ngoại giao, phong cách quần chúng, phong cách dân chủ, phong cách nêu gương...
Phong cách Hồ Chí Minh là phong cách của người Việt Nam. Đó là phong cách của một con người với nhân cách siêu việt, cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp, cái trí minh mẫn, cái hành mực thước, phong cách của một lãnh tụ, một vĩ nhân, một chiến sĩ cộng sản chân chính. Đó còn là phong cách của người anh hùng giải phóng dân tộc, đồng thời cũng là nhà văn hóa kiệt xuất. Phong cách Hồ Chí Minh không phải để cho người đời ca ngợi, sùng bái mà là tấm gương để mọi người noi theo, học tập. Không phải chỉ người Việt Nam, từ lao động chân tay đến lao động trí óc, từ già đến trẻ, từ miền xuôi đến miền ngược, từ người tu hành đến các chính khách, thương gia đều tìm thấy ở Chủ tịch Hồ Chí Minh phong cách của chính mình. Cả người nước ngoài ở phương Đông hay ở phương Tây cũng cảm thấy gần gũi, không xa lạ với phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, phong cách của Người không chỉ là bài học, là chuẩn mực cho việc xây dựng phong cách người cán bộ cách mạng mà còn bồi dưỡng nhân cách cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Về phong cách quần chúng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết phải có tình thương yêu bao la và niềm tin tưởng vô tận đối với quần chúng. Người luôn sâu sát, quan hệ mật thiết với quần chúng, nắm bắt sâu sắc tình hình thực tế, nhất là thực tế đời sống, tâm lý, văn hóa của quần chúng để quan tâm, chăm lo lợi ích chính đáng và thiết thực của quần chúng, coi đó là nguồn sức mạnh tạo nên mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với quần chúng một cách tự nhiên, bình dị với nụ cười hiền hậu, giọng nói ấm áp và vòng tay rộng mở thể hiện lòng nhân ái bao la, sự quan tâm, tôn trọng, đồng cảm đến mức thấu cảm - hòa đồng với quần chúng. Phong cách quần chúng trong tư tưởng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin: quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Vì vậy, phải sâu sát, gần gũi, lắng nghe, tôn trọng quần chúng, học hỏi quần chúng; phải dựa vào quần chúng để lãnh đạo, quản lý, nhằm phục vụ lợi ích quần chúng là đặc trưng cơ bản. Bác Hồ thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên là: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh.
Yêu nước, thương dân, suốt đời vì dân, vì nước là suy nghĩ nhất quán, thường trực trong con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính tư tưởng, đạo đức nhân cách bên trong của Bác đã thể hiện, bộc lộ ra bên ngoài bằng phong cách quần chúng ở Người. Phong cách quần chúng của Bác một lần nữa khẳng định tư tưởng “suốt đời phấn đầu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tuỵ, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về phong cách dân chủ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ là phải có sự lãnh đạo của Đảng. Khi đề ra đường lối, chính sách, giải quyết nhiệm vụ chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ cần phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng, phải dùng kinh nghiệm dân chúng để thêm cho kinh nghiệm của mình. Tuy nhiên, dân chủ của quần chúng nhân dân, phải có sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, thống nhất của Đảng theo nguyên tắc dân chủ tập trung. Dân chủ Chủ tịch Hồ Chí Minh là dân chủ có tư duy, có trí tuệ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cơ sở của phong cách dân chủ là tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, biết lắng nghe ý kiến của dân, quan hệ tốt với dân, học hỏi dân. Người luôn khẳng định chế độ ta “dân là chủ” và khi dân là chủ thì cách lãnh đạo phải dân chủ. Do vậy, Người yêu cầu mỗi cán bộ phải biết cách tập hợp được tài năng, trí tuệ của nhiều người, của tập thể để phấn đấu cho mục tiêu chung. Mà muốn làm được như vậy, phải tạo ra được một không khí dân chủ thực sự trong nội bộ. Tuy nhiên, phong cách dân chủ không có nghĩa là mạnh ai nấy làm mà phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc tập thể lãnh đạo phải luôn đi đôi với cá nhân phụ trách; phải tuyệt đối tránh phong cách quan liêu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định 5 điểm đạo đức mà người đảng viên phải giữ gìn cho đúng là: tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân; ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng; vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết; hòa mình với quần chúng thành một khối thống nhất, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt mình trong tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể, nhận trách nhiệm cá nhân và hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể giao phó và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Là người đứng đầu một Đảng cầm quyền, đứng đầu một Nhà nước Dân chủ cộng hòa, nhưng Người không bao giờ đặt mình cao hơn tổ chức, thường xuyên gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể. Trong công tác lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Người luôn có ý thức sử dụng sức mạnh tổng hợp của nhiều cơ quan, nhiều tổ chức. Trước khi quyết định một công việc hệ trọng, Người đều hỏi lại cẩn thận và chu đáo những người đã giúp mình…
Về phong cách nêu gương, theo Hồ Chí Minh, nêu gương thì trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm. Phải nêu gương chủ yếu trên ba mối quan hệ đối với mình, đối với người, đối với việc. Đối với mình phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hàng ngày: Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng: Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng” (để việc công lên trên, lên trước việc tư), đã phụ trách việc gì thì phải tận tâm, tận lực làm cho kỳ được, không sợ khó khăn, gian khổ, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Triết lý sâu xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh là, cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc đều do mồ hôi, nước mắt của dân mà ra, nên chúng ta phải đền bù xứng đáng cho dân. Để dân biết, dân tin, dân làm theo, mỗi cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong gương mẫu, phải miệng nói, tay làm, thống nhất lời nói với hành động. Cán bộ, đảng viên phải xông xáo, sâu sát, nhiệt tình với nhân dân, gương mẫu và dám chịu trách nhiệm trước lời nói và việc làm; phải luôn quyết tâm, bền bỉ, chịu đựng gian khổ, quan tâm và tìm mọi cách giải quyết kịp thời, hiệu quả những nhu cầu chính đáng của nhân dân, kể cả chấp nhận sự hy sinh để bảo vệ dân, phấn đấu vì sự no ấm, hạnh phúc của nhân dân; phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng mà còn phải là tấm gương giúp nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu. Tư tưởng đạo đức ấy đã tạo nên một phong cách nêu gương, tự giác gương mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người suốt đời hy sinh vì nước, vì dân, đời tư trong sáng, cuộc sống giản dị, người mà cả cuộc đời là tấm gương lớn cho các thế hệ con cháu mãi mãi noi theo.
PHẠM PHÚ BÌNH