Ý tưởng đánh thuế tiền gửi ở Síp là bài học cho Việt Nam

Thị trường - Ngày đăng : 14:09, 20/03/2013

Việc Síp định đánh thuế tiền gửi tiết kiệm chẳng khác nào hành động thọc tay vào túi người dân để rút tiền. Đây là bài học cho Việt Nam nếu đồng ý với một đề xuất tương tự.

Sự việc của Cộng hòa Síp gây rúng động thị trường ngân hàng trong vài ngày qua có thể coi là trường hợp "vô tiền khoáng hậu". Tôi đã làm việc và nghiên cứu trong lĩnh vực ngân hàng gần 40 năm, cả ở phương Tây lẫn phương Đông nhưng chưa thấy có trường hợp nào như vậy, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói.

Đánh thuế tiền gửi tiết kiệm chẳng khác nào sự trừng phạt của Chính phủ đối với dân chúng, bởi đây loại tài sản tài chính chính đáng chứ không phải khoản thu nhập. Chính phủ Síp đã không đánh thuế trên lợi tức mà thu thuế bằng cách thọc luôn tay vào tài khoản của dân chúng để rút tiền ra. Trong quá khứ một vài quốc gia đã sử dụng biện pháp này nhưng với thuế suất rất thấp, còn lần này tài sản gửi ngân hàng có thể bốc hơi 10%.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: P.V.

Tại sao Chính phủ Síp đưa ra một đề xuất không có tiền lệ như vậy? Có lẽ đây là việc mà những người cầm quyền của đảo Síp cực chẳng đã mới phải nghĩ đến. Là một quốc đảo ở Địa Trung Hải có dân cư khoảng 800.000 người, cỡ như Đà Nẵng của Việt Nam, nhưng GDP của họ lên tới 24.000 tỷ đôla và GDP bình quân trên đầu người khoảng 29.000 đôla mỗi năm (gấp gần 20 lần Việt Nam).

Gần đây Síp rơi vào cảnh vung tay quá trán và đối mặt nguy cơ vỡ nợ. Do đó, Chính phủ đành quyết định đánh thuế với tiền gửi ngân hàng để đổi lấy gói cứu trợ 10 tỷ euro từ châu Âu. Sáng 20-3, Quốc hội Síp đã không thông qua đề xuất này. Về phần mình, Chính phủ cho biết đã có ngay giải pháp “B” để tháo ngòi cuộc khủng hoảng, nhưng cho đến giờ này chưa ai biết cụ thể kế hoạch.

Cách đây 20 năm, trong một chuyến bay từ Mỹ về Việt Nam, tôi từng đọc một bài báo trên tờ Times của Mỹ. Bài báo giả thuyết, chủ quyền quốc gia sẽ dần dần bị tiêu hủy trong tương lai. Các nguồn vốn hàng tỷ tỷ đôla di chuyển mỗi ngày xuyên quốc gia sẽ thống trị nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến tình trạng nhiều nước mất chủ quyền tài chính kinh tế và cuối cùng mất cả chủ quyền chính trị. Nói một cách khác, những người nắm quyền lực chính trị cũng không còn giữ được quyền tự quyết tại lãnh thổ mình mà quyền định đoạt sẽ thuộc về những nhà tư bản - không phân biệt quốc tịch, lãnh thổ.

Sau 20 năm nhìn lại rất có thể Cộng hòa Síp là trường hợp đầu tiên như thế. Giới chính trị nước này đang mất đi quyền tự chủ trên phương diện kinh tế. Trước những điều kiện mà IMF, Eurozone đưa ra, Chính phủ Síp buộc phải hành động, như một số người nói là "dã man" như vậy. Dù là trường hợp "vô tiền khoáng hậu" nhưng rất có thể sẽ tạo tiền lệ xấu. Chính phủ khác không loại trừ khả năng sẽ học hỏi và coi đánh thuế tiền gửi là hình thức cứu cánh trước nguy cơ vỡ nợ. Nếu điều đó xảy ra, thị trường ngân hàng và nền tài chính không chỉ của châu Âu mà toàn thế giới có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Thật ngẫu nhiên cách đây nửa tháng, tại Việt Nam cũng có đề xuất gần tương tự của Hiệp hội bất động sản TP HCM về việc đánh thuế thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm. Đề xuất này ngay lập tức bị phản đối nhưng điểm mấu chốt là biện pháp này tỏ ra không phù hợp với thị trường tài chính Việt Nam.

Ông Nguyễn Trí Hiếu là một chuyên gia tài chình ngân hàng đến từ Mỹ và hiện đang công tác ở Việt Nam. Ông từng đảm nhiệm vai trò quản lý tại nhiều ngân hàng tại Mỹ, từng là Phó Tổng Giám đốc Deutsche Bank tại Việt Nam (1995-1997). Năm 2005, ông thành lập một ngân hàng Việt Nam đầu tiên tại California, Mỹ.

Ý tưởng lấy tiền trực tiếp từ hầu bao của dân chúng có thể xảy ra bất cứ ở đâu nếu các Chính phủ rơi vào tình thế nguy cấp như Cộng hòa Síp. Nhưng với trường hợp Việt Nam, biện pháp đó không thực tế. Nguyên nhân là chỉ khoảng 20% người Việt Nam có tài khoản ngân hàng và số người có tài khoản tiết kiệm còn ít hơn. Nếu làm vậy cũng không thu được bao nhiêu tiền mà còn làm mất niềm tin của người dân với hệ thống ngân hàng và xoay ngược tiến trình phát triển nền kinh tế trở thành một nền kinh tế phi tiền mặt.

Thị trường tiền tệ của Việt Nam và Síp có những điểm tương đồng và khác biệt. Các nhà băng ở cả hai thị trường đều dựa chủ yếu vào đồng vốn từ tiền gửi tiết kiệm của dân cư thay vì trái phiếu hay các công cụ tài chính khác. Síp là một trong những nước có cơ chế tài chính rất tự do và lỏng lẻo nên được coi là nơi trú ẩn của nhiều loại tiền, kể cả tiền “bẩn” qua việc rửa tiền. Do đó, tiền gửi của Síp khá nhiều thành phần và chiếm tỷ trọng không nhỏ là các khoản tiền gửi của nước ngoài, chủ yếu từ Nga. Khoảng 31 tỷ đôla từ Nga đang nằm trong các tài khoản ngân hàng của Síp. Trong khi đó, Việt Nam chủ yếu vẫn là nguồn vốn huy động từ người dân. Lượng tiền gửi bằng ngoại tệ từ cá nhân và các tổ chức nước ngoài có một tỷ trọng thấp.

Mặc dù không lo ngại trường hợp này xảy ra với Việt Nam nhưng từ bài học của Cộng hòa Síp cũng nên nhìn lại vấn đề nợ công. Nợ công của Síp chỉ chiếm tới 45% GDP - thấp hơn Việt Nam nhưng họ lại trông chờ khá nhiều vào nguồn tiền từ nước ngoài chứ không phải từ các giá trị tạo ra trong nước. Xét về nội lực, kinh tế Síp không có nhiều điểm mạnh ngoài du lịch do vậy càng dễ tổn thương trước những biến động tài chính lớn.

Còn Việt Nam, nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ nợ công trên GDP để nói rằng vẫn đang ở ngưỡng an toàn có lẽ không phù hợp. Cần xác định là khả năng trả nợ công trong và ngoài nước của chúng ta ra sao, hoàn trả nợ quan trọng hơn nhiều. Chính phủ cần phải đưa ra một dự báo tài chính cho ít nhất 10 năm tới trong đó có những dự báo về nguồn thu ngân sách và các khoản nợ phải thanh toán trong và ngoài nước.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính ngân hàng

(Nguồn: VnExperss)