Xây dựng mái ấm gia đình

Đời sống - Ngày đăng : 07:46, 31/03/2013

Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta đã coi "Xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của cả dân tộc và của thời đại".

Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 của Chính phủ đến nay đã đi được khoảng một nửa thời gian. Với mục tiêu tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức nhằm thúc đẩy toàn xã hội thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới, chương trình đã và đang có sức lan toả, không chỉ ở những xã điểm mà xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc đang là mong ước và nguyện vọng của toàn dân. Tuy nhiên, trước mặt trái của nền kinh tế thị trường và nhiều tác động khác, tình hình bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn còn diễn ra nghiêm trọng. Chưa có thống kê của địa phương, nhưng theo các cơ quan chức năng ở trung ương thì chỉ trong hơn 3 năm (từ cuối năm 2009 đến đầu 2012), cả nước đã xảy ra gần 54 nghìn vụ BLGĐ, trong đó phụ nữ phải chịu nhiều nhất (hơn 64%), rồi đến trẻ em (14%) và người cao tuổi (10%). Những nguyên nhân chung dẫn đến BLGĐ vẫn là bệnh gia trưởng, bất bình đẳng giới, hiểu biết về pháp luật hạn chế, các cơ quan chức năng, đoàn thể vẫn coi đó là việc riêng của mỗi gia đình hoặc chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý theo quy định. Những nguyên nhân trực tiếp của BLGĐ thường là mâu thuẫn từ sinh hoạt vợ chồng, kinh tế, say rượu, cờ bạc, ăn chơi trụy lạc... Hệ luỵ của những vụ BLGĐ đã làm gia tăng các vụ ly hôn, trẻ em hư, tội phạm, gia đình ly tán, người già không được tôn trọng và chăm sóc, thậm chí dẫn đến án mạng, tăng thêm gánh nặng cho xã hội.

Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta đã coi "Xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của cả dân tộc và của thời đại". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn. Hạt nhân của xã hội là gia đình, chính vì vậy muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải chú ý hạt nhân cho tốt". Nhằm từng bước đạt được mục tiêu đó, Đảng và Nhà nước đã đề ra Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và chọn năm nay là Năm gia đình Việt Nam. Để Năm gia đình Việt Nam đạt nhiều kết quả, phải bằng mọi hình thức tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí của gia đình, những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về gia đình, quyền và nghĩa vụ của gia đình... đề cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến gia đình. Từ đó, mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị, cơ sở, mỗi gia đình có chương trình hành động cụ thể gắn với phong trào xây dựng làng, khu dân cư văn hoá và gia đình văn hóa. Có nhiều công tác phải triển khai, nhưng trước hết là cần quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, mối liên kết gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, gìn giữ gia phong, vinh danh ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền, ứng xử có văn hoá với những người xung quanh và cộng đồng... Một vấn đề quan trọng khác là tổ chức cuộc sống trong mỗi gia đình phù hợp với điều kiện kinh tế, tiết kiệm tiêu dùng, không lãng phí tiền bạc, thời gian và vật chất khác, chấp hành nghiêm pháp luật, trong đó có Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới.

Một mái ấm gia đình phải là nơi tụ họp của những thành viên già trẻ sống lành mạnh. Việc chăm lo xây dựng cho mái ấm gia đình; giáo dục, rèn luyện cho mỗi thành viên theo tiêu chuẩn của một gia đình văn hóa là liệu pháp chủ động tránh được sự tha hoá dẫn đến những hệ luỵ khôn lường... Năm gia đình Việt Nam 2013 với thông điệp “Kết nối yêu thương” sẽ từng bước làm cho mỗi gia đình là một mái ấm ấm no, tiến bộ và hạnh phúc bền vững.

NGUYỄN THẾ TRƯỜNG