Việc gì có lợi cho dân thì làm

Tin tức - Ngày đăng : 15:07, 04/04/2013

Theo Bác Hồ, Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì tránh

55 năm trước, ngày 4-4-1958, Bác Hồ dự họp Bộ Chính trị bàn về tổ chức Chính phủ, hệ thống tổ chức các cấp chính quyền, nhiệm vụ và quyền hạn của các bộ và vấn đề phân cấp quản lý. Người cho rằng “Vấn đề phân cấp quản lý, từ đường lối, chính sách đến những con số lớn do Hội đồng Chính phủ quy định. Các bộ căn cứ vào quy định của Hội đồng Chính phủ mà thông tư hoặc ra nghị định cho các cấp thi hành... Ngoài những việc do Hội đồng Chính phủ quy định, các bộ không được quyền ra thêm một chủ trương gì mà không được Hội đồng Chính phủ phê chuẩn”.

Theo Bác Hồ, chế độ ta là chế độ dân chủ, nhân dân là chủ, Chính phủ là đầy tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Chính phủ thì việc to, việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân. “Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì tránh”.

Các Ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương phải chọn những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các ủy ban đó. Ủy ban nhân dân thận trọng hết sức trong chỗ chi dùng công quỹ, không tuỳ ý tiêu tiền vào những việc lãng phí như ăn uống. “Ủy ban nhân dân là ủy ban có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do dân  chủ đó”.

Người đòi hỏi tất cả mọi tổ chức và cá nhân phải chấp hành pháp luật, không ai được đứng trên, đứng ngoài pháp luật. Bác đặc biệt quan tâm, nhắc nhở đội ngũ cán bộ công chức: Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư". Thực chất những căn bệnh đó là vi phạm quyền làm chủ của nhân dân lao động, là độc tố phản văn hóa, đi ngược lại bản chất nhà nước của dân, do dân và vì dân. Ngoài việc giáo dục nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, "pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì".

Xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân là quan điểm tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là kim chỉ nam định hướng cho toàn bộ quá trình tổ chức, xây dựng và hoạt động của Nhà nước ta.

BẢO CHÂU
(biên soạn)