"Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn trong 2013"
Công nghiệp - Ngày đăng : 10:30, 06/04/2013
Ngoài câu chuyện nợ xấu, tái cơ cấu nền kinh tế, tình hình sức khỏe của các doanh nghiệp cũng được nhiều chuyên gia tham dự Diễn đàn kinh tế mùa xuân mổ xẻ, phân tích chiều 5-4.
Theo ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia, kể từ khi đất nước mở cửa hội nhập, chưa khi nào, doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay và nằm ngoài mọi dự đoán trước đó. Áp lực chính với hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ là không tiếp cận được vốn mà hàng hóa bán ra chậm lại, nợ nần chồng chất khiến tình hình kinh doanh ảm đạm lại càng trì trệ hơn.
Với lập luận nhiều nơi có lãi 10% đã thấy mừng trong thời buổi làm ăn khó khăn nên chẳng ai có thể chịu đựng nổi mức lãi vay 13-15%, thậm chí 18% mà chưa được hạ xuống, ông Kiêm kiến nghị nên áp trần cho vay.
"Nếu cứ thả lỏng lãi suất đầu ra, không bao giờ doanh nghiệp tiếp cận được vốn. Ngân hàng cũng chẳng sợ ứ đọng vốn vì họ có thể mang đầu tư trái phiếu, vàng, ngoại tệ, cho vay bù đắp lẫn nhau trong hệ thống để đảm bảo khả năng sinh lời nhiều hơn. Cứ thế, dòng vốn không đi vào sản xuất", ông Kiêm lý giải.
Ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia: "Doanh nghiệp đối mặt với khó khăn chưa từng có". Ảnh: Hoàng Hà |
Dành nhiều thời gian chia sẻ về thực trạng kinh doanh hiện nay tại Diễn đàn, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, số doanh nghiệp đóng cửa 2011, 2012 hơn 100.000 đơn vị. Riêng quý I năm nay, con số này cao hơn mức bình quân từng quý của 2 năm qua.
Tính toán của ông Thiên cho thấy, với doanh nghiệp đang hoạt động (khoảng 450.000), tất cả đều phải giảm công suất ít nhất 30%. Số công suất này tính ra tương đương với 150.000 doanh nghiệp phải đóng cửa. Theo ông, đây là những con số báo động ở cấp cao nhất.
Thời gian qua, kinh tế Việt Nam xuất hiện hiện tượng “lạ”. Đó là số doanh nghiệp và mức vốn đăng ký mới có xu hướng giảm (9,4% và 26,7% so quý IV/2012). Trong khi đó, lượng doanh nghiệp đóng cửa quý I (15.300) vươn lên gần như ngang bằng với đăng ký mới (15.700). Hiện tượng này cho thấy sức khỏe của doanh nghiệp tiếp tục giảm mạnh, mức độ khó khăn của môi trường kinh doanh và xu hướng giảm sút lòng tin thị trường
Trong nền kinh tế, doanh nghiệp là lực lượng quan trọng tạo GDP, giải quyết công ăn việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho người lao động. Khi doanh nghiệp suy yếu, quá trình tăng trưởng bị đe dọa. "Ngoài nợ xấu, đây luôn là chủ đề nóng trên các diễn đàn, đặc biệt là diễn đàn Quốc hội. Thời điểm này, dường như nó lại càng nóng hơn và đòi hỏi tập trung giải quyết liệt", ông Thiên nhận định.
Cùng chung quan điểm, Tiến sĩ Võ Đại Lược, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, thừa nhận năm nay, khả năng phục hồi của kinh tế thế giới mong manh, nhiều yếu tố bất lợi sẽ xuất hiện. Khu vực eurozone có nhiều vấn đề giải quyết khi đối mặt với tăng trưởng âm, siết chặt tài khóa, giảm lương... Những điều này dẫn tới nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, sức mua thấp và gây khó khăn cho các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc không còn tăng trưởng cao như trước, kinh tế Mỹ, Nhật chậm lại cho thấy thị trường thế giới không còn rộng của, nhu cầu dùng hàng Việt Nam rất khó khăn.
Các quốc gia cũng lập ra các rào cản để hạn chế nhập khẩu, đó có thể là rào cản kỹ thuật, hoặc ép doanh nghiệp Việt giảm giá bán. Tình hình này vốn dĩ đã xuất hiện từ năm ngoái nhưng sẽ càng gay gắt hơn trong 2013. Việc Mỹ gây sức ép đối với ngành cá Việt Nam thời gian qua đã cho thấy rõ. Tứ bề đều là khó khăn với doanh nghiệp.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước, với trục sức mạnh là các tập đoàn kinh tế, tình hình cũng không sáng sủa gì hơn. Theo ông Thiên, chương trình tái cơ cấu đối tượng này chưa mang lại kết quả tích cực nào, ngoại trừ tình trạng phá sản cho thấy có những vấn đề cơ cấu nghiêm trọng đang đặt ra cho khu vực doanh nghiệp được đánh giá là quan trọng hàng đầu này.
"Rõ ràng là khu vực doanh nghiệp, với cả hai cánh tư nhân và Nhà nước đều lâm vào tình trạng rất khó khăn", ông Thiên chia sẻ.
Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Đức Kiên cho rằng, để tăng cầu khu vực Nhà nước, không thể không tăng nguồn và giải ngân vốn đầu tư. Đối với khu vực doanh nghiệp, cần chú ý đến yếu tố đầu vào cấu thành chi phí sản xuất và giá cả sản phẩm như lãi suất vốn vay thấp, tiết giảm chi phí quản lý, tăng năng suất lao động, chính sách thuế thấp hợp lý... tạo cơ hội giảm giá cả, tăng khả năng cạnh tranh. Đối với cầu của khu dân cư, việc làm và tăng thu nhập, giá cả sản phẩm thấp phù hợp với thu nhập là điều quan trọng.
Trong bối cảnh này, niềm tin kinh doanh lại giảm sút mạnh mẽ. Ông Cao Sĩ Kiêm dẫn giải, đó là vì mọi người không rõ hướng đi, chính sách không ổn định, thiếu nhất quán, điều hành không đáp ứng đúng mong mỏi của thực tiễn.
Theo các chuyên gia, tình hình kinh tế quý I chưa có gì khởi sắc và khó có thể nhận thấy khả năng phục hồi tăng trưởng trong năm 2013. Những dự báo về khả năng “thoát đáy” của nền kinh tế có thể bắt đầu từ giữa năm 2013 đang trở nên xa vời hơn.
Bạch Hường (VnE)