Vấn đề đạo đức cách mạng cần được bổ sung, chỉnh lý

Tin tức - Ngày đăng : 11:20, 08/04/2013

Đây là điều mong mỏi của nhân dân, đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quan tâm bổ sung, chỉnh lý cho trúng và đúng như mong đợi.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang được nhân dân cả nước quan tâm, đóng góp ý kiến với tinh thần trách nhiệm cao. Các ý kiến cơ bản nhất trí với chủ trương đổi mới về tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương, theo hướng cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp, trong đó có vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Điều 8, chương "Chế độ chính trị", ghi rõ: "Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí".

Thời gian toàn dân góp ý với Dự thảo sửa đổi Hiện pháp năm 1992 cũng trùng hợp với việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Dân tộc ta tự hào có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng và nhân dân ta mà còn là hiện thân của tư tưởng, đạo đức, phong cách của tinh hoa và văn hóa dân tộc Việt Nam. Toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Người là kết tinh những giá trị chuẩn mực đạo đức sáng ngời để toàn Đảng, toàn dân ta học tập, noi theo.

Chúng ta còn nhớ, ngay từ những ngày cách mạng còn trứng nước, Người đã đề ra các chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, công bộc của dân. Người lên án mạnh mẽ chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, mệnh lệnh, tham ô lãng phí. Tại hội nghị cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày 24-7-1962, Người yêu cầu các cấp phải "công khai và mạnh dạn gạt bỏ cho thật sạch những "ung nhọt" ấy thì thân thể càng khỏe mạnh thêm". Người dạy: "Của công của Nhà nước và của tập thể là bất khả xâm phạm, tham ô của công tức là xâm phạm đến lợi ích chung của nhân dân, tức là kẻ địch của nhân dân. Vì vậy, kiên quyết chống tham ô là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân ta". Trong báo cáo chính trị tại Đại hội II của Đảng, Người phân tích rất sâu sắc bệnh quan liêu, bệnh mệnh lệnh đang gây khó khăn cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Nhưng Người tin rằng: "Chúng ta không sợ khó khăn, nhưng chúng ta phải trông thấy và trông thấy rõ, phải chuẩn bị sẵn sàng để giải quyết những khó khăn ấy".

Hơn 80 năm qua, dưới dự lãnh đạo của Đảng, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã giành được những chiến thắng oanh liệt trong các cuộc chiến tranh bảo vệ  Tổ quốc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, có ý nghĩa lịch sử. Đảng ta, đội tiên phong của giai cấp và dân tộc, không ngừng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, như Báo cáo chính trị tại Đại hội XI, "tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng". Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã đề ra nhiệm vụ thường xuyên tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và mọi hành động chia rẽ, bè phái. Đó cũng là nhiệm vụ phấn đấu của Nhà nước và xã hội. Những vấn đề đó không thể không được đề cập đúng mức trong Hiến pháp sửa đổi lần này. Nhưng theo tôi, nhìn chung những mặt tiêu cực trong đạo đức cách mạng, "những kẻ địch của nhân dân" chưa được thể hiện một cách lô-gích, đúng mức, có phần rời rạc trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đang được trưng cầu ý kiến toàn dân.

Tới chương II, "Kinh tế - xã hội, văn hóa", điều 60 lại nhắc lại nội dung của khoản 2, điều 8, chương I nhưng theo một trật tự khác: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí, tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước". Và phải chăng, để cho kín nhẽ, ở Chương VII điều 101 lại đề cập đến vấn đề này: "Chính phủ tổ chức lãnh đạo công tác thanh tra, kiểm tra, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong bộ máy nhà nước".

Rõ ràng là vấn đề đạo đức cách mạng, các tệ nạn, điều mà Bác Hồ suốt đời căn dặn và di chúc lại cho toàn Đảng, toàn dân ta vẫn là một điều còn bỏ ngỏ, lặp đi lặp lại mà vẫn chưa thấu lý đạt tình. Đó là điều mong mỏi của nhân dân đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quan tâm bổ sung, chỉnh lý cho trúng và đúng như mong đợi.

NGUYỄN HỮU PHÁCH (Câu lạc bộ nhà báo cao tuổi)