Học nghề tại gia
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 10:47, 10/04/2013
Có nghề sẽ làm ra tiền của mãi mãi. Vậy có nghề là quý hơn. Dân gian lại nói “nhân sinh bách nghệ”. Nghĩa là trong xã hội, con người có nhiều nghề lắm, hàng trăm nghề, tha hồ chọn. Chẳng hạn như từ hòn đất thôi đã sinh ra nghề làm gạch, làm ngói, làm gốm, sứ... Từ hòn đá sinh ra nghề nung vôi, chạm khắc đá. Từ cây tre, cây gỗ sinh ra nghề đan lát, làm nhà, đóng thuyền, đóng đồ gỗ, tạc tượng. Từ hạt lúa, hạt gạo sinh ra nghề làm cốm, làm bánh, bún, nấu rượu... Thật khó mà kể hết nghề ở Việt Nam ta. Những nghề ấy phần lớn là nghề phụ giúp cho kinh tế gia đình thêm dư dả, đời sống được cải thiện hơn bên nghề chính là cấy cày và trồng trọt.
Trước kia, tất cả các nghề đều hình thành từ gia đình. Gia đình là nơi khởi nghiệp, mở mang và lưu giữ nghề từ đời này qua đời khác. Nhiều gia đình cùng làm nghề tạo nên làng nghề. Gia đình qua nhiều đời làm một nghề sẽ thành nghề gia truyền. Trong gia đình, một người biết nghề truyền cho cả nhà. Người biết nghề thường là bố hoặc mẹ. Khi bố mẹ làm nghề thì các con dù lớn hay bé, muốn hay không đều phải tham gia. Ban đầu là việc nhỏ, đơn giản. Sau phải làm những việc khó hơn, nặng hơn. Qua nhiều năm thế là thành nghề. Học nghề tại gia đình là học thực tế, rèn kỹ năng thao tác cho thành thục. Không ít gia đình, bố (mẹ) là thợ cả, các con là thợ phụ. Khi bố (mẹ) già thì con nào giỏi sẽ thay vị trí thợ cả để gánh vác công việc. Khi nghề đã giỏi là có thể đi các nơi hành nghề kiếm sống được. Trong quá trình hành nghề ở mọi nơi, không thiếu những thanh niên tình nguyện theo để phụ giúp không công với hy vọng học được nghề. Song chỉ một số ít tinh ý, khéo tay mới học được nghề mà lại phải là người tử tế thì “thầy” mới chỉ bảo đến nơi đến chốn.
Ngày nay, trình độ học vấn đã được nâng lên. Các lớp dạy nghề công lập và tư nhân đua nhau phát triển và không ngớt quảng cáo trên các phương tiện báo chí, phát thanh, truyền hình, tờ rơi... Thậm chí, còn có nhiều lớp dạy nghề miễn phí cho nông dân. Những việc làm nêu trên là rất tốt.
Tuy nhiên, một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay có những nhận thức lệch lạc về nghề nghiệp. Không ít người cho rằng phải qua trường đại học mới là có nghề nghiệp và mới có cơ hội hành nghề để có mức sống cao. Lại có tư tưởng cho rằng phải làm việc ở cơ quan nhà nước hoặc làm cho công ty lớn mới ổn định về thu nhập. Thậm chí có một số thì cho rằng hành nghề ở nhà là loại yếu kém mới phải thế...
Từ những suy nghĩ trên dẫn đến hậu quả là chọn nghề một cách đua đòi với người khác trong lúc trình độ của mình không đáp ứng được; đua nhau thi đại học; đua nhau học đại học để rồi không được tuyển dụng. Rất nhiều người gia đình đang hành nghề nhưng không học. Thậm chí cha mẹ bắt làm cũng không làm theo nghề gia đình đã có. Nhiều cha mẹ cũng muốn con đi đây đi đó mà không hướng cho con nối nghiệp của gia đình, mặc dù đấy là nghề gia truyền.
Trong thực tế, có nhiều thanh niên đã thành giàu có, thành ông chủ ngay trên quê hương và ngay trong gia đình họ với nghề gia truyền hoặc những nghề mà một số người coi thường như cấy lúa, trồng rau, nuôi lợn, thả cá... Có người giàu có với nghề thuốc nam, thuốc bắc. Có người thành ông chủ, bà chủ với nghề nấu ăn, mở cửa hàng ăn, làm bánh, làm giò chả. Có người lưng vốn bạc tỷ nhờ nung gạch, nung vôi, làm đồ mộc hoặc kinh doanh, buôn bán... Lúc đầu, họ cũng chỉ giúp việc bố mẹ, dần thành quen, biết làm, làm giỏi lại có vốn học thức nên khá thành đạt. Khi đã có tiền, họ cũng đi du lịch nay đây mai đó, rồi làm từ thiện, rồi tài trợ cho các hoạt động, cho xây dựng công trình công cộng ở quê hương. Họ không thua kém công chức, viên chức nhà nước, thậm chí còn hơn khá nhiều người trong biên chế.
“Nhân sinh bách nghệ”, “trăm đường làm giàu” lại được xã hội khuyến khích, tạo điều kiện. Nếu gia đình quan tâm, định hướng đúng cho con em, đừng bỏ lỡ cơ hội “học nghề tại gia, hành nghề tại cửa” thì chắc chắn lớp trẻ sẽ duy trì được các nghề truyền thống và giàu có ngay nơi làng xóm của mình.
VĂN DUY (Kinh Môn)