Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng

Tin tức - Ngày đăng : 15:24, 15/04/2013

Ngày 15-4-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài "Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng", ký bút danh L.T, đăng trên báo Sự thật số 109.

Bác cho rằng: “Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ”.

"Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng". Nhiều người sợ "đắng", sợ "mất lòng" nên chẳng bao giờ dám nói thẳng, nói thật, cứ nuôi bệnh trong người, lâu ngày "cái sảy nảy cái ung". Cho đến nay vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên quan niệm rằng, việc công khai những khuyết điểm của mình sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, của cán bộ; là "nối giáo cho giặc", kẻ địch sẽ lợi dụng. Trái với quan niệm trên, Bác Hồ khẳng định: "Thế là tưởng lầm. Thế là ốm mà sợ thuốc". "Nếu không muốn để kẻ địch phản tuyên truyền, thì không gì hơn là tránh các khuyết điểm. Một khi đã phạm khuyết điểm thì dù mình muốn bưng bít, người ta cũng biết". "Một đoàn thể hoặc chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình, là một đoàn thể hoặc chính quyền yếu ớt, thoái bộ".

Với Bác Hồ: “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta không sợ có sai lầm, khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa những sai lầm và khuyết điểm”. Theo Bác, thang thuốc hay nhất để sửa chữa sai lầm và khuyết điểm ấy một cách tốt nhất, chính là thường xuyên nghiêm chỉnh thực hành tự phê bình và phê bình.

Cuối cùng Bác kết luận: “Phê bình và tự phê bình là công việc thường xuyên. Ngừng phê bình và tự phê bình tức là ngừng tiến bộ, tức là thoái bộ. Người ta luôn luôn cần không khí để sống thì người cách mạng và đoàn thể cách mạng cũng cần phải thường xuyên phê bình và tự phê bình để tiến bộ mãi”. Những lời răn dạy của Bác đang được Đảng ta đẩy mạnh thực hiện qua Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).

HOÀNG YẾN (biên soạn)