Anh Quang năng động làm giàu

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:21, 16/04/2013

Từ một khu triều trũng cấy lúa bấp bênh, anh Nguyễn Văn Quang ở thôn Phú Khê, xã Thái Học (Bình Giang) đã bắt đất phải "nhả vàng"...



Anh Quang (trái) kiểm tra dịch bệnh cho ba ba


Anh Quang sinh ra ở làng Vạc (Thái Học) vốn có nghề truyền thống làm lược. Tuy nhiên, những năm gần đây nghề làm lược đã bị mai một, hiệu quả kinh tế không cao. Đầu năm 2002, khi xã có chủ trương chuyển đổi khu triều trũng cấy lúa bấp bênh của thôn Phú Khê cho nhân dân đào ao thả cá, anh bàn với vợ ra lập nghiệp. Với số vốn ít ỏi có được sau nhiều năm tích góp, anh nhận đấu thầu 5 mẫu đất, đào 1 mẫu ao để thả cá, diện tích còn lại để cấy lúa. Những năm đầu ra khu chuyển đổi, do chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi và do thời tiết bất lợi nên hiệu quả không cao. Nhiều đêm, nằm trong ngôi nhà dựng tạm ở khu chuyển đổi, anh trăn trở suy nghĩ hướng làm ăn sao cho hiệu quả. Nghĩ làm việc gì cũng phải có kiến thức nên trong những năm từ 2004 đến năm 2008, mỗi khi Hội Nông dân xã tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, anh đều tích cực tham gia. Anh còn tích cực tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi thủy sản trên sách, báo và học hỏi kinh nghiệm từ những hộ chăn nuôi trong và ngoài huyện. Có kiến thức, việc làm ăn của anh ngày càng thuận lợi. Sau mỗi lần có tiền thu hoạch cá, ngoài việc đầu tư mua cá giống, thức ăn chăn nuôi anh lại dành ra một phần tiền để tu bổ, xây bờ ao.

Tháng 3 - 2009, Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm (Hội Nông dân tỉnh) mở lớp dạy nghề nuôi trồng thủy sản, anh Quang đăng ký tham gia lớp học. Sau khóa học nghề, có thêm kiến thức nên cuối năm 2009 anh đầu tư gần 400 triệu đồng đào thêm 3 ao nuôi cá trắm, chép, trôi, mè và 2 ao nuôi cá giống. Tất cả các ao được anh xây bờ kiên cố. Nhờ có kiến thức nên từ năm 2009 đến nay, cá  nuôi ít bị dịch bệnh. Trung bình mỗi năm anh bán 1 lứa trên 10 tấn cá, lãi trên 200 triệu đồng. Anh Quang cho biết, việc mang tính sống còn đối với người chăn nuôi là phải biết cách phòng trừ dịch bệnh. Vì thế, định kỳ hằng tháng anh sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch nước ao. Mỗi ngày anh cho cá ăn 2 lần vào 8 giờ sáng và 4 giờ chiều. Lượng thức ăn cho cá cũng phải cân đối, tùy thuộc vào thời tiết. Những ngày thời tiết chuyển mùa, âm u, anh chủ động giảm lượng thức ăn, tránh dư thừa gây lãng phí và ô nhiễm nguồn nước. Ngoài việc nuôi cá, cuối năm 2010, anh Quang cũng nuôi thêm 1.000 con ba ba. Năm 2012, anh bán trên 120 con ba ba thương phẩm, trọng lượng trung bình 1,5 kg/con, thu lãi 30 triệu đồng. Với kết quả làm ăn hiệu quả, năm 2012, gia đình anh Quang đã đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Anh Quang vừa nhận đấu thầu trên 17 mẫu ruộng triều trũng của xã dự kiến sẽ cấy lúa và xen canh thả cá. Chia tay với chúng tôi, anh tâm sự: "Người nông dân chúng tôi chỉ mong sao đầu ra của sản phẩm ổn định, được vay vốn ưu đãi. Hội Nông dân cũng cần tổ chức nhiều buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp chúng tôi có kiến thức áp dụng vào chăn nuôi, đem lại hiệu quả cao".

NGUYỄN MẪN