Nửa đêm nghe hát ca trù ở Đền Hùng

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 06:57, 19/04/2013

Cách đây mấy năm, tôi có dịp đưa đoàn văn nghệ sô dự trại sáng tác của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam lên thăm Đền Hùng. Đến cửa chùa Thiền Quang thì đã gần 8 giờ tối. Cửa chùa vẫn mở. Chỉ còn sư trụ trì và mấy người bảo vệ. Chúng tôi xin phép vào thắp nhang. Sau đó mọi người ngắm cảnh chùa trong đêm. Rồi một thiếu phụ trong đoàn đến bên tôi tự giới thiệu là nghệ sĩ Bạch Vân, hiện đang công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội. Chị nhờ tôi nói với sư thầy cho phép chị hát ca trù thay cho lời khấn của mình. Tôi thực sự ngỡ ngàng trước tình huống bất ngờ này. Chiều khách, tôi đánh bạo nói với sư thầy về việc này. Chẳng ngờ sư thầy đồng ý liền. Nghệ sĩ Bạch Vân sửa lại quần áo, mở túi xách ra, lấy cái mõ tre và hai cái dùi bóng loáng màu cánh gián. Sau đó, chị thắp ba nén hương kính cẩn cắm lên ban thờ vái ba vái rồi ngồi khoanh chân dưới đất, trước điện thờ đang nghi ngút khói nhang. Tất cả chúng tôi đều chăm chú theo dõi từng động tác của chị. Cả sư thầy và mấy người bảo vệ nữa cũng như thế.

Thế rồi, tiếng chị cất lên. Tiếng mõ kêu “tom chát” điểm nhịp. Khi khoan thai, dìu dặt, lúc hối hả, tưng bừng. Người chị lắc lư cùng câu hát. Mắt chị ngước lên ban thờ, khi nhắm, khi mở, quên hết cả chúng tôi xung quanh. Không gian vắng lặng nhường chỗ cho câu hát của chị vang xa. Đã nghe hát ca trù nhiều lần rồi nhưng hát trong khung cảnh này với tôi đây là lần đầu tiên. Có lẽ mọi người cạnh tôi cũng thế. Chị hát ngay tác phẩm của mình vừa sáng tác trong trại viết. Công lao các Vua Hùng cùng các bậc tiền nhân lập quốc, khai sơn, dựng xây mở mang bờ cõi. Dòng máu Lạc Hồng, con cháu Rồng Tiên kế nghiệp cha ông làm vẻ vang non sông đất nước theo từng câu hát của chị mà thăng hoa trong đêm. Nhiều lúc, người tôi nổi da gà vì giọng hát của chị, vì không khí linh thiêng, huyền ảo, ngạt ngào khói hương, lập lòe đèn nến. Có cảm giác như thời gian ngừng lại, còn không gian thì đặc quánh ở nơi đây. Chị cứ hát như thế khoảng ba chục phút thì dừng lại, vái mấy vái rồi đứng lên. Mãi sau chúng tôi mới bừng tỉnh trở về với thực tại. Sau đó, chúng tôi tiếp tục leo từng bậc, mò mẫm trong đêm để lên đền Trung rồi đền Thượng. Bấy giờ tôi mới biết nghệ sĩ Bạch Vân là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù nổi tiếng của đất Hà thành. Cả đời chị dành cho việc nghiên cứu, sưu tập, phổ biến nghệ thuật hát ca trù. Thảo nào, giọng hát và động tác của chị chuyên nghiệp đến thế.

Đêm trung du mênh mông. Đền Thượng ngút ngàn linh khí. Đền Thượng đã đóng cửa. Tôi phải gặp mấy người bảo vệ và cụ từ coi đền nói rõ nguồn cơn rằng, đây là đoàn văn nghệ sĩ cả nước về, có người từ miền Nam ra, có người ở biên giới đến, ai cũng thành kính về thăm Đất Tổ nhưng thời gian eo hẹp quá phải lên đền vào lúc này, xin cụ mở cửa cho họ vào bái Tổ. Cụ từ đồng ý. Lại như ở chùa Thiền Quang, nghệ sĩ Bạch Vân xin hát ca trù thay cho lời khấn vái. Sênh phách nổi lên... Giữa nửa đêm, trên đỉnh núi Hùng, giọng ca người nghệ sĩ cùng tiếng “tom chát” như được tiếp thêm sinh khí, như có bậc tiền nhân tiếp ứng càng vang vọng hơn, loang xa hơn. Nghệ sĩ Bạch Vân thăng hoa, ngất ngư cùng câu hát. Lại thêm một lần người tôi nổi da gà, ngước mắt nhìn không chớp những tâm nhang cháy đỏ trên ban thờ mà như thấy bóng ông cha hiện về, nghe và cảm thấy hết cả hồn thiêng sông núi. Có lẽ, đây là đêm nghe hát ca trù độc nhất vô nhị của tôi và mọi người trong đoàn.  

Khi chúng tôi xuống núi thì đã một giờ sáng. Đang chuẩn bị ra về thì nghệ sĩ Bạch Vân hốt hoảng vì bỏ quên chiếc mõ ở trên đền. Thì ra lúc hát xong, mọi người giục, chị đã luống cuống bỏ quên cái mõ chưa cho vào túi xách. Đây là vật bất ly thân của chị, ấy thế mà quên được mới lạ chứ. Ngày mai, đoàn phải về Hà Nội sớm rồi. Nhà thơ Bùi Văn Khang ở Nam Định xung phong leo ngược lên đền để làm nhiệm vụ quan trọng này. Khi chúng tôi về tới thành phố thì đã gần ba giờ sáng. Thật là một đêm đáng nhớ trong đời tôi.

XUÂN THU