Nước mắt đồng cảm

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 10:58, 28/04/2013

Ai cũng biết nhà văn Nguyên Hồng là một người mau nước mắt. Nhân vật trong tiểu thuyết của mình, do ông hư cấu ra, vậy mà ông cứ tưởng tượng ra đó là những số phận có thật. Ông thực sự chia sẻ với các nhân vật có hoàn cảnh éo le. Và ông hay khóc vì họ. Hồi dạy ở Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ Hội Nhà văn (1968), có học viên hỏi:

- Khi dựng nhân vật, thầy có kinh nghiệm gì không ạ?

Ông nói:

- Tôi linh cảm nhân vật nào khi viết, nước mắt cứ ứa ra thì người đọc thường cho là được, như Tám Bính, Gái Đen...

Ông không chỉ rơi nước mắt với các nhân vật tâm đắc của mình, mà nhiều khi ông cũng khóc thút thít trước các tác phẩm thành công của bạn văn. Nhà thơ Hoàng Cầm hồi ấy công tác ở Báo Quân Việt Bắc do Nguyên Hồng chủ biên, cơ quan đóng ở làng Thượng, huyện Phú Bình (Thái Nguyên). Đêm đó, trời rét, mọi người đã ngủ. Riêng Hoàng Cầm được liên lạc viên của ông Lê Quảng Ba, Chỉ huy trưởng Chiến khu 12 tìm sang để nghe tình hình chiến sự nơi quê ông ở bên kia sông Đuống. Nghe xong, ông Lê Quảng Ba cho ông hai chiếc bánh chưng mang về ăn cho đỡ đói. Ngay trong đêm dưới ánh đèn dầu, Hoàng Cầm lòng đầy xúc động, đã viết xong bài thơ Sông Đuống, với những câu thơ da diết: Em ơi! Buồn làm chi/ Anh đưa em về sông Đuống/ Ngày xưa... cát trắng phẳng lỳ...

Sáng hôm sau, người đầu tiên được Hoàng Cầm "trình làng" bài thơ là Nguyên Hồng. Thật không ngờ, mới chỉ nghe "Một dòng lấp lánh/ Nằm nghiêng trong kháng chiến trường kỳ" thì nhà văn bật khóc. Nhà thơ cứ đọc tiếp, nhà văn càng thổn thức. Sau 15 phút, Hoàng Cầm đã ngừng đọc, nhưng Nguyên Hồng vẫn đưa tay áo quệt nước mắt. Sau này, Hoàng Cầm nhớ lại giây phút đó: "Nhìn anh, sao mà yêu anh thế, mà thương anh thế. Nhưng trong cả một đời làm thơ, cũng thật hiếm có những giờ phút tôi được sung sướng đến thế". Đó là những giọt nước mắt đồng cảm của nhà văn.

VB(st)