Chị Liên gắn bó với ruộng đồng
Việc tử tế - Ngày đăng : 22:48, 29/04/2013
Chị Vũ Thị Liên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Sách, đã hơn 23 năm cần mẫn, gắn bó với đồng ruộng, với bà con nông dân.
Chị Liên hướng dẫn nông dân xã Nam Hưng (Nam Sách) kỹ thuật phòng trừ bệnh nứt dây dưa hấu
Say sưa với ruộng đồng
Bước chân vào giảng đường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội chỉ với một suy nghĩ giản dị: mình lớn lên từ cây lúa, củ khoai, sau này học xong ra trường sẽ hiểu và làm tốt công việc đồng ruộng mà bà và bố mẹ mình đã từng làm. Năm 1989, tốt nghiệp, chị Vũ Thị Liên quyết định về Xí nghiệp Dâu tằm Việt - Triều (Chí Linh) để thử sức. Xí nghiệp lúc đó mới thành lập nhưng cũng có cả trăm công nhân. Trong đó, mỗi công nhân được giao một mẫu rưỡi để trồng dâu nuôi tằm, riêng chị Liên được giao 5 sào đồng thời phụ trách công tác kỹ thuật nuôi thử tằm con và hướng dẫn công nhân về kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm. Vừa ra trường, lại phải đảm nhận một khối lượng công việc không mấy dễ dàng, song cô kỹ sư trẻ không nản lòng. Với sự nỗ lực, phấn đấu chỉ trong một thời gian ngắn làm việc tại Xí nghiệp Dâu tằm Việt - Triều, chị Liên vinh dự được kết nạp vào Đảng.
Năm 1993, chị Liên chuyển về Xí nghiệp Giống lúa Nam Thanh. Với kiến thức đã được đào tạo trong trường và trong thực tiễn, về môi trường mới công tác càng giúp chị tự tin, phát huy được sức sáng tạo. Đồng nghiệp của chị khi ấy đều thán phục về sự cần mẫn, kiên trì, khả năng làm việc của chị. Ngày nắng cũng như ngày mưa, chị Liên đều có mặt ngoài ruộng. 11, 12 giờ trưa chị vẫn xắn quần, lội ruộng giữa trời nắng gắt để chờ rung phấn cho cây lúa vì chị nắm vững có rung phấn bổ sung ở thời điểm đó mới bảo đảm năng xuất hạt lai đạt cao. Sau 8 năm làm việc miệt mài tại Xí nghiệp Giống lúa Nam Thanh, tháng 7-2001, chị được điều động về Công ty Giống cây trồng Hải Dương và được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Kỹ thuật. Vượt lên những khó khăn bộn bề của buổi đầu công ty thành lập, chị Liên cùng những người đồng nghiệp của mình khi ấy đã tập trung nghiên cứu, khảo nghiệm, soạn thảo hoàn thành bộ quy trình kỹ thuật sản xuất các giống lúa cho năng suất, chất lượng cao. Cũng trong thời gian này, chị thường xuyên dành thời gian ra đồng, vẫn xắn quần lội ruộng, khi thì trực tiếp đeo bình thuốc sâu đi dọc ruộng vừa phun vừa hướng dẫn kỹ thuật phun thuốc trừ sâu "4 đúng", lúc lại thoăn thoắt gieo mạ để bà con cứ thế làm theo trong thâm canh lúa lai. Mỗi lần chị làm như vậy đã giúp nông dân dễ nhớ, dễ làm hơn.
Năm 2003, chị Liên chuyển về công tác tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Sách. Ở cương vị Phó Trưởng phòng rồi nay là Trưởng phòng, bằng tâm huyết cùng những kinh nghiệm đã tích luỹ được, chị đề xuất với huyện xây dựng nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao và phương thức canh tác tiến bộ được nhân rộng tại địa bàn các xã trong huyện. Hơn 23 năm gắn bó với đồng ruộng, với bà con nông dân, ở cương vị nào, từ nhân viên kỹ thuật hay lãnh đạo phòng, chị luôn say sưa với nghiệp nhà nông, hết mình vì công việc.
Đem lại quả ngọt cho quê hương
Những năm làm tại Xí nghiệp Giống lúa, chị Liên đã cùng đồng nghiệp nghiên cứu, khảo nghiệm và sản xuất thành công nhiều giống lúa, được nhân rộng trên đồng ruộng. Trong đó, phải kể tới hạt giống lúa lai F1 với 2 sản phẩm chính là Bắc ưu 903 và Bồi Tạp Sơn Thanh. Chị tâm sự: Được lãnh đạo xí nghiệp giao nhiệm vụ phụ trách kỹ thuật chính trong sản xuất hạt giống lúa lai F1, chị mất ăn, mất ngủ nhiều ngày vì làm lúa lai "bận hơn nuôi con mọn", phải theo dõi sát sao từng giai đoạn phát triển của cây lúa, nhất là giai đoạn lúa phân hóa đòng. Ngày nào cũng phải bóc các điểm để đánh dấu thời điểm lúa trỗ bông, rồi rung phấn.
Kết quả nghiên cứu sản xuất thành công hạt giống lúa lai F1 đã mở ra hướng đi mới cho sản xuất lúa lai trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Với thành công này đã xóa bỏ suy nghĩ của nhiều người khi ấy cho rằng hạt giống lúa lai F1 chỉ sản xuất được ở Trung Quốc. Ngay sau thành công này, chị Liên đề xuất lãnh đạo đưa hạt giống lúa lai F1 Bắc ưu 903 và Bồi Tạp Sơn Thanh gieo cấy thử nghiệm tại xã Đức Chính (Cẩm Giàng), tiếp đó là các xã Hợp Tiến, Quốc Tuấn, Phú Điền, Đồng Lạc (Nam Sách). Những mô hình thử nghiệm này tiếp tục thành công và là cơ sở để tỉnh Hải Dương nói chung và huyện Nam Sách nói riêng mở rộng diện tích gieo cấy lúa lai trong những vụ vừa qua.
Từ khi về nhận nhiệm vụ mới tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Sách, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho huyện phát triển sản xuất nông nghiệp, chị Liên vừa phối hợp với Công ty Giống cây trồng, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện thành công nhiều đề tài, mô hình hiệu quả như: Năm 2010 đưa vào trồng thử nghiệm thành công giống dưa hấu Hoàn Châu đạt giá trị cao. Hiện giống dưa này đã nhân rộng với diện tích gần 50 ha ở xã Nam Hưng, An Sơn, Hợp Tiến và Quốc Tuấn. Đề tài đưa cây cà chua lai vào trồng hiệu quả tại các xã Nam Tân, Đồng Lạc và Cộng Hoà với diện tích 10 ha. Năm 2012, chị tiếp tục tham mưu với UBND huyện Nam Sách hỗ trợ kinh phí triển khai mô hình sản xuất dưa hấu Kim Cô Nương và Hoa Ly trong nhà lưới. Mô hình này đang được thử nghiệm tại hộ anh Vũ Văn Thường ở xã Minh Tân bước đầu đem lại hiệu quả... Từ những tham mưu, đề xuất của chị, hiện sản xuất lúa lai và lúa chất lượng cao trên địa bàn huyện Nam Sách chiếm diện tích từ 55% - 60%, đứng trong tốp đầu của tỉnh. Toàn huyện đã quy hoạch 57 vùng sản xuất rau màu tập trung với diện tích trên 1.118 ha, nâng giá trị sản xuất/ha đất nông nghiệp lên 84 triệu đồng/năm; nhiều cây màu như cà chua, dưa hấu, mùi tầu, cà rốt đạt giá trị trên 200 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài thành công trong việc đưa vào thâm canh một số giống lúa, cây màu đạt giá trị kinh tế cao, những năm gần đây, chị Liên cùng với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp triển khai một số dự án phát triển chăn nuôi tại địa phương. Trong đó có các dự án: Phát triển chăn nuôi tập trung, nâng cao chất lượng quy mô, bảo đảm vệ sinh môi trường tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 - 2015. Đưa nhiều giống mới vào chăn nuôi như: giống bò lai, lợn nái ngoại, ngan pháp, cá rô phi đơn tính, ba ba. Từ năm 2011 đến nay, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với vai trò là cơ quan thường trực, chị Liên cùng với tập thể Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực tham mưu cho huyện Nam Sách nhiều biện pháp để chỉ đạo các xã triển khai tốt các bước xây dựng nông thôn mới, đưa Nam Sách là huyện có tiến độ xây dựng nông thôn mới nhanh nhất tỉnh.
Với những đóng góp tích cực, cá nhân chị Vũ Thị Liên 5 năm liền được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp tỉnh. Chị cũng là một trong những tấm gương tiêu biểu của huyện Nam Sách tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được huyện đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen.
MINH HẠNH