Người cán bộ lội ruộng, nghe đất, hiểu dân

Việc tử tế - Ngày đăng : 08:28, 01/05/2013

Chị Bẩy chất phác, hồn hậu như những người nông dân mà chị gắn bó và tôi thấy chị thật gần gũi với những lời dạy của Bác Hồ.



Chị Bẩy cùng đồng nghiệp trình diễn mô hình sản xuất thử giống lạc LĐN-02 trên cánh đồng xã Lê Ninh (Kinh Môn)


Hải Dương là một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng, được phù sa các dòng sông bồi đắp từ bao đời nên thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, một số giống cây đã bị thoái hoá, đất cũng bị bạc màu. Nhu cầu khảo nghiệm giống mới để đưa vào cơ cấu gieo trồng phù hợp với điều kiện sinh thái và điều kiện sản xuất của tỉnh được đặt ra.

Năm 1999, Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng tỉnh Hải Dương (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) được thành lập. Đây chính là “mảnh đất màu mỡ” để những cán bộ, kỹ sư yêu khoa học, hiểu đất, yêu cây, gắn bó với bà con nông dân “gieo trồng” và “gặt hái” những “vụ mùa bội thu”. Khi bày tỏ mong muốn được gặp một trong những cán bộ, kỹ sư điển hình trong công tác nghiên cứu khoa học của trung tâm, tôi được giới thiệu gặp chị Lê Thị Bẩy, Phó Giám đốc trung tâm kiêm Trưởng Phòng kỹ thuật.

Chị Bẩy sinh ra và lớn lên ở nông thôn, chọn Khoa Trồng trọt Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội để theo học và sau đó về công tác tại Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng tỉnh Hải Dương. Đó có thể coi là “duyên”, là “nghiệp”, người chọn nghề mà nghề cũng chọn người. Tình yêu, niềm say mê công việc trong chị Bẩy bởi thế cũng lớn dần theo năm tháng.

Tình yêu, niềm say mê công việc, say mê sáng tạo là những đức tính vô cùng quý giá của những người làm khoa học. Đối với chị Bẩy, tình yêu ấy được dồn vào những “đứa con” có tên gọi như: Lúa nếp ĐN20, nếp Lang Liêu, Ngô nếp Waxy 3 và Tím dẻo 926, Lạc LĐN-02, Đậu tương Đ2101, Đ8… Tình yêu ấy cũng xuất phát từ sự thấu hiểu, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân, xuất phát từ việc nắm bắt xu hướng phát triển của nền nông nghiệp hiện đại. Chị Bẩy, khi là tác giả, khi là đồng tác giả, đã cũng các cán bộ, kỹ sư của trung tâm tập trung nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm và đưa vào đồng ruộng những giống lúa, ngô, đậu... có năng suất cao, chất lượng tốt.

Mỗi năm Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng Hải Dương khảo nghiệm, chọn tạo khoảng 400 lượt giống gồm lúa, ngô, đậu tương, lạc; mỗi giống khảo nghiệm phải trải qua 3 vụ sản xuất. Nếu được đánh giá là có triển vọng về năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh và các điều kiện bất thuận khác thì được sản xuất trình diễn ở một số địa phương và tiếp tục được theo dõi, đánh giá; giống nào phù hợp thì đề nghị Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho sản xuất thử và nếu được Cục Trồng trọt công nhận thì sẽ chuyển giao để nông dân sản xuất đại trà.

Tuy có thể kể ngắn gọn như vậy nhưng quy trình từ khảo nghiệm, sản xuất trình diễn, sản xuất thử và sản xuất đại trà mỗi loại giống mới không hề đơn giản. Tìm hiểu đề tài khoa học “Xây dựng mô hình trình diễn giống ngô nếp Waxy3 và Tím dẻo 926 tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương” do chị Bẩy làm chủ nhiệm, chúng tôi mới thấu hiểu được công sức mà các nhà khoa học đã phải bỏ ra để có được những bát cơm, bắp ngô thơm dẻo. Với diện tích trình diễn 2 loại giống là 40 ha tại 4 huyện Tứ Kỳ, Thanh Miện, Gia Lộc, Cẩm Giàng, chia làm 2 vụ, xuân và thu đông, chị Bẩy và các đồng nghiệp phải tính toán tỉ mỉ, khoa học về thời vụ gieo trồng, mật độ trồng, khoảng cách giữa các cây, lượng phân bón, kỹ thuật bón lót, bón thúc, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, thời điểm thu hoạch. Khảo sát điều kiện đất đai, tập quán canh tác, thâm canh, xây dựng các chỉ tiêu kỹ thuật..., công đoạn nào cũng đòi hỏi người cán bộ khoa học phải dồn tâm sức.

Cứ như vậy, bao nhiêu giống mới có mặt trên đồng đất Hải Dương là bấy nhiêu quy trình được thực hiện. Người phụ nữ nhỏ bé, dẻo dai ấy hằng ngày vẫn thoăn thoắt trên đồng ruộng, cùng bà con “dãi nắng dầm mưa”. Chị bảo, công việc của chị không gắn bó với bà con nông dân, với đồng ruộng là thất bại. Trong phòng làm việc của chị tại trung tâm, bên cạnh máy tính, máy in, là nong, nia, cuốc, cào; trong khuôn viên cơ quan chị cũng là một cánh đồng diện tích trên 9 ha và những câu chuyện chị kể thường là những kỷ niệm khi đến Kinh Môn trồng lạc hay về Thanh Miện trồng ngô... Vậy nên, với chị Bẩy không phần thưởng nào lớn hơn là những cánh đồng cho giá trị kinh tế cao, là đời sống của người nông dân được nâng lên nhờ cây lúa, củ khoai, hạt đậu, hạt ngô...; không niềm vui nào bằng việc nếp ĐN20 được công nhận là giống quốc gia, là ngô nếp Waxy3, Tím dẻo 926, Lạc LĐN – 02, Đậu tương Đ2101, Đ8… được đưa vào sản xuất đại trà. Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vì đã có sản phẩm được lựa chọn tham gia Ngày phụ nữ sáng tạo năm 2011, Giải thưởng khoa học và công nghệ Côn Sơn của UBND tỉnh Hải Dương, danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh... là những ghi nhận của các cấp, các ngành đối với quá trình lao động sáng tạo không mệt mỏi của một nữ cán bộ khoa học giàu tâm huyết.

Chị Thuỷ, chị Uyên và các cán bộ tại trung tâm cho biết: Hiếm thấy ai say việc như chị Bẩy. Nhà chị cách xa nơi làm việc gần 30 km, lại luôn phải di chuyển đến các địa phương trong tỉnh và thậm chí là sang cả các tỉnh bạn, đặc thù công việc đòi hỏi phải tập trung trí lực, sức lực cao, tỉ mỉ, sớm khuya, nhưng chưa khi nào thấy chị “chùn chân mỏi gối”. Ngọn lửa nghề ấy của một người lãnh đạo, một Chủ tịch Công đoàn đã được truyền đến  đồng nghiệp, đến người lao động; các nữ cán bộ, kỹ sư của trung tâm cũng đã noi gương chị để phấn đấu, nghiên cứu nhiều đề tài khoa học có ý nghĩa. Ngọn lửa nghề ấy cũng sưởi ấm những băn khoăn, những ước mong của người nông dân. Câu chuyện chị Bẩy nắm bắt được những lo lắng của bà con nông dân ở các xã Phượng Kỳ, Hà Thanh, Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) khi giống lạc đỏ 3 nhân là đặc sản của địa phương bị giảm năng suất, chất lượng để nghiên cứu và xây dựng đề tài khoa học “Nghiên cứu, phục tráng và phát triển giống lạc đỏ 3 nhân nhằm duy trì chất lượng, nâng cao năng suất trên một số địa phương của tỉnh Hải Dương” là một ví dụ. Đề tài đang được thực hiện hiệu quả và ước mong lưu giữ giống lạc quý của người nông dân sẽ sớm trở thành hiện thực nhờ sự tận tuỵ của những cán bộ khoa học như chị Bẩy.

Khi tìm nhân vật cho bài viết về tấm gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi được gặp chị Bẩy, một cán bộ khoa học tâm huyết, giỏi chuyên môn và quý hơn là gặp một tâm hồn, một tích cách dung dị như hạt ngô, hạt lúa quê nhà. Chị chất phác, hồn hậu như những người nông dân mà chị gắn bó và tôi thấy chị thật gần gũi với những lời dạy của Bác Hồ: “đi sát thực tế, gần gũi quần chúng...”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, “bao nhiêu lợi ích đều vì nhân dân”, hiểu dân, học dân, trọng dân và có trách nhiệm giúp đỡ dân.

THÙY LÂM