Margaret Thatcher - Người đàn bà thép
Tư liệu - Ngày đăng : 03:18, 03/05/2013
Ân nhân của kinh tế Anh
Mùa xuân năm 1979, Margaret Thatcher đã chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử và trở thành người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Vương quốc Anh. Nhiệm kỳ của bà kéo dài 11 năm (1979 - 1990), được ghi dấu ấn mạnh mẽ bởi các biện pháp kiềm chế lạm phát, giảm chi tiêu, tư nhân hóa công ty nhà nước và nới lỏng kiểm soát tài chính.
Margaret Thatcher |
Giữa quý II năm 1979 và quý IV năm 1990, tỷ lệ tăng trưởng hằng năm của nền kinh tế là 2,3%, không sáng sủa hơn so với nền kinh tế thời kỳ hậu chiến tranh. Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng này không thấm tháp gì so với thời kỳ hoàng kim của nền kinh tế nước Anh trong quá khứ, nhưng các chuyên gia kinh tế đều phải thừa nhận rằng mức tăng trưởng này là khá ấn tượng so với mức tăng trưởng của các quốc gia khác cùng thời điểm bấy giờ.
Bà Thatcher cũng là người phản bác quan điểm kiềm chế đồng bảng Anh so với tiền Đức, là quan điểm đã ăn sâu trong tư tưởng nội các Anh suốt 30 năm mỗi khi lập ra chính sách. Bà Thatcher đã kiên định trong việc chứng minh rằng thị trường mới là nguồn thu dồi dào và tiềm năng tốt nhất của nền kinh tế.
Lập trường kinh tế của bà Thatcher cũng được thể hiện rõ rệt khi tập trung thu nhỏ vai trò của nhà nước. Dựa trên lập trường quan điểm này, bà đã tiến hành tư hữu hóa các doanh nghiệp quốc doanh và thiết lập ra các quy định đối với dịch vụ viễn thông, khí đốt, nước và hầu hết các hạng mục thiết yếu của đời sống. Điều này đã mở đường cho sự cạnh tranh công bằng về lợi ích của những ngành này. Chú trọng tới các hoạt động mở cửa cho đầu tư thương mại tự do và các nguồn vốn trực tiếp từ nước ngoài là một trong những chính sách kinh tế của bà. Dấu hiệu tích cực đối với chính sách này là vào những năm 80, Nhật Bản đã quyết định đầu tư và đặt các công ty sản xuất tại Anh.
Bà Margaret Thatcher thăm một công ty viễn thông ở Singapore
Đối với thị trường lao động, tình trạng chỉ số thất nghiệp ngày càng gia tăng vào những năm 80 của thế kỷ trước và sự thay đổi cơ cấu nền công nghiệp, lại phải chịu thêm giới hạn nghiêm ngặt bởi luật pháp, khiến làn sóng biểu tình trong dân chúng dâng cao. Trước tình thế đó, thay vì ban hành các đạo luật, bà Thatcher đã khôn khéo sử dụng các chiến lược thay đổi tiệm tiến để xoa dịu lòng dân bằng việc dân chủ hóa các nghiệp đoàn và giao trả quyền lực về cho các thành viên. Theo đó, công nhân được phép bỏ phiếu kín hoặc đưa ra ý kiến trước khi kêu gọi biểu tình. Với sự khéo léo, tài tình, nữ thủ tướng đã thành công trong nỗ lực giảm thiểu quyền lực và ảnh hưởng của các nghiệp đoàn, ngăn cản sự tái bùng phát các cuộc đình công quy mô lớn. Từ năm 1979, các cuộc biểu tình đã giảm đi rõ rệt, đặc biệt là trong khu vực công. Đối với thị trường nhà ở, bà thực hiện chính sách bán nhà công cho người thuê mướn.
Không ai có thể phủ nhận được tài năng lãnh đạo xuất chúng của người đàn bà thép. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công rực rỡ của quá trình vực dậy nền kinh tế Anh, chính sách của “bà đầm thép” cũng mang lại những tác dụng phụ không ngờ đến. Đó là sự mất cân bằng về tiền lương khi những người sử dụng lao động phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về việc chi trả lương cho những người ở vị trí quản lý và hậu quả của việc bãi bỏ các ngành dịch vụ tài chính. Gần như toàn bộ nền kinh tế không thể hồi phục được sau vết thương của nền công nghiệp thập niên 80, tất cả đều mang “vết sẹo khó lành”...
Tuy nhiên, không thể phủ nhận được rằng sau 22 năm dưới thời bà Thatcher và nhờ có những chính sách cải cách của bà, nước Anh đã có thể phục hồi lại vị thế và vượt xa nhiều nền kinh tế, để thấy rằng cần phải trải qua nỗi đau ngắn hạn mới có thể đạt được những lợi ích lâu dài.
Điều ít biết về “Bà đầm thép”
Không phải ngẫu nhiên mà cựu Thủ tướng Margaret Thatcher được người đời gán cho biệt danh "Bà đầm thép". Hồ sơ mới giải mật đã cung cấp những giải thích xác đáng về phương pháp lãnh đạo và quản lý cứng rắn với các bộ trưởng của vị nữ thủ tướng này. Bà Thatcher muốn nước Anh khẳng định vị trí lãnh đạo của mình trong các vấn đề quốc tế. Thatcher là hình ảnh biểu trưng cho các chính trị gia cánh hữu hoạt động năng nổ trong Đảng Bảo thủ, với chủ trương phát triển tính độc lập cá nhân và hạn chế sự can thiệp của chính quyền.
Chất "thép" nằm trong cách bà ứng xử với những bộ trưởng của mình. Trong 6 tháng đầu cầm quyền, bà Thatcher đã quát mắng công khai các bộ trưởng trong nội các, làm phật lòng họ bởi những lời chỉ trích cá nhân. Khiếp sợ trước lối nói mạnh mẽ của người đứng đầu chính phủ, những vị bộ trưởng chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt”. “Bà đầm thép” còn được biết đến là người không ưa những cuộc thảo luận mang tính chất "đàn bà". Nội các chính phủ của bà Thatcher không có phụ nữ. Và thứ đồ uống ưa thích của bà là rượu whisky, chứ không phải loại rượu sherry, vốn được tất cả phụ nữ Anh thời đó hay dùng.
Chất "thép" của bà Thatcher không chỉ thể hiện trong đối nội mà còn cả trong đối ngoại. Tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh tế quốc tế Tokyo (Tô-ky-ô), Nhật Bản, tháng 6-1979, nước chủ nhà định bố trí 20 nữ vệ sĩ đi theo bảo vệ nhưng bà Thatcher dứt khoát từ chối với lý do không cần thiết. Theo thông cáo chính thức của Bộ Ngoại giao Anh, "Thủ tướng muốn được đối xử như các trưởng đoàn quốc tế khác, vấn đề không phải là mức độ bảo vệ an ninh mà là cách thức quá khác biệt. Nếu những trưởng đoàn khác được 20 nam vệ sĩ bảo vệ thì bà không phản đối. Bà không muốn có sự khác biệt".
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, bà Thatcher đã ra lệnh cho các tàu ngầm của Anh ngụy trang giống tàu Liên Xô, đưa người nhái chiến đấu Special Boat Service (SBS) vào bờ biển Thụy Điển. Chiến dịch phao tin dấy lên những năm 80, đầu những năm 90 thế kỷ XX, là để dư luận quốc tế coi Liên Xô như một cường quốc xâm lược. Nhiều tàu trong số đó đã tham gia vào chiến dịch do CIA chỉ đạo, được các lực lượng của Anh và Mỹ thực hiện và kéo dài cho đến khi Liên Xô tan rã.
Trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc có lẽ là “nhượng bộ lớn nhất” của bà Thatcher trên cương vị Thủ tướng Anh để rồi một thập kỷ sau, bà Thatcher bày tỏ sự hối tiếc vì đã không thể thuyết phục nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình gia hạn thêm việc thuê vùng đất này.
Cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher qua đời vào chiều 8-4-2013 (giờ Việt Nam) sau một cơn đột quỵ, thọ 87 tuổi. |
PHƯƠNG LINH(biên soạn)