Chào cờ Tổ quốc trên chiến hạm uy lực Đinh Tiên Hoàng

Tin tức - Ngày đăng : 10:19, 06/05/2013

Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trên chiến hạm nghiêm trang hướng về cờ Tổ quốc. Lời quốc ca vang lên. Lời hát hùng hồn trên những gương mặt sỹ quan trẻ mà rắn rỏi.



Lễ chào cờ trên chiến hạm Đinh Tiên Hoàng -   Ảnh: M.Lăng

7 giờ sáng 6-5, ở quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), tại vị trí bãi đáp của trực thăng săn ngầm Ka-28 trên chiến hạm Đinh Tiên Hoàng - tàu hộ vệ tên lửa săn ngầm lớp Gepard 3.9 đầu tiên của Việt Nam - quốc kỳ đỏ thắm tung bay kiêu hãnh giữa trời xanh ngắt.

Toàn bộ chỉ huy, sỹ quan, chiến sĩ trên chiến hạm nghiêm trang, xếp thành hai khối, hướng về cờ Tổ quốc. Lời quốc ca vang lên. Lời hát hùng hồn trên những gương mặt sỹ quan trẻ mà rắn rỏi.

Quốc ca vừa dứt, một sỹ quan bước lên, ánh mắt nhìn về phía cờ Tổ quốc đang căng bay, dõng dạc đọc mười lời thề danh dự của quân nhân: “Chúng tôi, quân nhân trong Quân đội quân nhân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc. Một: hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam... Hai: tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên, khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm tận lực, thi hành nhanh chóng và chính xác...”. Người sỹ quan trẻ đọc lời thề ấy hôm nay là Thiếu úy Trần Ngọc Việt, 24 tuổi, phó trưởng ngành rađa của chiến hạm Đinh Tiên Hoàng.

Những “gương mặt vàng”

Trẻ, khỏe và giỏi. Chỉ riêng ba yếu tố ấy khiến bất cứ người sỹ quan nào được phục vụ trên chiến hạm Đinh Tiên Hoàng cũng phải tự hào. Gần 50% sỹ quan trên tàu sinh năm 1988, 1989, 1990. Dàn sỹ quan trưởng ngành trẻ nhất mới 24 tuổi, lớn nhất chỉ 30. Trên tàu có bảy ngành (hàng hải, hỏa lực, cơ điện, rađa, thông tin...) thì trưởng - phó ngành đều thuộc thế hệ 8X: Trung úy Trình Văn Dũng (25 tuổi, trưởng ngành thông tin), Trung úy Nguyễn Trọng Hùng (24 tuổi, phó ngành cơ điện), Thượng úy Nguyễn Văn Hiếu (27 tuổi, trưởng ngành hỏa lực, đã kinh qua nhiều dạng tàu chiến đấu ở các vùng hải quân khác)... Không khó để tìm ra những gương mặt nổi bật trên chiến hạm này. Tất cả đều trẻ, giỏi, nhiệt huyết. Họ được tuyển chọn từ nhiều vùng hải quân, có kinh nghiệm làm việc trên nhiều loại tàu. Còn những gương mặt mới toanh đều là học viên giỏi của Học viện Hải quân và Học viện Kỹ thuật quân sự.

Tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự, tháng 9-2012, sau sáu tháng tập sự trưởng ngành, chàng Thiếu úy Trần Ngọc Việt đã chính thức được giao nhiệm vụ là phó trưởng ngành rađa, quản lý 14 nhân viên và toàn bộ hệ thống rađa hiện đại trên chiến hạm. Trong khi đó, từng là phó ngành máy tàu tên lửa tấn công nhanh “tia chớp” lớp Molya, Thượng úy Phạm Ngọc Tưởng, 30 tuổi, đảm nhiệm vị trí trưởng ngành cơ điện chiến hạm vào tháng 11-2012. “Tưởng có nền tảng mạnh về tin học nên khả năng tiếp thu, sử dụng các trang thiết bị điều khiển tự động rất tốt”, Thiếu tá - thuyền trưởng Nguyễn Đình Giảng nhận xét. Anh cho biết thêm: “Chiến hạm Đinh Tiên Hoàng còn là tàu đối ngoại quân sự nên toàn bộ sỹ quan làm việc trên tàu không chỉ có trình độ cao (30% sỹ quan đã được đào tạo trực tiếp tại Nga), trẻ, cao tối thiểu 1,65m mà 100% đều biết tiếng Nga. Ngay cả quân nhân chuyên nghiệp cũng có khả năng giao tiếp với chuyên gia người Nga ngay tại vị trí chiến đấu. Ngoài ra, nhiều sỹ quan, chỉ huy trên tàu còn giỏi tiếng Anh. Trung úy Đào Xuân Tài, 24 tuổi, trưởng ngành hàng hải, thi TOEIC được 635 điểm. Khi tham gia khóa học do nước ngoài tổ chức, có tiêu chuẩn đi du học nhưng Tài từ chối vì hải quân là ước mơ, là tình yêu của cậu ấy”.

Và điều đặc biệt là thuyền trưởng Nguyễn Đình Giảng (sinh năm 1971) mới mang quân hàm Thiếu tá. Anh từng kinh qua bảy loại tàu khác nhau như tàu hàng, tàu chiến, tàu săn ngầm... Là một trong những người đầu tiên sang Nga học và tiếp nhận tàu Đinh Tiên Hoàng từ khi chiến hạm này còn nằm ở biển Baltic (Nga), Thiếu tá Giảng vẫn không quên được những xúc cảm choáng ngợp, tự hào khi lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy chiến hạm. “Khi chúng tôi đi nhận tàu, đoàn công tác của hải quân Siberia đến bắt tay và nói: các bạn có tàu rất hiện đại” - Thiếu tá Giảng kể.

Uy lực chiến hạm Đinh Tiên Hoàng thế nào?

Với tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 Đinh Tiên Hoàng, lần đầu tiên Việt Nam sở hữu tàu chiến mặt nước có lượng giãn nước trên 2.000 tấn. Đây là loại tàu chiến có khả năng tàng hình, săn tàu ngầm, chống hạm, chống các loại tàu chiến mặt nước, được trang bị các loại vũ khí tiên tiến nhất của Nga hiện nay. Trong đó có tổ hợp pháo - tên lửa phòng không đa năng Palma, tổ hợp tên lửa Ural và trực thăng săn ngầm Ka-28. “Một trong những nét đặc biệt của chiến hạm là hệ thống xử lý thông tin chiến đấu gồm những trang thiết bị hiện đại so với nhiều tàu chiến trên thế giới và hệ thống vũ khí thông minh tự tìm mục tiêu. Hệ thống vũ khí của tàu tinh khôn hơn. Con người không phải trực tiếp bóp cò mà tác chiến chỉ bằng một cái click chuột trên hệ thống tác chiến điện tử”, Trung tá - chính trị viên Trần Viết Tiến cho biết.

Tàu được thiết kế với nhiều khoang kín nước, có khả năng vẫn hoạt động tốt nếu có ba khoang bị ngập. Chiến hạm hiện đại này có hệ thống tự điều chỉnh đưa về cấp sóng dưới 5 trong điều kiện cấp sóng lớn bất kỳ, bảo đảm cho độ chính xác khi sử dụng vũ khí, khí tài (tàu có thể hoạt động ở mọi cấp sóng). Giải thích về tính năng tàng hình của chiến hạm, thuyền trưởng Nguyễn Đình Giảng cho biết: “Do thiết kế trên boong tàu được chế tạo từ vật liệu đặc biệt hấp thụ sóng rađa và làm giảm khả năng hấp thụ sóng rađa. Bên cạnh đó, tuyến hình của tàu ở tất cả các mặt được thiết kế góc cạnh, gọn, không bè để làm giảm diện tích phản xạ. Sóng phản xạ bay lên không trung khiến rađa đối phương không thể phát hiện”.

Chiến hạm Đinh Tiên Hoàng có khả năng tiến công đa năng ba trong một (trên mặt nước, dưới nước và trên không), đặc biệt là khả năng chống ngầm. Tàu có khả năng tìm diệt các tàu mặt nước của đối phương từ xa ở cự ly đến 130km (tàu chiến khác phải tiếp cận gần mục tiêu ở cự ly từ 10-18km mới bắn được). Đối với các loại tàu lớn thì tên lửa trên chiến hạm chỉ cần 1-2 quả là tiêu diệt mục tiêu trong nháy mắt. “Bất kể một đầu tự dẫn tên lửa hay máy bay, trực thăng nào lao vào tàu đều trở thành mồi cho tổ hợp pháo - tên lửa phòng không đa năng Palma (pháo 12 nòng 30 ly và tên lửa phòng không), tốc độ bắn 10.000 phát/phút với tầm bắn đến 8.000m, làm nhiệm vụ bảo vệ toàn bộ tuyến phòng không cho tàu và biên đội tác chiến” - thuyền phó quân sự Phạm Anh Tuấn dẫn chúng tôi ra vị trí của hệ thống pháo - tên lửa phòng không đa năng Palma nằm phía sau pháo AK176 phía trước mũi tàu, giới thiệu.

Ngay giữa thân tàu, ở lối cầu thang dẫn lên chiến hạm là hệ thống tên lửa Ural hoành tráng ở hai bên mạn tàu. Mỗi bên là bốn bệ phóng chứa bốn quả tên lửa hạm đối hạm siêu âm Kh35, có nhiệm vụ tiêu diệt các tàu mặt nước ở khoảng cách tới 130km. Loại tên lửa chống hạm dưới âm này là vũ khí đáng sợ nhất của chiếm hạm bởi nó là hệ thống tên lửa chống hạm thế hệ mới nhất. Phía trước mũi tàu là pháo AK176 với tốc độ bắn 60-120 phát/phút, bảo đảm tiêu diệt các mục tiêu (trên biển, ven bờ và kể cả mục tiêu trên không) trong khu vực với phạm vi lớn hơn 15km và độ cao 11,5km...

Một lãnh đạo Quân chủng Hải quân Việt Nam nhận xét: “Quan trọng nhất là những con người trên con tàu ấy có khả năng làm chủ, khai thác, sử dụng vũ khí khí tài được trang bị cùng với việc vận dụng chiến thuật và phương thức nghệ thuật quân sự Việt Nam trên biển để tạo nên sức mạnh và phát huy tối đa những ưu điểm nổi trội của chiến hạm này. Cùng với những lực lượng khác của lữ đoàn 162, chiến hạm Đinh Tiên Hoàng sẽ là một trong những lực lượng tiền thân đóng góp cho những hạm đội Biển Đông tương lai, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thềm lục địa và sẽ có những đóng góp to lớn cho việc giữ gìn, bảo đảm hòa bình vùng biển Việt Nam, khu vực và thế giới”.

MY LĂNG (Tuổi trẻ)

Chiến hạm Đinh Tiên Hoàng và các tổ hợp vũ khí nhìn từ phía trước mũi tàu - Ảnh: M.Lăng

Trực thăng săn ngầm

Phía đuôi tàu là sân bay trực thăng săn ngầm Ka-28. Hiện chỉ có duy nhất tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ mới có trực thăng săn ngầm Ka-28. Nhiệm vụ chính của nó là tìm kiếm tàu ngầm, Ka-28 có 64 phao thủy âm thả dưới nước thu phát tín hiệu siêu âm, dò tiếng động cơ và chuyển động của tàu ngầm, sau đó phóng ngư lôi để tiêu diệt tàu ngầm.

Ka-28 được trang bị các thiết bị vũ khí chống ngầm như bom chống ngầm, ngư lôi chống ngầm, tên lửa chống ngầm. Cũng phải kể đến hệ thống chống ngầm của chiến hạm gồm hệ thống chống biệt kích và người nhái, hệ thống chống ngư lôi, đi kèm là các loại súng phóng lựu tiêu diệt biệt kích, người nhái ở độ sâu 60m.

Vinh dự và áp lực

Toàn bộ cán bộ, sỹ quan làm việc trên tàu Đinh Tiên Hoàng được đưa đi Nga để chuẩn bị cho việc tiếp nhận tàu tên lửa hộ vệ lớp Gepard 3.9 đầu tiên của Việt Nam. Sau 6 tháng vừa học lý thuyết vừa thực hành trực tiếp trên chiến hạm, họ phải trải qua kỳ thi kiểm tra liên tục rất nghiêm ngặt của các chuyên gia Nga, đạt yêu cầu mới cấp chứng chỉ cho làm việc trên tàu. Tháng 3-2011, tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng về đến quân cảng Cam Ranh. Việt Nam là nước thứ hai sau Nga sở hữu loại tàu chiến hiện đại đầy uy lực này. Thế nên niềm vinh dự và cả áp lực đều song hành với từng sỹ quan trên chiến hạm. Cường độ làm việc của họ rất cao: bắt đầu từ 5g sáng đến 21g30. “Không đọc, không nghiên cứu kỹ thì không nắm hết được trang thiết bị, tính năng, không chủ động và không tự tin khi thao tác. Càng đọc, càng mày mò, càng thích” - Thượng úy Phạm Ngọc Tưởng cho biết.