Hài hước với chuyện Hitler sống lại ở thế kỷ 21
Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 08:15, 07/05/2013
Tuy vậy, xung quanh cuốn sách cũng có nhiều ý kiến tranh cãi.
Hiện tại các luồng ý kiến khác nhau đang đưa ra xung quanh việc xuất bản cuốn sách, rằng liệu một kẻ độc tài gây ra bao nỗi khiếp sợ, kinh hoàng về Đức Quốc xã có thể trở thành một nhân vật gây cười cho công chúng?
Cuốn tiểu thuyết đưa ra một giả thuyết tưởng tượng rằng Hitler bất ngờ quay trở lại thành phố Berlin. Người dân Berlin đơn giản nghĩ rằng: Ô, người đàn ông này trông giống Hitler quá. Kỳ thực sau gần 70 năm hôn mê, Hitler tỉnh lại, cố gắng tái hoà nhập với thế giới hiện đại. Ông ta băn khoăn: Quân Nga đi đâu cả rồi? Sao trên phố có lắm người đạp xe và đội cái mũ gì trên đầu thế?
Hitler đi tìm mua tờ báo yêu thích nhất của mình - tờ People’s Observer nhưng nó không còn xuất bản nữa. Người bán hàng có chút e ngại với vị khách kỳ lạ nhưng vẫn để Hitler vào với lời dặn dò: “Đừng có ăn cắp thứ gì của tôi đấy”. “Trông tôi giống kẻ cắp lắm à?”. “Ông trông giống Hitler”. “Hẳn nhiên là thế rồi”.
Sau quá trình cố gắng thích nghi với thế giới hiện đại, Hitler trở thành người nổi tiếng, một chính trị gia, xuất hiện trên các talkshow truyền hình và đặc biệt được yêu thích với những đề xuất mới về việc xử phạt nghiêm khắc đối với việc để chó “bậy” trên đường.
Câu chuyện hài hước này rất thu hút người dân Đức. Cuốn “Er ist wieder da” hiện đã bán được 400.000 bản. Phiên bản sách audio cũng trở thành “best-seller”. “Er ist wieder da” sắp được dịch sang 28 thứ tiếng và sẽ được làm thành phim.
Tờ BBC của Anh nhận định: Cuốn sách này sẽ sớm xuất hiện trong hiệu sách gần nhà bạn bất kể bạn đang ở đâu và nói thứ tiếng gì.
Có thể nói ý tưởng về cuốn sách đã trở nên quen thuộc: một người từ thời đại xa xôi nào đó bỗng nhiên rơi vào thế giới hiện đại và phải cố gắng thích nghi. Trong trường hợp này, Rip van Hitler (tên mới của Hitler) bị bủa vây bởi máy tính, điện thoại di động và tất cả những vật dụng hiện đại khác.
Việc Hitler trở thành nhân vật gây cười, bị châm biếm, trào lộng cũng không có gì mới nhưng việc khắc hoạ Hitler như một con-người vẫn luôn là ý tưởng không dễ chấp nhận đối với một bộ phận độc giả.
Tờ tin tức Süddeutsche Zeitung của Đức nhận định thành công của cuốn sách không nằm ở chất lượng văn học mà nằm ở chính sự ám ảnh dài lâu của loài người đối với nhân vật này: “Những quan niệm lâu nay vốn đóng chặt vào nhân vật Hitler đã định hình trong tư duy người Đức từ rất lâu.
Ở Đức, người ta có thể khắc hoạ Hitler trong một cuốn truyện tranh, đại diện cho các loài quỷ dữ. Cách khắc hoạ tràn lan kiểu này đã làm mất đi sự đòi hỏi về tính chân thực trong tư duy của công chúng.”
Thông qua cuốn sách “Er ist wieder da”, tác giả Timur Vermes cho biết ông muốn khắc hoạ Hitler với tư cách một con người, để người Đức hôm nay phải suy nghĩ nhiều chiều hơn về nhân vật này.
Tác giả Timur Vermes
Ý tưởng của cuốn sách có thể phi logic nhưng mục đích của nó thì rất thực tế: Hitler cũng là một con người với những mảng sáng tối, tính cách phức tạp, không nên chỉ khắc hoạ nhân vật theo kiểu một chiều: lúc thì như thằng hề lúc thì như con quỷ.
Tác giả Vermes chia sẻ: “Chúng tôi đã được học trong hơn 60 năm qua rằng Hitler là người xấu. Nhưng với những định kiến một chiều như vậy, chúng tôi không nhận ra rằng ông ấy cũng làm được một số việc có ý nghĩa. Ông ấy đã được người dân bỏ phiếu chọn lựa và người dân không chọn những thằng đần.
Giới trẻ Đức hôm nay hiểu khá lờ mờ về nhân vật Hitler, họ cho rằng ông ta không suy nghĩ bình thường được nhưng định kiến đó sẽ bị bẻ gẫy trong cuốn sách này bởi thực chất Hitler tư duy rất logic.”
Tuy vậy các nhà phê bình cũng khá lo ngại về cuốn sách. Họ sợ rằng người Đức sẽ cảm thấy gần gũi và thoải mái hơn khi nhắc tới cái tên Hitler. Có một ranh giới rất mong manh giữa việc nhân tính hoá Hitler trong một tình huống giả tưởng và việc biến ông ta trở thành một nhân vật giành được sự cảm thông của người đọc.
Thiết kế bìa cuốn sách lấy cảm hứng từ mái tóc và bộ ria mép đặc trưng của Hitler
Thái độ của người Đức đã thay đổi khá nhiều trong những thập kỷ qua, theo nhà phê bình Rudolph Herzog: “Phản ứng đầu tiên sau khi chiến tranh kết thúc đó là đồng loạt gọi Hitler là quỷ sứ. Người ta phản ứng như thể Hitler là một nhà thôi miên đã mê hoặc tất cả mọi người và vì thế mọi người không có trách nhiệm đối với những gì đã xảy ra, chỉ có kẻ thôi miên là có tội. Cách suy nghĩ này khiến vấn đề càng khó khăn hơn khi người trẻ không thể hiểu điều gì đã khiến tất cả những điều bi kịch xảy ra.”
Ca sĩ Thomas Pigor, người từng lồng tiếng cho nhân vật Hitler trong một bộ phim hoạt hình (trong phim, Hitler bơi trong hồ cùng với lũ vịt) chia sẻ: “Thái độ người dân đã thay đổi khá nhiều kể từ khi tôi lồng tiếng cho bộ phim hoạt hình năm 1993. Khi đó, người dân phản ứng rất dữ dội.
Họ cho rằng Hitler là nhân vật khét tiếng độc ác, không được phép cười cợt về nhân vật phản diện. Giờ đây, suy nghĩ này đã thay đổi. Thế hệ trẻ của Đức hôm nay không đồng tình với thái độ của những thế hệ đi trước khi chối bỏ một phần quá khứ của nước Đức, một phần quá khứ gắn liền với Đức Quốc xã.”
Bích Ngọc (DT)