Đưa nước máy về làng

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:53, 11/05/2013

Nhờ có phương án cấp nước hợp lý, Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch số 3 đã cấp nước sạch cho hơn 7.000 hộ dân ở một số xã thuộc huyện Ninh Giang.



Cô và trò Trường Mầm non Hiệp Lực được sử dụng nước sạch

Khác gì thành phố

Hiện nay, hơn 200 hộ dân ở thôn An Rặc, xã Hồng Thái đều có chung niềm vui khi vừa có nguồn nước sạch (nước máy) để dùng trong sinh hoạt. Thấy khách đến nhà, ông Bùi Tuấn Mã từ ngoài vườn về nhanh tay mở vòi nước rửa chân, ông vui vẻ nói: "Thật là mừng khi người dân trong làng được sử dụng nước máy thay thế bể chứa nước mưa, nước giếng khoan, giếng khơi từ xưa tới nay. Trước đây, nguồn nước giếng ở đây còn nhiều chất đỏ quạch. Mặc dù gia đình đã lọc 2 lần nhưng vẫn không bảo đảm vì chỉ sau một thời gian, hệ thống đường ống và khóa nước của gia đình đều bị phá hủy do chất cặn sắt. Bây giờ có nước máy trong vắt, chảy lên tới tầng ba, gia đình rất yên tâm trong sinh hoạt, giá cả cũng hơp lý".

Bác Lê Thị Lời, ở thôn Mai Xá, xã Hiệp Lực chia sẻ: “Ngày xưa, muốn có nước phải khoan giếng. Nhưng nước giếng thôn tôi độc lắm, quần áo giặt một thời gian là bị vàng ố, mủn rách. Không những thế, nhiều người trong làng còn bị mắc các bệnh ngoài da, đau mắt, ung thư... Sau khi có đường ống dẫn nước sạch về làng, cả xã vui mừng, phấn khởi. Bây giờ mọi sinh hoạt trong gia đình tôi đều dùng nước từ nhà máy. Bây giờ, nhà tôi như ở thành phố, mở vòi lúc nào cũng có nước chảy”.


Còn cô Đào Thị Tuyến, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Hiệp Lực cho biết: “Nhà trường có 450 học sinh, việc dạy dỗ và bảo đảm sức khỏe cho các bé rất quan trọng. Từ khi có nước sạch dùng sinh hoạt hằng ngày, chúng tôi yên tâm hơn. Qua sử dụng, cô trò thấy nước trong, không có mùi vị khác biệt và được nhà máy cung cấp đủ, ổn định…"

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Chiên, Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực, đến nay cả 4 thôn trong xã đều có đường ống cấp nước đến tận hộ gia đình. Chi phí phục vụ lắp đặt đồng hồ chỉ trên dưới 1 triệu đồng, tùy theo khoảng cách điểm đấu nối từ đồng hồ nước của gia đình đến đường ống dẫn nước chính. Bà con rất phấn khởi được dùng nước máy. Nước máy về làng mang theo nhiều tiện lợi. Công sở, trường học, trạm y tế có nguồn nước bảo đảm vệ sinh, góp phần quan trọng vào công tác phòng trừ dịch, bệnh. Có nước máy, môi trường giảm hẳn ô nhiễm, không còn tình trạng người dân đổ bừa bãi chất thải màu vàng xỉn từ việc thau rửa bể lọc nước giếng khoan ra đường, hàng trăm bể lọc nước cồng kềnh, xấu xí được tháo dỡ. Những hộ làm nghề chế biến thực phẩm thực hiện tốt hơn việc bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Có nước sạch, mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở Hiệp Lực cũng sẽ mau thành hiện thực.

Cấp nước theo “chuỗi”

Những năm qua, Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch số 3 thuộc Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hải Dương đã huy động từ các nguồn vốn cho chương trình nước sạch nông thôn, đầu tư mở rộng mạng lưới gắn với nâng cao chất lượng nước, khai thác có hiệu quả hệ thống cấp nước sạch nông thôn. Từ một trạm cấp nước cũ cung cấp nước cho 700 hộ dân ở thị trấn Ninh Giang, đầu năm 2011, xí nghiệp đã nâng công suất từ 1.000 m3 lên 10 nghìn m3/ngày, đêm để cung cấp nước sạch cho hơn 7.000 hộ dân thuộc địa bàn các xã Hiệp Lực, Hồng Thái, Hồng Dụ, Đồng Tâm, Vĩnh Hòa, Ninh Thành và cấp nước cho cụm công nghiệp Nghĩa An. Ngay sau khi có nước sạch, cụm công nghiệp Nghĩa An đã thu hút được doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Ông Nguyễn Thái Dũng, Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch số 3 cho biết: Với phương án cấp nước theo "chuỗi", xí nghiệp đã ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào việc quản lý toàn diện hệ thống, giảm được 50% chi phí đầu tư phát triển mạng lưới, triển khai nhanh, chất lượng nguồn nước bảo đảm, giảm bớt đầu mối quản lý, hạ giá thành sản phẩm.

Thời gian tới, Xí nghiệp kinh doanh nước sạch số 3 huyện Ninh Giang tiếp tục huy động các nguồn vốn, đồng thời có kế hoạch nâng công suất, đầu tư lắp đặt hệ thống đường ống cấp nước cho các xã Ninh Hải, Kiến Quốc, Hồng Phong và các địa phương lân cận gồm Hà Kỳ (Tứ Kỳ), xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình).

MINH PHƯƠNG