Chùa Vĩnh Xuyên
Di tích - Ngày đăng : 10:51, 13/05/2013
Tòa tiền đường chùa Vĩnh Xuyên
Chùa Vĩnh Xuyên nằm ở trung tâm thôn Vĩnh Xuyên, xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang). Chùa có tên chữ là “Phượng Sồ Tự”, với ý nghĩa là ngôi chùa danh giá, nổi tiếng đẹp về cảnh quan. Nhân dân trong vùng thường gọi là chùa Nguyễn.
Hiện không còn tài liệu cho biết chính xác chùa được khởi dựng năm nào. Song, căn cứ vào nội dung hai tấm bia đá, hiện còn lưu giữ tại chùa, thì chùa đã có từ thời hậu Lê và đã phải trùng tu vào thế kỷ XVII.
Chùa Vĩnh Xuyên xưa được xây dựng theo hướng nam trong một khuôn viên rất rộng, ba mặt có hào bao bọc, phía trước là một hồ nước, diện tích tới gần 1.000 m2.
Trong khuôn viên chùa có một vườn chè, nhiều cây ăn quả, cây bóng mát, cây cảnh... Đặc biệt, cạnh chùa có một cây thị cổ thụ sum suê tỏa bóng, tạo cho cảnh chùa vừa thơ mộng, vừa thâm nghiêm tĩnh mịch.
Kiến trúc chùa Vĩnh Xuyên gồm nhiều hạng mục: tòa chính điện, gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, xây theo hình chữ T, tạo thành không gian thờ tự khép kín. Phía tây tòa chính điện có 7 gian nhà trung và 3 gian nhà thờ Tổ. Toàn bộ các công trình này đều được làm bằng gỗ lim, bào trơn đóng bén, mang mộng bén khít, lắp đặt cân đối hài hòa. Trước tòa chính điện có tam quan uy nghi bề thế. Ngoài ra, nơi đây còn có tháp mộ cụ sư Bi - vị sư tổ trụ trì và viên tịch tại chùa.
Trải trên bốn thế kỷ, trong điều kiện đất nước nhiều năm có chiến tranh, thời tiết khắc nghiệt... mặc dù chùa đã nhiều lần được trùng tu, sửa chữa, song nhiều hạng mục vẫn bị hủy hoại. Rất may là chùa còn giữ được 3 gian hậu cung, tháp mộ vị sư tổ và cây thị cổ thụ.
Năm 2005, bằng sự đóng góp công sức, tiền bạc của nhân dân trong làng, xã và phật tử thập phương, đại đức Thích Tuệ Nhật đã tổ chức xây dựng lại toàn bộ tòa chính điện trên cơ sở kế thừa, bảo lưu cấu trúc của tòa hậu cung còn lại, đưa chùa Vĩnh Xuyên gần trở lại dáng dấp xưa.
Chùa được làm bằng gỗ lim, bào trơn đóng bén, mang mộng khít
Khung tòa tiền đường gồm 4 vì kèo, lấy từ tòa hậu cung cũ. Các vì kèo này có kiến trúc không giống nhau được đỡ bởi hệ thống cột cái, cột quân kê trên bệ xi-măng tạo sự giằng ngang vững chắc. Hai vì kèo gian giữa và một vì kèo gian bên có kiến trúc kiểu chống rường. Tại đây, có một số bức chạm lá lật khá sinh động. Còn một vì kèo nữa có kiến trúc kiểu trụ báng. Liên kết giữa các vì kèo là hệ thống xà dọc, thượng lương, hoành, rui... tạo thành khung mái vững chắc. Tại các đầu bẩy ngoài hiên đều chạm lá hóa long rất mềm mại, đẹp mắt.
Nối tòa tiền đường với tòa hậu cung là hai thanh kẻ góc vừa có tác dụng đỡ mái, vừa tạo ra sự ngăn cách giữa hai tòa nhà. Tại hai thanh kẻ góc này, ở mặt ngoài chạm tứ quý, nét chạm mềm mại, nhẹ nhàng, sinh động.
Tòa hậu cung gồm 3 gian, tường cũng được xây gạch chỉ, hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi truyền thống. Khung tòa hậu cung gồm 3 vì kèo đều kiến trúc theo kiểu trụ báng. Hệ thống kèo, hoành, rui bằng gỗ mới chế tác. Các cột bằng xi-măng sơn giả gỗ.
Trong chùa còn nhiều pho tượng cổ. Các pho tượng, đồ khí tự... đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Đặc biệt, trong chùa còn lưu giữ được hai tấm bia đá, liên quan đến lịch sử ngôi chùa, được khắc vào khoảng giữa và cuối thế kỷ thứ XVII. Đó là bia “Hưng công long bệ thạch ký” và bia “Hậu thần bi ký”.
Chùa Vĩnh Xuyên uy nghi tồn tại, đã chứng kiến bao đổi thay của quê hương, đất nước. Đây là nơi sinh hoạt tôn giáo của nhân dân trong làng và phật tử thập phương, nơi giáo hóa con người sống theo điều thiện, tránh xa điều ác. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, chùa còn là nơi che chở cho cán bộ, nhân dân trong xã và huyện.
Ngày 7-2-2013, chùa Vĩnh Xuyên được công nhận là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
Với ý thức trân trọng và gìn giữ di sản văn hóa dân tộc của người dân nơi đây, lại có sự quan tâm của chính quyền các cấp, chùa Vĩnh Xuyên sẽ dần dần được tôn tạo, phục dựng, trả lại dáng dấp xưa. Chắc chắn trong tương lai đây sẽ là một ngôi chùa đẹp, là địa chỉ tham quan, chiêm bái của phật tử và du khách gần xa.
NGUYỄN NGỌC ẢNH