Chính sách “ngoại giao cưỡng bức” của Trung Quốc
Bình luận - Ngày đăng : 15:42, 13/05/2013
Ngày 15-4, họ cho một trung đội đột nhập sâu vào lãnh thổ Ấn Độ đến 19km tại thung lũng Ladakh, cắm chốt đến tối 5-5 mới rút.
Các nhà buôn Ấn Độ xuống đường biểu tình kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc tại TP Ahmedabad hôm 3-5
nhằm gây sức ép đòi binh sĩ Trung Quốc rút khỏi Ladakh
Họ không rút về tay không mà đã đạt được một món lợi cụ thể: Ấn Độ dỡ bỏ các trạm quan sát tiền tiêu cùng các boongke trên cao nguyên Debsang - một vị trí chiến lược tại địa điểm án ngữ các con đường nối vùng Tây Tạng và Thanh Hải của Trung Quốc cũng như Trung Quốc với Pakistan.
Ladakh là sự cố mới và nghiêm trọng hơn nhiều so với 300 vụ đụng độ do Trung Quốc tiến hành trong ba năm qua trên đường biên giới Trung - Ấn kéo dài 4.000km. Sự cố kéo dài ba tuần diễn ra không sớm không muộn, chỉ kết thúc bốn ngày trước chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid, và 15 ngày trước khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm chính thức New Delhi.
Từng xảy ra những điều tương tự trong quan hệ giữa Trung Quốc với Ấn Độ. Như trước chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào năm 2006, Trung Quốc tái khẳng định yêu sách đối với bang đông bắc của Ấn Độ Arunachal Pradesh. Trước chuyến thăm của Thủ tướng Ôn Gia Bảo năm 2010, Bắc Kinh đặt nghi vấn về chủ quyền của Ấn Độ tại Kashmir khi áp dụng chính sách thị thực mới cho người dân ở vùng này. Lần này, bằng một thứ “ngoại giao cưỡng bức”, 50 binh sĩ Trung Quốc đã làm được việc mà các nhà đàm phán quân sự - ngoại giao có khi mất nhiều năm tháng cũng chưa làm được.
Ấn Độ có những lý do để đón người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc trong chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông. Ấn Độ cần vốn lớn để thúc đẩy nền kinh tế đang phát triển chậm lại, cũng như các khoản đầu tư khổng lồ cho cải thiện cơ sở hạ tầng mà chỉ Trung Quốc mới có khả năng cung cấp. New Delhi cũng cần sự hợp tác của Trung Quốc để ổn định dòng chảy của các con sông đổ từ cao nguyên Tây Tạng vào lãnh thổ Ấn Độ. Về biên giới, Ấn Độ đề nghị Trung Quốc trao đổi bản đồ xác định ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) dọc biên giới hai nước. Về địa chính trị, Ấn Độ không muốn Pakistan giành thế thượng phong trong quan hệ với ban lãnh đạo mới của Bắc Kinh.
Nhưng Trung Quốc cũng cần cải thiện quan hệ với Ấn Độ không kém. Kể từ năm 2010, khi Mỹ thực hiện chính sách “xoay trục” sang châu Á, Trung Quốc quan tâm hơn trước tới nhân tố Ấn Độ trong cuộc cạnh tranh chiến lược mới. Chính sách này phù hợp với chủ trương “an Tây, dựa Bắc, tranh Đông Nam” của Bắc Kinh và với yêu cầu của Đại hội Đảng 18 xác định quan hệ với các nước lớn là trọng điểm hàng đầu của chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Vì vậy, cùng lúc với sự hạ nhiệt của sự cố trên biên giới, Bắc Kinh cũng tung ra các biện pháp lùi xoa dịu. Ngày 4-5, Trung Quốc trao cho Ấn Độ dự thảo Hiệp định hợp tác phòng thủ biên giới (BDCA) mà hai bên đang tích cực thúc đẩy cuộc đàm phán, Bắc Kinh cũng trải thảm đỏ đón Ngoại trưởng Salman Khurshid. Các biện pháp ấy nhằm hạ nhiệt tình hình chống Trung Quốc đang lên cao tại Ấn Độ ngay trước cuộc gặp cấp cao Trung - Ấn ở New Delhi.
Thủ đoạn “ba bước tiến, hai bước lùi”
Điều này phù hợp với thủ đoạn Trung Quốc từng áp dụng ở biển Đông là “ba bước tiến, hai bước lùi”. Họ thực hiện những tiến công lấn chiếm biển đảo, khi gặp sự chống đối mạnh họ lùi hai bước, nhưng tựu trung qua mỗi đợt như vậy đều lời được một bước.
Mới đây Trung Quốc còn áp dụng nó trong “mô hình Scarborough”: lùa tàu đánh cá đến khu vực cần chiếm với tàu hải giám đi sau bảo vệ, nếu phản ứng của nước sở tại yếu ớt thì chiếm luôn đảo. Tiếp đó, họ tiến hành thương lượng chính trị ngoại giao kết hợp với sức ép quân sự và kinh tế. Tàu của đối phương rút đi nhưng tàu hải giám của Trung Quốc vẫn ở lại. Đến nay Trung Quốc đã kiểm soát trên thực tế bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Các hành động “ngoại giao cưỡng bức” hay bên miệng hố khủng hoảng như vậy dựa trên những lựa chọn thời điểm và nắm lấy mọi cơ hội có được để mở rộng lợi ích cốt lõi: từ những tranh chấp với Ấn Độ trên mái nhà thế giới Himalaya tới các tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nhật Bản, Việt Nam, Philippines tại các vùng biển Đông và Đông Nam.
Tạo ra tình trạng khủng hoảng để đạt đến các lợi ích chiến thuật cụ thể đã trở thành nhãn mác của ngoại giao Trung Quốc hiện đại.
TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG