Vụ lúa lép hạt: Không thể đổ hết cho thời tiết!

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:52, 21/05/2013

Sự việc hơn 10.000 ha lúa (giống BC15) ở các tỉnh miền Bắc đang gây lo lắng cho nông dân. Trong khi các nhà khoa học khẳng định không thể đổ hết cho thời tiết!

“Thiếu gen kháng đạo ôn”

Đánh giá sự cố đối với giống lúa thuần BC 15, PGS-TS Tạ Minh Sơn- nguyên quyền Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Việt Nam (nay là Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng: “Nếu nói rằng, lúa bị lép hạt hoàn toàn do thời tiết là không chính xác, bởi nhiều giống cũng chịu chung điều kiện thời tiết như vậy, tại sao không bị lép, mà vẫn kết hạt bình thường.

Giống lúa BC15 gây lép hạt tại Thanh Hóa.

Ở đây, chúng ta chỉ có thể nói, do thời tiết làm thay đổi nhiệt độ, đã kích thích đạo ôn tấn công vào các gié lúa, với giống BC15 bị lép hạt chắc chắn 100% là do đạo ôn gié”. Từ nhận định trên, ông Sơn cho rằng, BC15 đã thiếu gen chống đạo ôn, trong khi một bộ giống bình thường để được công nhận là giống bền vững, bắt buộc phải có 3 loại gen là kháng rầy nâu, bạc lá và đạo ôn.

Cũng theo ông Sơn, thực tế BC15 là một giống lúa thuần có tiềm năng với bông dài, cây thẳng, hạt mẩy, năng suất cao tựa như “một cô gái đẹp”, nhưng lại có thể bị nhiễm tất cả các loại bệnh. Do vậy, trước mắt chúng ta không nên mở rộng gieo trồng giống lúa này, mà cần phải thay đổi cấu tạo về mặt di truyền của giống, trong đó bắt buộc phải có các gen kháng rầy, đạo ôn, bạc lá.

Ông Sơn phân tích thêm, nếu nói rằng BC15 bị lép hạt là do mẫn cảm với thời tiết cũng không chính xác. Bởi nếu do thời tiết, thì hoa lúa không chết hết, mà có hoa chết, hoa không. Ở đây, chắc chắn là do đạo ôn châm vào gié lúa, từ đó dẫn đến việc dinh dưỡng không thể vận chuyển lên hoa lúa (bị tắc ở gié), nên mới gây chết hết hoa lúa. “Cho nên, không thể nói lúa bị lép hạt do thời tiết được” - ông Sơn khẳng định.

Cần bố trí lại lịch thời vụ

Nhìn ở góc độ sản xuất, TS Lê Hưng Quốc- Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam nhận định, theo kinh nghiệm thì thông thường vụ đông xuân của những năm có thời tiết ấm, lại rét muộn (tháng 4) như năm nay, rất dễ bị thất thu do lúa không thụ phấn được. Về giống BC15 bị lép hạt, TS Quốc nói, ở đây có cả 2 nguyên nhân là thời tiết và giống.

BC15 là giống không chịu được lạnh, nên khi trỗ gặp đúng thời điểm rét, lúa đã không kết hạt. Ngoài ra, ông Quốc cũng cho rằng, thực tế BC15 không chịu được đạo ôn, rét, đất chua phèn, nhưng khi tuyên truyền, nhà cung cấp giống lại không nói rõ cho nông dân những hạn chế trên nên nông dân đã không hiểu rõ để lựa chọn.

TS Quốc cũng nói thêm, chỉ đạo sản xuất của chúng ta hiện không chặt chẽ, chưa đủ cơ sở. Bởi nếu nói do thời tiết, chúng ta phải có số liệu theo dõi cụ thể 5 ngày một lần, phải phân tích rất cụ thể xem lúa lép là do lúc phân hóa đòng hay lép có phải ảnh hưởng do mưa hay không.

Một vấn đề nữa, theo TS Quốc, kinh nghiệm cho thấy thường cứ 5-7 năm sẽ lại xảy ra hiện tượng thời tiết như vụ đông xuân năm nay và đã có rất nhiều năm xảy ra hiện tượng lúa bị lép hạt trên diện rộng với nhiều loại giống khác nhau, chứ không riêng gì BC15. Do đó, khi chỉ đạo sản xuất, cần phải nghiên cứu để chủ động điều chỉnh, bố trí lại thời vụ, theo hướng bỏ hẳn trà xuân sớm và xuân trung, chỉ làm xuân muộn thì sẽ tương đối an toàn, vì khi lúa trỗ sẽ tránh được thời điểm rét muộn.

TS Nguyễn Trí Hoàn- Viện trưởng Viện Cây Lương thực và cây thực phẩm, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NNPTNT) cho biết: “Hôm nay (21.5), đoàn công tác của Bộ NNPTNT sẽ đi khảo sát việc sản xuất lúa bằng giống BC15 ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, sau đó sẽ về tổ chức họp để đánh giá toàn diện, cụ thể về sự việc này.

Quản lý giống phải chặt chẽ hơn

Theo thống kê sơ bộ, tính đến nay, với vụ đông xuân 2012- 2013, toàn miền Bắc có hơn 10.000 lúa BC 15 bị lép hạt. Trong đó, Thanh Hóa, Nghệ An mỗi tỉnh hơn 3.000ha, Vĩnh Phúc 500ha, Tuyên Quang 200ha... Ông Mai Bá Luyến - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Thanh Hóa cho biết, vụ đông xuân năm nay Thanh Hóa nhập giống BC 15 về để gieo cấy hơn 8.000ha. Chịu ảnh hưởng một phần bởi thời tiết khắc nghiệt nên đã gây thiệt hại đối với BC 15.

Theo ông Luyến, đây là rủi ro không mong muốn và chưa có tiền lệ, vì thế, trong chỉ đạo điều hành sản xuất cũng cần rút kinh nghiệm, có điều chỉnh hợp lý trong việc đưa các giống lúa vào cơ cấu giống lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt như hiện nay. Tuy nhiên, ông Luyến cũng chỉ ra một thực tế là hiện nay đang “bùng nổ” các doanh nghiệp cung ứng giống. Vì thế, theo ông Luyến, công tác quản lý giống cần phải chặt chẽ hơn.

Còn ông Trần Mạnh Báo - Tổng Giám đốc Công ty Giống Cây trồng Thái Bình (TSC) cho biết: Về nguyên nhân thực sự dẫn đến BC 15 bị thiệt hại, chúng tôi không bình luận gì, mà để các nhà khoa học lên tiếng. “Chúng tôi chia sẻ rủi ro này với nông dân. Trong khả năng tài chính hiện nay, TSC sẽ hỗ trợ 10 tỷ đồng trong năm 2013, có thể năm 2014 chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm 10 tỷ đồng cho nông dân các tỉnh bị thiệt hại”- ông Báo cho biết.