Nhiều lãnh đạo tập đoàn nhận lương gần 80 triệu đồng/tháng
Thị trường - Ngày đăng : 15:16, 21/05/2013
Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán năm 2012 tại một số tổng công ty Nhà nước.
Theo kết quả kiểm toán, dù kinh tế khó khăn nhưng thu nhập của lãnh đạo tổng công ty Nhà nước vẫn rất cao. Thu nhập bình quân của các chức danh quản lý thuộc khối văn phòng tại một số tập đoàn, tổng công ty cao hơn nhiều so với mức thu nhập bình quân của các đơn vị thành viên trong tập đoàn, tổng công ty.
Cụ thể, tại tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) thu nhập bình quân của lãnh đạo năm 2011 là 56,5 triệu đồng/người/tháng. Khối văn phòng tổng công ty cao nhất là 28,4 triệu đồng/người/tháng. Ở Công ty cổ phần xây dựng và chế biến lương thực Vĩnh Hà có thu nhập cao nhất trong các đơn vị thành viên được kiểm toán là 6,5 triệu/đồng/người/tháng.
Tại Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), thu nhập bình quân của lãnh đạo là với 79,749 triệu đồng/người/tháng; khối văn phòng tổng công ty là 32,9 triệu đồng/người tháng. Ở công ty Lương thực Đồng Tháp có thu nhập cao nhất trong các đơn vị thành viên được kiểm toán là 11,175 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, tại Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), viên chức quản lý công ty là 35,483 triệu đồng/người/tháng; trong khi công ty mẹ là 8,733 triệu đồng/người/tháng. Tại Cienco4, hội đồng thành viên và các phó tổng giám đốc là 39,9 triệu đồng/người/tháng, còn người lao động là 5,49 triệu đồng/người/tháng.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, một số đơn vị thuộc các tập đoàn, tổng công ty chưa xây dựng đơn giá tiền lương hoặc đã xây dựng nhưng chưa phù hợp, việc giao đơn giá tiền lương và phân phối quỹ tiền lương giữa các đơn vị trong tập đoàn, tổng công ty và giữa các bộ phận trong đơn vị còn chưa hợp lý, chưa tương xứng với hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Vẫn còn làm sai
Theo Kiểm toán Nhà nước, nhìn chung, các tập đoàn, tổng công ty đã tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước. Song còn một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc đúng quy định, ví dụ như việc thực hiện chính sách hỗ trợ người nông dân trồng lúa thông qua thu mua lúa gạo tạm trữ của các doanh nghiệp chưa hiệu quả. Việc quản lý hoạt động xuất khẩu lúa gạo, quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống kho chứa lúa gạo, nhà máy xay xát của hai tổng công ty lương thực xuất khẩu lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều bất cập hạn chế.
Để có đủ điều kiện được cấp phép xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp phải tăng cường đầu tư kho chứa và hệ thống xay xát, song việc kinh doanh lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu được thực hiện qua trung gian, sản lượng thóc mua trực tiếp người dân rất ít nên việc đầu tư hệ thống máy xay xát theo kho chuyên dụng hiệu quả còn hạn chế.
Ngoài ra, kết quả kiểm toán cũng cho thấy, việc thực hiện chính sách quản lý ngoại hối của Nhà nước còn sai sót, chưa nghiêm. Điển hình là Vinafood 2 và Công ty Vinacafe Đà Lạt bán USD cho các ngân hàng với tỷ giá cao hơn trần quy định của Ngân hàng nhà nước thông qua việc mua bán ngoại tệ thứ ba. Năm 2011, Vinafood 2 bán 259,8 triệu USD cho các ngân hàng thương mại (chủ yếu là Ngân hàng TMCP Kiên Long và Ngân hàng TMCP Eximbank – chi nhánh quận 11 TPHCM) lấy 186,4 triệu EUR, đồng thời bán số EUR này cho VCB lấy VND ngay tại thời điểm nhận để thu được khoản chênh lệch tương đương 189 tỷ đồng.
Hay như Công ty mẹ - Tổng công ty xây dựng số 1 chưa bán ngoại tệ cho ngân hàng theo quy định của pháp luật. Các đơn vị kinh doanh xăng dầu chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý xăng dầu như: Petrolimex áp dụng tỷ giá của VCB để tính giá cơ sở, không sử dụng tỷ giá bán bình quân của các ngân hàng thương mại mà thương nhân đầu mối giao dịch. Còn Saigon Petro xây dựng mức thù lao cho đại lý, tổng đại lý không có cơ sở, chênh lệch lớn giữa các giai đoạn, khác biệt giữa các khách hàng và chưa đúng với quy định chung của công ty.
Báo cáo kiểm toán còn cho biết, chính sách điều hành giá xăng dầu, việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá còn bất cập như: Giai đoạn kinh doanh lỗ vẫn phải trích Quỹ bình ổn, nhiều thời điểm quỹ không còn số dư nhưng vẫn phải sử dụng quỹ; việc thay đổi mức trích, chi Quỹ bình ổn không hoàn toàn bám sát sự biến động giá cả của thị trường nên doanh nghiệp bị động, mất nhiều thời gian để tính toán số liệu theo từng chu kỳ; việc cấp hạn mức nhập khẩu xăng dầu theo năm có thể dẫn tới tình trạng thị trường mất cân đối nguồn cung cấp xăng dầu trong ngắn hạn.
Và vẫn thua lỗ…
Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2011 của 271 DN thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước cũng như kết quả tư vấn xác định giá trị DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN cổ phần hóa của 4 DN, cho thấy năm 2011, có 23/27 TĐ, TCT kinh doanh có lãi, đóng góp quan trọng cho ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, một số đơn vị kinh doanh tuy có lãi nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt dưới 5%; 4/27 TĐ, TCT và một số công ty con thuộc các TĐ, TCT thua lỗ, trong đó có Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lỗ 1.671 tỉ đồng. Nhiều TĐ, TCT kết quả kinh doanh giảm mạnh so với năm 2010.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, tổng nợ phải thu của 27 TĐ, TCT đến 31/12/2011 là 54.133 tỉ đồng, nợ phải thu trên tổng tài sản là 20,56% và trên vốn chủ sở hữu là 82,97%.
Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, về cơ bản, các DN đã quản lý các khoản nợ phải thu theo quy định. Tuy nhiên, một số đơn vị quản lý nợ chưa chặt chẽ để khách hàng chiếm dụng vốn lớn (có đơn vị tỷ lệ nợ phải thu trên tổng tài sản lên tới 59,8% như Công ty TNHH MTV xây lắp điện 4 thuộc TCT CP xây dựng công nghiệp Việt Nam - Vinaincon), nợ xấu cao; ứng trước tiền mua hàng với số lượng lớn nhưng không áp dụng các hình thức bảo lãnh, bảo đảm cho tiền ứng trước dẫn đến nguy cơ mất vốn lớn; chưa phân loại nợ làm cơ sở trích lập dự phòng; cho các đơn vị cá nhân vay vốn trong khi đang phải đi vay vốn để sản xuất kinh doanh làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Ngoài ra, theo Kiểm toán Nhà nước, tổng các khoản đầu tư tài chính của các TĐ, TCT được kiểm toán đến 31/12/2011 là 25.750 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư của một số đơn vị thấp; nhiều công ty liên doanh, liên kết kinh doanh thua lỗ, mất vốn, đặc biệt là các khoản đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán đều thua lỗ.
Vũ Hạnh (VOV)