Độc đáo đình Đậu Trì
Danh nhân - Ngày đăng : 17:08, 23/05/2013
Đình Đậu Trì được kiến tạo vào năm Thành Thái - Kỷ Sửu (1889)
Từ TP Hải Dương theo tỉnh lộ 38 khoảng 9 km đến ngã ba Máy Kéo rẽ phải theo đường 17 khoảng 15 km gặp ngã ba cầu Me, tiếp tục rẽ phải theo đường liên huyện, đến Uỷ ban nhân dân xã Hồng Thái, huyện Ninh Giang, du khách sẽ được hưởng ngoạn một không khí thoáng mát, trong lành của một vùng quê thanh bình, êm ả - nơi đó có di tích đình Dậu Trì.
Kết quả khảo sát nghiên cứu địa lý- lịch sử vùng đất Dậu Trì cho thấy: Từ khi thành lập làng đến nay, Dậu Trì là địa phương có khá nhiều lần sáp nhập, chia tách và đổi tên. Vào thời Trần mảnh đất Dậu Trì có tên là Dậu Đàm Trang. Giữa thế kỷ XIX là một thôn của xã Dậu Trì, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Đầu thế kỷ XX, thôn Dậu Trì sáp nhập với xã Dậu Trì lấy tên là xã Dậu Trì, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Dậu Trì sáp nhập với xã Nam Viên thành xã Viên Trì. Năm 1947, xã Viên Trì lại sáp nhập với các thôn Cáp, Trói, Đồng Trang thành một xã lấy tên là Hồng Dụ, cuối năm đó xã Hồng Dụ lại sáp nhập với xã Tam Tiên thành xã Hồng Thái. Cho đến năm 1955, sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, xã Hồng Thái lại được tách ra thành 2 xã Hồng Dụ và Hồng Thái. Từ đó đến nay xã Hồng Thái gồm có 5 thôn là Dậu Trì, Tam Tương, Tiêu Tương, An Rặc và thôn Tương.
Đã từ lâu đời, người dân ở đây có nghề cổ truyền làm lờ, đó đơm tôm, tép. Lờ, đó của Hồng Thái được toả đi khắp nơi, cung cấp cho nhiều địa phương có vùng triều trũng. Sản lượng tuy ít nhưng người dân nơi đây không bỏ nghề. Ngày nay nhiều hộ gia đình của Hồng Thái có thu nhập chính từ nghề cổ truyền này.
Cũng như những làng lân cận, trước đây mỗi thôn, làng của Hồng Thái đều có các công trình kiến trúc như: đình, chùa, miếu phục vụ đời sồng tâm linh của nhân dân địa phương. Trải qua những biến cố lịch sử và thời gian hầu hết các di tích đều bị huỷ hoại hoặc đã trở thành phế tích. Toàn xã chỉ còn một ngôi đình và một ngôi chùa nằm tại thôn Dậu Trì. Vì thế đình Dậu Trì không chỉ là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương mà còn là nơi chiêm bái của nhân dân các vùng lân cận và khu vực.
Ngôi đình được kiến tạo vào năm Thành Thái - Kỷ Sửu (1889), đã qua 2 lần trùng tu vào các năm 1906 và 1916. Di tích có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) bao gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung.
Toà đại bái dài 12,55m, rộng 4,3m, gồm 6 vì kèo liên kết với nhau. Tuy nhiên các vì kèo lại có kiến trúc không giống nhau. Hai vì kèo trung tâm có kiến trúc kiểu "con chồng giá chiêng" truyền thống, hai vì gian bên cạnh có kiến trúc kẻ "chuyền giá chiêng", vì kèo này có hệ thống kẻ liền bẩy, kẻ đi qua đầu cột quân và đầu cột cái đỡ câu đầu. Trên câu đầu là hai trụ có con vành tạo thành giá chiêng hoàn chỉnh. Hai vì kèo áp tường hồi lại có kết cấu kiểu "kẻ chuyền kèo cầu trụ báng". Đây là lối kiến trúc khá độc đáo trong nghệ thuật kiến trúc đình làng Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Toà hậu cung gồm 3 gian, dài 6,6m rộng 5,25m, do 4 vì kèo tạo thành, các vì có kiến trúc kiểu "giá chiêng". Riêng vì thứ 3 thì toàn bộ phần trên câu đầu được tạo dáng bằng một bức chạm liền theo mô típ triện tàu lá dắt độc đáo.
Nhìn chung đình Dậu Trì là một công trình kiến trúc đồng bộ, chắc chắn, được làm bằng chất liệu gỗ lim còn tốt. Tại đây, tuy ít có những bức chạm nghệ thuật, song nghiên cứu kết cấu kiến trúc của đình giúp chúng ta hiểu thêm về sự sáng tạo trong kiến trúc đình làng của các nghệ nhân dân gian, góp phần bổ sung vào nghiên cứu các công trình kiến trúc cổ, độc đáo của Hải Dương nói riêng và Việt Nam nói chung.
Di tích đình Dậu Trì gắn liền với việc tôn thờ Trần Minh Công, người có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng đánh giặc vào thế kỷ thứ X.
Tương truyền, vào thời nhà Đinh, tại thôn Dậu có gia đình sinh được một người con trai, cha mẹ đặt tên là Nhật Giảo. Khi trưởng thành Nhật Giảo thường học chữ, thích đàn nhạc, tinh thông âm luật, binh thư, cung nỏ, không chỗ nào không biết. Khi 26 tuổi nước ta có loạn 12 sứ quân, ông cũng tụ binh cai quản bản quận, xưng là Trần Minh Công. Minh Công thi hành ân huệ rộng lớn, lấy lòng nhân đức để qui phục lòng người... Đinh Bộ Lĩnh đến thăm bằng lòng chuẩn y, cho nhập vào đại quân và sai Minh Công cầm quân diệt giặc. Minh Công phò nhà Đinh nhiều năm, có nhiều công lao được nhà vua khen ngợi. Ông qua đời ở tuổi 71 nhằm ngày 12 tháng 5. Sau khi mất vua Đinh vô cùng thương tiếc, đã sai đình thần về làm lễ điếu. Tương truyền về sau Minh Công có nhiều hiển ứng, âm phù với triều Trần và được Trần Nhân Tông ban sắc là Mậu Ngọ Đại Vương (vì năm đó ông hiển linh ứng giúp vua Trần vào năm Mậu Ngọ) và tặng một đạo sắc là "chí đức tôn thần" uỷ thác cho Bộ Lễ đến thăm hỏi và lập đền để xuân thu phụng thờ, tế lễ, ban tiền để xây dựng miếu... giao cho khu Dậu phụng thờ, tế lễ, tối tú, tối linh, truyền cho muôn đời gìn giữ đình, miếu hương hoả.
Dưới thời phong kiến, đình Dậu Trì có nhiều kỳ lễ hội, tiêu biểu nhất là hai kỳ: Lễ kỷ niệm ngày sinh 11 tháng 11 âm lịch và ngày mất 12 tháng 5 âm lịch của Mậu Ngọ Đại Vương. Tuy nhiên, trong một năm lễ hội lớn nhất là lễ kỷ niệm ngày sinh diễn ra từ ngày 10 đến 13 tháng 11 âm lịch. Ngày 10, lễ mở cửa đình, các bô lão và trai tráng trong làng dọn dẹp chồng kiệu, bao sái đồ thờ, dọn dẹp đường làng ngõ xóm. Ngày 11 là ngày chính hội, 4 giáp của thôn gồm Đoài Thượng, Đoài Hạ, giáp Nam, giáp Bắc từ sáng sớm đã tập trung ra đình để rước thần từ đình ra miếu và ngược lại. Lễ rước diễn ra trong một ngày và được tổ chức long trọng, trang nghiêm thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia.
Trong những ngày lễ hội, ngoài rước, tế thần và tổ chức các trò chơi dân gian như: cờ người, bịt mắt bắt dê, đi cầu thùm... còn diễn ra một cuộc thi hết sức độc đáo đó là hội thi các mâm ngũ quả và thi lợn tế vào ngày 12. Điều đặc biệt ở đây không phải là thi lợn to hay nhỏ mà quan trọng là lợn được vệ sinh sạch sẽ như thế nào. Vì vậy, muốn giật được giải, đòi hỏi mỗi giáp phải cẩn thận ngay từ khâu chăn nuôi, chăm sóc. Lễ hội đình Dậu Trì không chỉ là dịp người dân nơi đây ôn lại truyền thống, lịch sử của Thành hoàng làng, mà thông qua kỳ lễ hội họ muốn gửi gắm nguyện vọng, ước mong được ấm no, hạnh phúc, hoà bình, cầu mong cho con người, vật nuôi và cây trồng phát triển. Đó là ước nguyện "người yên vật thịnh, mưa thuận gió hoà" - Một ước nguyện điển hình của cư dân nông nghiệp.
Trước đây di tích có nhiều cổ vật quý, nhưng qua thời gian và chiến tranh nhiều cổ vật đã bị mất mát, hư hỏng, nhất là hệ thống bia ký, câu đối, đại tự, đồ tế khí. Tuy vậy đến nay đình Dậu Trì vẫn còn lưu giữ được một số cổ vật có giá trị như:
1 cuốn thần tích soạn năm Hồng Đức thứ 5 (1474) do Văn Minh đại học Nguyễn Bính phụng sao, cửu phẩm thư lại Nguyễn Đức Minh phụng viết.
Sắc phong 6 đạo, được phong vào các năm:
- 1 sắc phong vào ngày 10 tháng 11 năm Tự Đức 6 (1853).
- 1 sắc phong vào ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức 33 (1880).
- 1 sắc phong vào ngày 01 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887).
- 1 sắc phong vào ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909).
- 2 sắc phong vào ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924)
Ngoài ra còn một số đồ thờ mang đậm dấu ấn nghệ thuật Nguyễn như: Ngai thờ, bộ bát bửu, long đình, sập thờ cùng một số bát hương và đồ tế tự khác do nhân dân mới mua sắm.
Với những giá trị đã được khẳng định cả về góc độ lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, di tích đình Dậu Trì đã được UBND tỉnh Hải Dương ra Quyết định số 692/QĐ-UBND ngày 07/02/2005 xếp hạng là di tích Lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.
(Nguồn: Hải Dương di tích và danh thắng)