Vạch trần vụ bán visa qua Mỹ ở TP.HCM

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 16:51, 28/05/2013

Dù mức lương chỉ 7.500 USD/tháng nhưng Sestak, cựu trưởng bộ phận visa không di dân của TLSQ Mỹ ở TP.HCM, đã chi trên 3 triệu USD để mua BĐS tại Thái Lan.



Michael Sestak - nhân vật chính trong vụ bán visa vào Mỹ tại Tổng lãnh sự quán Mỹ
ở TP.HCM, và lệnh bắt cùng bản cáo trạng vụ án - Ảnh: H.Huyền Vy

Cáo trạng hình sự cho thấy Michael Sestak, cựu trưởng bộ phận visa không di dân của Tổng lãnh sự quán (TLSQ) Mỹ ở TP.HCM, cùng đường dây của mình nhắm vào những trường hợp “hết đường” xin sang Mỹ để bán visa với giá cao.

Theo hồ sơ cáo trạng do điều tra viên Simon Dinits, thuộc bộ phận mật vụ Bộ Ngoại giao Mỹ (DSS), thực hiện trong nhiều tháng và nộp hôm 6-5-2013 tại Tòa án Washington DC, hành vi bán visa và nhận hối lộ của Sestak bắt đầu khoảng tháng 3-2012 đến giữa tháng 9-2012 khi Sestak phải trở về nước để tái ngũ vào lực lượng hải quân.

Sestak và 5 đồng phạm

Có hẳn một đường dây làm việc bài bản, trong đó Sestak có năm đồng phạm. Theo cáo trạng, Sestak và đồng phạm số 1 quen nhau và thường xuất hiện tại nhiều sự kiện do Tổng lãnh sự quán Mỹ tổ chức. Cáo trạng cũng cho thấy gia đình đồng phạm 1 có nhiều động thái để cố gây dựng mối quan hệ này để được Sestak giúp cấp visa.

Trong một lần chat trên mạng ngày 1-6-2012, đồng phạm số 3 viết: “Đêm qua chúng tôi đi chơi với tay này làm việc tại tổng lãnh sự quán. Hắn là người cấp visa cho người khác... Hắn là gã vẫn độc thân và muốn tìm cô gái nào đó..., anh tôi biết điều này nên thường đưa hắn ra ngoài và giới thiệu hắn với mọi người... để rồi sau đó hắn có thể giúp anh tôi như... giúp duyệt visa”.

Đồng phạm số 3 còn cho biết anh trai y nhiều lần ra ngoài đi kiếm bạn gái cho Sestak. Thông tin này trùng hợp với chuyện Sestak có nhiều bạn gái người Việt trong giai đoạn làm việc ở Việt Nam (VN).

Một điều khiến nhiều người ngạc nhiên là mức giá quá cao để lấy visa sang Mỹ từ đường dây này. Con số Dinits điều tra được là 50.000-70.000 USD cho một visa. Thông tin cho biết Sestak và đường dây thường nhắm đến những người có rất ít khả năng xin được visa và những người có người thân là Việt kiều - các đối tượng sẵn sàng chi tiền để có được visa. Một khi sang được Mỹ, những người này sẽ tìm cách ở lại bằng các biện pháp khác nhau như kết hôn giả.

Trong một lần chat ngày 16-7-2012 với khách hàng, đồng phạm số 3 giới thiệu Sestak là “một luật sư” có thể giúp lấy visa sang Mỹ, kể cả cho những người “không thể lấy được visa... hoặc muốn đi mà không thể nào có cơ hội”. Khi được hỏi về giá, đồng phạm số 3 nói giá là 50.000-70.000 USD, nhưng nói tay “luật sư” có thể chấp nhận giá thấp ở mức 20.000 USD tùy từng vụ.

Những kẻ trong đường dây đã dùng tên giả để giao dịch như một dạng “mật khẩu”. Trong một lần trao đổi bị DSS ghi lại, đồng phạm số 1 còn xác định rõ với đối tác: “Cô phải nói rõ với họ về giá cả để xem họ có đủ tiền hay không... Họ có thể thanh toán ở Mỹ hoặc VN. Và sẽ chỉ làm tới giữa tháng 9 rồi là thôi”. Giữa tháng 9-2012 cũng là thời điểm mà Sestak rời Tổng lãnh sự quán ở TP.HCM để về Mỹ tái ngũ vào hải quân.

Bóc đường dây

Hành vi của Sestak bắt đầu bị chú ý. Tháng 7-2012, Tổng lãnh sự quán Mỹ nhận được thư từ một nguồn bí mật cho biết có người đang nhận hối lộ để cấp visa. Lá thư cáo buộc trong thời gian từ ngày 20-5-2012 đến đầu tháng 7-2012, khoảng 50-70 người từ một làng ở VN đã nhận được visa đi Mỹ bằng cách hối lộ này.

Nguồn tin này thậm chí nói có người từng trả 55.000 USD để lấy được visa du lịch đi Mỹ. Lá thư cung cấp cả tên, ngày tháng năm sinh và ảnh của 7 cá nhân bị cáo buộc mua visa. Từ đây, cuộc điều tra đối với những hành vi sai phạm của Sestak bắt đầu.

Trong lúc điều tra, điều tra viên của DSS đã truy cập hàng chục email khác nhau của Sestak, các đồng phạm và một loạt người thân trong gia đình của các đồng phạm. Thông tin những cuộc chat trên mạng của Sestak và đồng phạm cũng bị truy dấu.

Theo hồ sơ điều tra, bằng việc theo dõi địa chỉ IP, các điều tra viên phát hiện ba địa chỉ IP có vấn đề: địa chỉ IP A được xác định là một số VPN của Tập đoàn Black Oak Computers Inc. (trụ sở ở California), một địa chỉ IP B của FPT Telecom và một địa chỉ IP C của VNPT. Cả hai địa chỉ IP B và IP C đều ở TP.HCM.

Điều tra viên phát hiện tổng cộng 425 đơn xin visa (cho 419 cá nhân) được thực hiện từ địa chỉ IP A và địa chỉ IP B trong khoảng thời gian từ ngày 8-3 tới 6-9-2012. Sestak đã phỏng vấn 404 trong tổng số 419 người này và cấp visa cho 386 người. Sau đó bằng nhiều cách khác nhau, Sestak tác động để giúp thêm 22 người trong số này có visa.

Sau khi điều tra, điều tra viên phát hiện IP A là của đồng phạm số 3 và số IP này là của Tập đoàn Black Oak Computers Inc. Số liệu từ Black Oak cho biết tài khoản VPN dùng để tiếp cận 408 hồ sơ này là của đồng phạm số 3 với địa chỉ ở Denver, Colorado. Đồng phạm số 3 cũng có địa chỉ ở Denver trong đơn xin cấp hộ chiếu Mỹ năm 2006. Riêng số IP B thì được xác định chính là ở trụ sở văn phòng của đồng phạm số 1, tổng giám đốc văn phòng một công ty đa quốc gia tại TP.HCM. Với địa chỉ IP C, trong thời gian từ tháng 11-2011 tới tháng 9-2012, có tổng cộng 91 đơn xin visa từ số IP C và Sestak đã phỏng vấn, cấp visa cho 85 trong tổng số 91 đơn xin này. Điều tra sau đó phát hiện địa chỉ IP C này là của gia đình bố mẹ đồng phạm số 2 ở một tòa nhà cho thuê tại TP.HCM.

Các điều tra viên đồng thời phát hiện Sestak cấp visa cho ít nhất 7 người từng ghi trong hồ sơ xin visa tên đồng phạm số 1 hoặc ghi tên bố mẹ đồng phạm số 1 làm đầu mối liên lạc ở Mỹ. Điều tra cũng cho thấy Sestak đồng thời cấp visa cho đồng phạm số 2 (vợ của đồng phạm số 1) vào ngày 28-4-2011, ngày 24-10-2011 và ngày 28-8-2012.

Hơn 3 triệu USD mua bất động sản

Qua theo dõi, các điều tra viên phát hiện Sestak mở ít nhất một tài khoản ở Ngân hàng Siam Commercial Bank PLC tại Bangkok (Thái Lan) vào tháng 5-2012. Theo dõi các chuyển khoản, các điều tra viên nhận thấy từ ngày 20-6-2012 tới 11-9-2012, tổng số tiền 3.238.991 USD đã được chuyển tới tài khoản cuối này và phần lớn số tiền được chuyển qua Ngân hàng Bank of China ở Bắc Kinh. Ngoài số tiền này, họ còn xác định được ít nhất đã có một khoản 150.000 USD được chuyển vào tài khoản Ngân hàng Wells Fargo của người chị/em gái Sestak ở Yulee, Florida.

Điều tra cũng phát hiện cha của đồng phạm số 2 đã giúp chuyển tiền ra khỏi VN tới Thái Lan và Mỹ. Ngày 28-6-2012, ông ta gửi cho đồng phạm số 2 một email trong đó cho biết khoản tiền chuyển khoản 150.000 USD đã được gửi tới tài khoản của Sestak ở ngân hàng Thái Lan trước đó ba ngày. Có tổng cộng bốn email của ông này gửi cho đồng phạm số 2 nêu chi tiết tổng cộng 600.000 USD đã được gửi cho tài khoản của Sestak ở ngân hàng Thái cùng với 100.000 USD được gửi cho tài khoản Wells Fargo của đồng phạm số 2. Ngoài ra còn có ba email từ một người khác gửi tới đồng phạm số 2, trong đó nêu chi tiết số tiền chuyển khoản khoảng 1,46 triệu USD đã được gửi vào tài khoản của Sestak tại Thái Lan và 200.000 USD tiền chuyển khoản khác được gửi tới Ngân hàng Wells Fargo của đồng phạm số 2.

Điều tra cũng cho biết trước tháng 9-2012, mức lương sau thuế của Sestak cho vị trí làm việc tại tổng lãnh sự quán và vị trí thành viên dự bị của lực lượng hải quân Mỹ xấp xỉ 7.500 USD/tháng.

Tài liệu điều tra cho thấy toàn bộ số tiền được chuyển cho Sestak trong thời gian từ ngày 20-6-2012 tới 11-9-2012 đã được rút ra ngày 11-1-2013. Bằng việc theo dõi các email của Sestak, các điều tra viên biết được trong tháng 6 và 7-2012, Sestak đã mua bốn khu bất động sản ở Phuket với giá trị xấp xỉ 1,231 triệu USD. Tới tháng 12-2012, Sestak lại mua thêm năm khu bất động sản khác ở Bangkok với giá trị tổng cộng 2,103 triệu USD.

Qua thư từ theo dõi, có thể thấy rõ Sestak muốn xử lý nhanh số tiền kiếm được. Trong lá thư ngày 8-12-2012 gửi tới đại diện công ty bất động sản Thái Lan, Sestak đã nói: “Tôi không còn nhiều thời gian, và tôi cần có toàn bộ tiền...rút khỏi tài khoản và đầu tư vào bất động sản... trước ngày 1-1 để không bị dính thuế... Tôi không còn nhiều thời gian và tôi phải hành động nhanh”.

Vào ngày 24-9-2012, Sestak phải nộp bản khai SF-89 về an ninh cho Văn phòng quản lý nhân sự Mỹ ở Washington theo chương trình kiểm tra thông tin của hải quân Mỹ để tiếp tục gia hạn giấy tờ an ninh cho Sestak. Trong tờ khai này, Sestak đã cố tình không khai báo thông tin về tài sản mình thực có. Trong câu hỏi liên quan tới phần tài chính ở nước ngoài, Sestak đã trả lời: không có.

Ngày 19-10-2012, Sestak phải làm việc với hai đặc vụ DSS tại Bộ Ngoại giao Mỹ, liên quan tới việc điều tra một nhân viên tên K. ở Tổng lãnh sự quán Mỹ (nhân viên này bị đuổi cũng vì liên quan tới việc nhập nhằng visa). Trong phỏng vấn, khi được hỏi: “Anh có biết bất cứ người Mỹ nào kiếm được rất nhiều tiền khi anh ở đó, kiểu tiền bất ngờ, vượt quá khoản lương của họ?”, Sestak trả lời: “Tôi không nghĩ được ra ai làm chuyện vậy”. Sestak khẳng định hầu hết nhân viên lãnh sự quán đều nhận được lương tốt, phụ cấp “vất vả”, tiền phiên dịch, nhà cửa miễn phí và phí chênh lệch mức sống và “anh đã như là người giàu nhất ở đó (VN) rồi”.

Năm đồng phạm trong đường dây

Điều tra của DSS phát hiện mạng lưới của Sestak có năm đồng phạm gồm ba người Mỹ và hai người Việt. Cả năm người này đều đang sinh sống ở VN.

Đồng phạm 1: người Mỹ, đang là tổng giám đốc chi nhánh VN của một công ty đa quốc gia.

Đồng phạm 2: người Việt, là vợ của đồng phạm 1.

Đồng phạm 3: người Mỹ, là em của đồng phạm 1 và đang sống ở VN.

Đồng phạm 4: người Mỹ, là bồ của đồng phạm 3.

Đồng phạm 5: người Việt, là họ hàng của đồng phạm 1.

Có thể mở cuộc điều tra về các đồng phạm

Theo luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM), trong vụ hối lộ hàng triệu USD để xin visa đi Mỹ, ngoài Sestak còn liên quan đến một số người khác (có cả người VN) mà cơ quan chức năng Mỹ chưa đề cập hành vi cụ thể của họ và chưa đưa ra quan điểm là họ phạm tội nào trong Bộ luật hình sự Mỹ.

Tuy nhiên, việc họ quảng cáo là có thể lo chạy tiền để được viên chức này cấp visa đi Mỹ, cho dù việc họ nói có làm được hay không thì hành vi của họ vẫn được xem là lừa đảo với vai trò đồng phạm.

Đối với những đồng phạm người VN và Mỹ nói trên, luật áp dụng trong trường hợp này vẫn là luật VN. Theo đó, hành vi của họ đã cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 139 Bộ luật hình sự nước CHXHCN VN với vai trò đồng phạm giúp sức cho ông Michael T. Sestak.

Về phía cựu nhân viên ngoại giao Mỹ Michael T. Sestak (được miễn trừ ngoại giao) sẽ đối mặt với các cáo buộc về tội gian lận thị thực và nhận hối lộ. Dù phạm tội tại VN nhưng luật Mỹ được áp dụng trong trường hợp này và hành vi phạm tội của ông Sestak được quy định tại chương 75, điều 1546 Bộ luật hình sự Mỹ về tội “gian lận và lạm dụng visa, giấy phép và các giấy tờ khác”.

Theo đó, ông Sestak có thể bị phạt tù lên đến 10-15 năm. Ngoài ra nếu hành vi gian lận cấp visa trái phép này của ông bị phát hiện là đã tạo điều kiện cho tội phạm thì mức hình phạt có thể lên đến 20-25 năm tù.

Luật sư Hà Hải cho rằng các thông tin được báo chí đăng tải đã cho thấy có vụ việc vi phạm pháp luật tại VN, nghiêm trọng ở chỗ có liên quan, có yếu tố nước ngoài và không loại trừ khả năng một số tội phạm người VN đã có thể chạy trốn sự truy cứu của pháp luật VN bằng con đường này. Do đó, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể mở cuộc điều tra riêng về đường dây chạy xin visa của các đồng phạm nói trên mà không cần thiết chờ các tài liệu giấy tờ liên quan hay yêu cầu từ phía nhà chức trách Mỹ. Nếu việc điều tra có dấu hiệu phạm tội thì phải khởi tố vụ án và khởi tố bị can là những người liên quan trong đường dây chạy xin visa đi Mỹ này.

V.H.Q. ghi


THANH TUẤN
(Tuổi trẻ)