Tràn lan thực phẩm không rõ nguồn gốc

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:42, 31/05/2013

Thịt gia cầm chưa qua kiểm dịch bày bán tràn lan, giò chả chứa quá nhiều hàn the... đang là những vấn đề khiến người tiêu dùng lo ngại.


Thịt gia cầm chưa qua kiểm dịch bày bán ở chợ Đông Ngô Quyền (TP Hải Dương)

Thịt gia cầm chưa qua kiểm dịch

9 giờ sáng, có mặt tại chợ  Đông Ngô Quyền (TP Hải Dương), chúng tôi không mấy khó khăn để tìm ra các hàng bán thịt gia cầm đã được giết mổ sẵn. Quầy hàng của chị T. đặt ngay trên lòng đường. Mặt bàn bày bán cả thịt gà, thịt vịt nhưng chỉ vài con gà công nghiệp và vịt có dấu kiểm dịch màu tím của thú y. Khi tôi ngỏ ý muốn mua 1 con gà ta có dấu kiểm dịch, chị T. nói loại này đã bán hết, chỉ còn những con chưa được đóng dấu. Thấy tôi có vẻ băn khoăn, chị T. trấn an: “Em yên tâm, tất cả gà chị làm đều bảo đảm chất lượng. Nhưng vì để được đóng dấu kiểm dịch của thú y, mỗi con chị phải mất tới 6.000 đồng, không còn lãi nữa nên các chị chỉ đóng đại diện vài con để làm hàng thôi”. Lấy lý do gà chưa qua kiểm dịch nên không mua, tôi chuyển sang hàng khác nhưng tình hình cũng tương tự. Trước đây khi thông tin về gà thải loại của Trung Quốc chưa phổ biến, tôi thường được người bán hàng hỏi trước xem muốn mua loại nào, gà non hay gà già. Gà già thường là gà mái, đã đẻ nhiều lứa, thịt dai và giòn hơn gà non. Nay đem vấn đề gà giòn hay không giòn ra hỏi, người bán hàng chỉ ậm ừ “gà nào cũng có”. Tôi cố gắng quan sát xem những con gà được gọi là “gà ta” bán với giá từ 90 - 120 nghìn đồng/kg có phải gà Trung Quốc thải loại hay không nhưng rất khó phát hiện, bởi gà đã được vặt lông, mổ moi, chỉ có điểm đáng ngờ là bộ lòng mề rất nhỏ.

Tại phố Mạc Thị Bưởi, nơi tập trung nhiều hàng bán thực phẩm chế biến sẵn, có khá nhiều sản phẩm thịt gia cầm chưa qua kiểm dịch được bày bán, trong đó nhiều nhất là sản phẩm “gà xào” và gà, vịt quay. “Gà xào” là cách người bán hàng gọi loại thịt gà đã được thui vàng, thịt giòn, dai, được tẩm ướp với các gia vị để xào. Loại gà này thường chỉ thấy bán  đùi, một số thịt đã thái sẵn, không thấy các bộ phận khác của gà như đầu, cổ, lòng mề... và đương nhiên cũng không có dấu kiểm dịch. Khi được hỏi đây là loại gà gì, mỗi chủ hàng có một cách trả lời khác nhau: người nói là gà tây, người bảo gà già,... còn nguồn gốc gà ở đâu  là một “bí mật” đối với khách hàng. 

Tương tự như vậy, với những con gà, vịt quay vàng xuộm được bày trong tủ kính, khách hàng khó mà biết được nguồn gốc sản phẩm cũng như chất lượng có bảo đảm vệ sinh an toàn hay không. Có mặt tại cửa hàng vịt quay Q.N trên phố Mạc Thị Bưởi vào buổi sáng sớm, chúng tôi thấy la liệt các chậu chứa gà đông lạnh đang trong quá trình rã đông, trước khi đem đi tẩm ướp để chế biến. Những con gà không đầu, béo núc được người làm cho biết là gà Hàn Quốc đông lạnh. Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn liên hệ với người cung cấp để lấy hàng vì sản phẩm đông lạnh đang khan hiếm, chủ cửa hàng nói: “Dù thị trường khan hàng nhưng nguồn cung cấp của chị luôn ổn định. Họ chỉ cung cấp cho chị, không cung cấp ra chỗ khác”. Thế nghĩa là chúng tôi muốn mua hàng không có cách nào khác là thông qua chủ cơ sở này, không thể tiếp cận trực tiếp với nguồn hàng.

Qua tìm hiểu tại một số chợ nông thôn, chúng tôi thấy tình trạng thịt gia cầm giết mổ sẵn không qua kiểm dịch của thú y cũng khá phổ biến. Nhiều người bán hàng ở chợ huyện Nam Sách cho biết: cán bộ thú y chỉ thu tiền vệ sinh thú y rồi nhắc nhở các hộ kinh doanh phải chọn gia cầm “tốt” để thịt mà không hề quan sát hay làm nhiệm vụ “kiểm dịch” đúng như quy định.

Phụ gia thực phẩm như ve quét tường

Chất tạo màu, hàn the, a-xít chanh, bột thạch xanh, bột trân châu... tất cả đều dễ dàng tìm được ở một số quầy thuốc đông y trong  Trung tâm Thương mại TP Hải Dương hay chợ Phú Yên. Đáng nói là, nhiều loại phụ gia như phẩm màu, hàn the được người bán hàng ghi tên bằng tiếng Việt bên ngoài sản phẩm chứ không hề có bất cứ một loại tem mác nào ghi tên thành phần hóa học, nơi sản xuất, hướng dẫn sử dụng và hạn sử dụng. Tại một quầy bán thuốc đông y ở Trung tâm Thương mại  TP Hải Dương, người bán hàng cho chúng tôi biết: bột thạch xanh có giá 120 nghìn đồng/kg, phẩm màu cam dành cho đồ uống giải khát giá 70 nghìn đồng/100 g, bột trân châu 55 nghìn đồng/kg... Ngoài ra, cửa hàng còn bán phẩm màu dùng để phết lên thịt gia cầm, hàn the của Mỹ và nhiều loại chất phụ gia khác. Theo quan sát của chúng tôi, tất cả những loại bột trên đều đựng trong túi ni lông không nhãn mác, trông như túi ve quét tường. Một số sản phẩm như bột thạch xanh được người bán hàng giải thích là lá thạch nghiền nhỏ, mua từ Chí Linh về nên không có nhãn mác. Để khẳng định uy tín của cửa hàng, bà chủ khẳng định, nhiều người kinh doanh đồ uống, nước giải khát, sản xuất giò chả hay làm gà, vịt quay đều mua các chất phụ gia ở đây.


Học sinh mua đồ ăn không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ở cổng Trường Ngô Gia Tự (TP Hải Dương)


Để kiểm nghiệm thông tin về việc sử dụng một số chất phụ gia, chúng tôi làm phép thử bằng cách mua giò lụa của một người bán hàng ở phố Lê Trân (TP Hải Dương) thuê xét nghiệm tại Labo xét nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm (Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương). Kết quả hàm lượng hàn the đo được là 175mg/100 g. Theo TS Lê Đức Thuận, Phó Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, hàn the liều từ 5 gam trở lên gây ngộ độc cấp, dùng với liều thấp hơn có thể tích tụ trong gan, gây ngộ độc mạn tính, khó đào thải khỏi cơ thể. Nếu hàm lượng hàn the trong giò là 175mg/100g thì khi ăn hàm lượng này đã cao vượt quá ngưỡng cho phép, nếu sử dụng kéo dài dễ gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chính quyền cấp xã còn đứng ngoài cuộc


Theo bà Nguyễn Thị Thái, Trạm trưởng Trạm Thú y TP Hải Dương, dù thành phố có quy định chỉ  3 chợ là Phú Lương, Thanh Bình, Hải Tân được bán gia cầm sống và việc giết mổ gia súc, gia cầm phải được thực hiện tại lò mổ tập trung, phải có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y, song tình trạng buôn bán gia cầm sống vẫn diễn ra tại các chợ không được phép kinh doanh. Hiện nay, chỉ có 50% sản phẩm gia cầm được giết mổ  tập trung và có dấu kiểm dịch. Nguyên nhân của tình trạng trên do lực lượng của ngành thú y còn mỏng, không có chức năng xử phạt. Trong 2 ngày 5 và 7-5, trong khi kiểm tra, xử lý vi phạm, đã có kiểm dịch viên bị người kinh doanh hành hung tại chợ Con. Hiện tượng sử dụng dấu kiểm dịch giả cũng đã xảy ra.

Có thể nói, trong bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chính quyền các xã, phường còn buông lỏng quản lý, chưa tích cực vào cuộc. Đồng thời, việc chưa kiên quyết nói không với sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch của người tiêu dùng cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng giết mổ gia cầm nhỏ lẻ vẫn tồn tại. Đây thực sự là mối nguy khi dịch cúm A đang diễn biến phức tạp với nhiều chủng vi-rút khác nhau. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng chất phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc khá phổ biến đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, thậm chí nhiều thế hệ.

Hàn the có khả năng tích tụ trong cơ thể gây tổn thương và thoái hóa cơ quan sinh dục, có thể gây ngộ độc cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, gan, tim, thận, ruột. Ở bà mẹ có thai, hàn the còn đào thải qua sữa và nhau thai gây nhiễm độc cho thai nhi. Đối với màu thực phẩm, nếu sử dụng quá nồng độ cho phép hoặc sử dụng chất không trong danh mục cho phép của Bộ Y tế, dễ dẫn đến nguy cơ với sức khỏe như: gây ngộ độc cấp tính và mạn tính; nguy cơ mắc bệnh ung thư; khả năng gây đột biến gen; gây quái thai, gây dị ứng, rối loạn tiền đình...


NGUYÊN ANH