Việc nhà không chỉ của đàn bà

Đời sống - Ngày đăng : 10:10, 01/06/2013

Nhiều đàn ông cũng muốn giúp vợ việc nhà nhưng vì định kiến xã hội nên họ e ngại. Giúp vợ làm việc nhà cũng là cách thể hiện yêu thương.



Tôi  đã chán ngấy với những câu nói của anh: "Việc nhà là việc của đàn bà". Cứ mỗi lần chia sẻ với anh về những lo lắng, hay sự bận rộn nào đó trong công việc, anh lại cái điệp khúc: "Việc của em là lo cho cái nhà này, là lo cho chồng cho con đây này, không phải lo việc gì khác", "Việc cơ quan em làm ít thôi, em không làm đã có người khác làm”.

Nhiều lúc tôi cũng không hiểu mình đang làm ô-sin hay làm vợ nữa. Tôi cảm thấy những câu nói của chồng tôi thật vô tâm, làm thế nào để vừa ý anh là muốn vợ phải “ngoan” và cũng vẫn hoàn thành được công việc ở cơ quan.

Trong thâm tâm, tôi muốn được chồng yêu thương và khen ngợi hay ít nhất cũng tỏ ra hài lòng về vợ trước mặt mọi người. Nhưng dường như tôi không được điều đó. Trước mặt mọi người, kể cả bạn đồng nghiệp, anh luôn liến thoắng đưa ra một tràng những lời giáo huấn chung chung cho tất cả những người vợ: làm vợ thì phải ngoan mới sướng được, phải nghe lời chồng, chồng gọi phải dạ, chồng bảo phải vâng, phải phục vụ chồng con không được ta thán. Anh luôn nói với tôi rằng, đã làm thì không nói mà đã nói thì đừng làm, không làm thì thôi, cứ để đấy. Nhưng nhà có hai vợ chồng, tôi không làm thì ai làm. Tôi có thói quen ăn xong là rửa bát ngay, mọi việc xong xuôi, dọn dẹp sạch sẽ  mới làm việc khác được. Ở với chồng, tôi nhận ra một điều, cái thói quen ấy giờ lại thành ra không tốt, là nhược điểm trong mắt chồng tôi. Nhiều lúc tôi mệt mỏi vẫn cố làm cho xong, làm việc nhà mà trong đầu vẫn lo việc ở cơ quan nên bứt rứt, khó chịu, sinh ra cằn nhằn. Những lúc như vậy, chồng tôi thường bỏ sang hàng xóm xem đánh cờ hoặc đi tán gẫu để khỏi nhìn thấy vợ… Tôi thật sự rất buồn, vì thấy mình không được chia sẻ.

Nói như vậy không có nghĩa tôi muốn một ông chồng kiêm “người giúp việc”. Tôi chỉ mong anh ấy làm tốt vai trò một người chồng - người trụ cột của gia đình, những lúc rảnh rỗi cũng tự giác giúp vợ việc nhà.

Tôi nghĩ rằng, dù trong thời đại nào thì một người đàn ông chân chính cũng nên biết làm việc nhà. Nếu muốn trở thành một người quân tử, làm việc lớn thì trước hết họ phải là những con người rất bình thường, biết làm những công việc được cho là nhỏ nhặt nhất. Từ những công việc nhỏ nhất, họ mới hiểu ra nhiều giá trị mà nếu không làm thì chẳng bao giờ biết được. Còn người phụ nữ, ngoài gia đình, họ cũng có công việc ngoài xã hội, có đóng góp lớn không chỉ về mặt tinh thần mà cả vật chất cho gia đình. Với sự đóng góp đó, họ phải đối mặt với nhiều áp lực hơn, không thể có nhiều tay để giải quyết mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình và xã hội. Chính vì vậy, được chồng hỗ trợ sẽ là nguồn động viên lớn giúp họ có thêm năng lượng, giảm bớt những áp lực của cuộc sống thường ngày. Điều đó có gì sai?

Nhiều người đàn ông thẳng thắn bày tỏ quan niệm giúp đỡ vợ việc nhà hay làm những công việc xưa nay đã được xã hội mặc định là của phụ nữ, là "việc của đàn bà”. Tôi coi đó là những lời ngụy biện cho sự ích kỷ của họ.

Bản thân tôi cho rằng, bình đẳng giới không phải điều gì quá to tát mà đơn giản hai vợ chồng hãy chia sẻ, hỗ trợ, giúp nhau phát huy những thế mạnh chứ không phải là tâm lý cào bằng, chồng làm được thì vợ cũng phải làm được và ngược lại. Tôi biết nhiều người đàn ông cũng rất muốn giúp đỡ vợ công việc nhà nhưng vì nhiều lý do, nhất là định kiến xã hội khiến các anh e ngại. Tôi rất mong các anh hãy vượt qua và nhìn nhận vấn đề theo một góc độ khác. Giúp vợ làm việc nhà cũng là cách thể hiện yêu thương. Anh yêu vợ, tại sao không thể hiện? Việc đâu quá khó.

PHẠM THỊ MẾN