Nhẹ quá hóa... nhờn

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 12:39, 01/06/2013

Thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang gây nhiều lo ngại cho người tiêu dùng.



Kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm chủ yếu bằng cảm quan

Đánh giá bằng cảm quan

Đi cùng đoàn kiểm tra liên ngành về chất lượng VSATTP huyện Thanh Miện tiến hành kiểm tra bếp ăn tập thể tại Trường Mầm non Hùng Sơn và Trường Mầm non Ngũ Hùng vào một ngày gần đây, chúng tôi thấy, việc đánh giá chất lượng các loại thực phẩm hoàn toàn dựa vào cảm quan của các thành viên trong đoàn. Bên cạnh những quy định cụ thể và rõ ràng về việc bố trí bếp ăn một chiều, điều quan trọng nhất là chất lượng thực phẩm có an toàn hay không thì đoàn chỉ nhìn bằng mắt thường và đưa ra đánh giá sơ bộ. Tại bếp ăn của Trường Mầm non Ngũ Hùng, khi thấy đầu bếp đang đảo món trứng cá trắm trên bếp, đoàn kiểm tra chỉ hỏi qua loa về thành phần món ăn, nguồn cung cấp, còn thực tế chất lượng trứng vịt, trứng cá sử dụng trong chế biến có bảo đảm hay không thì khó có thể nhận biết bằng cảm quan. Đoàn kiểm tra cũng không mang theo bất kỳ thiết bị gì để kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm. Theo đánh giá của các thành viên trong đoàn thì nguồn gốc các thực phẩm như thịt, cá, đậu tại các nhà trường đều mua tại địa phương hoặc các xã lân cận, có hợp đồng mua bán rõ ràng nên không đáng lo ngại về chất lượng VSATTP (?!)

Huyện Thanh Miện hiện có 1.067 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, trong đó có 103 cơ sở tuyến huyện và 964 cơ sở tuyến xã, thị trấn. Theo Trung tâm Y tế huyện, từ giữa tháng 4 đến nay, qua kiểm tra 15 cơ sở tuyến huyện và 563 cơ sở tuyến xã thì có 3 cơ sở tuyến huyện và 101 cơ sở tuyến xã vi phạm chất lượng VSATTP. Số mẫu test nhanh có 26 mẫu về tinh bột, hàm lượng ni-tơ-rít, mê-ta-nôn... Kết quả có 5 mẫu không đạt chỉ tiêu nhưng tất cả các cơ sở đều không bị xử phạt vi phạm.

Hiện nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và các Trung tâm Y tế cấp huyện được cấp 1 bộ test nhanh với 11 chỉ số. Tuy nhiên, theo ông Phạm Duy Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, những test nhanh này chỉ mang tính chất định tính, định lượng, không có giá trị xử phạt trong vi phạm hành chính. Hơn nữa, từ tuyến tỉnh đến cơ sở hiện vẫn chưa thực hiện được việc xét nghiệm các mẫu thực phẩm theo chỉ tiêu cụ thể như hóa chất bảo vệ thực vật, hoóc - môn tăng trưởng, một số kim loại nặng... Các mẫu cần kiểm nghiệm thường phải gửi lên Trung ương từ 2 tuần đến 2 tháng mới có kết quả. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn hay các đoàn kiểm tra liên ngành về chất lượng VSATTP chủ yếu kiểm tra bằng cảm quan.

Nhắc nhở là chính

Kiểm tra, phát hiện các vi phạm về VSATTP nhưng chỉ nhắc nhở cơ sở là thực trạng chung ở tất cả các đoàn kiểm tra liên ngành về chất lượng VSATTP hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu là do các đoàn thiếu thẩm quyền xử phạt.

Trong Tháng hành động vì chất lượng VSATTP vừa qua, các đoàn kiểm tra liên ngành của TP Hải Dương đã phát hiện 469 trong tổng số hơn 1.300 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống được kiểm tra vi phạm các quy định về bảo đảm chất lượng VSATTP. Vi phạm phổ biến nhất là điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, điều kiện con người không đúng quy định. Tuy nhiên, tất cả các cơ sở vi phạm đều không bị xử lý hành chính mà các đoàn chỉ nhắc nhở các cơ sở cần khắc phục các sai phạm.

Theo ông Nguyễn Văn Doanh, Trưởng phòng Y tế TP Hải Dương, các đoàn kiểm tra không có chức năng xử phạt mà chỉ có thể hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ đề nghị UBND thành phố, UBND xã, phường xử phạt. Tuy nhiên, các thủ tục rất rườm rà, tốn nhiều thời gian, nên các đoàn kiểm tra chỉ tuyên truyền, nhắc nhở cơ sở là chính. Các dịch vụ thức ăn đường phố chủ yếu hoạt động ngoài giờ nên các đoàn kiểm tra khó kiểm soát được hết. Việc xử phạt càng không thể thực hiện được dù biết chắc người kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm nhiều quy định.

Cũng theo ông Phạm Duy Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, các quy định xử phạt vi phạm hành chính của Chính phủ về VSATTP rộng, chưa cụ thể hóa nên khó khăn trong quá trình phân định ranh giới, phạm vi vi phạm để xử lý. Hiện nay, việc xử lý cơ sở vi phạm vẫn theo phân cấp do Chủ tịch UBND các cấp xử phạt. Vì vậy, đối với hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành hiện nay chỉ mang tính chất giám sát, tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở là chính.

Để công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng VSATTP thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, các ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa đến việc thực thi nghiêm các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, tạo được sự răn đe đối với các cơ sở vi phạm. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng như y tế, công nghiệp, nông nghiệp trong việc kiểm soát thực phẩm bảo đảm chất lượng VSATTP.

Theo Nghị định số 91/2012/NĐ- CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm, thanh tra viên y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương quy định: Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc các ngành: y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương có quyền: phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 30 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng: giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy; giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm...


MINH HẠNH