Tránh tình trạng thu hồi đất tràn lan

Tin tức - Ngày đăng : 15:50, 03/06/2013

Rất nhiều ý kiến sôi nổi tại buổi thảo luận, góp ý của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vào sáng nay 3-6.

Trong đó rất nhiều ý kiến xoay quanh việc sửa đổi tên nước, vai trò lãnh đạo của Đảng và vấn đề sở hữu đất đai, thu hồi đất.

ĐB Trần Văn Tư (Đồng Nai) đề xuất nên giữ lại tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Theo ĐB Tư, hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về việc đổi tên nước. Ở Đồng Nai cũng có tới 700.000 ý kiến góp ý cho sửa đổi tên nước nhưng duy nhất chỉ có một ý kiến đề xuất lấy tên gọi là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


Đại biểu thảo luận tại hội trường - Ảnh: Ngọc Thắng

“Chúng tôi có mời người có ý kiến này để hỏi rõ tại sao lại đề xuất tên nước này thì người này trả lời muốn quay trở lại với tên gọi của quá khứ”, ông Tư nói.

Theo ĐB Tư, tên gọi Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thời khắc lịch sử đấu tranh của cả dân tộc và được kiểm nghiệm hơn 30 năm qua chứ không phải ngẫu nhiên mà có.

ĐB Tư nói: “Không có cơ sở thì không nên đổi tên nước vì việc đổi tên sẽ gây ra xáo trộn không cần thiết”.

ĐB Phạm Đức Chân (Quảng Trị) cũng đồng tình không có lý do gì để thay đổi tên nước, mà nên giữ tên gọi nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

ĐB Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) cũng khẳng định không nên đổi tên nước để đảm bảo tính ổn định của mục tiêu phát triển, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) tán thành vai trò sự lãnh đạo của Đảng như quy định ở điều 4 dự thảo Hiến pháp.

“Đảng CSVN là đảng cầm quyền. Việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN là tất yếu và phù hợp với quy luật lịch sử từ trước tới nay”, ĐB Học nói.

Về một nội dung khá quan trọng là vấn đề sở hữu đất đai và thu hồi đất ở điều 57, 58 dự thảo Hiến pháp (sửa đổi), ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho hay trong tình hình hiện nay việc quy định đất đai, các tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu toàn dân là quy định phù hợp.

“Vấn đề sở hữu đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn liên quan đến chính trị xã hội. Việc quy định đa sở hữu đất đai trong tình hình hiện nay chắc chắn sẽ tác động, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, xã hội”, ông Hà nói.

Về vấn đề thu hồi đất, ĐB Hà đề nghị chỉ thu hồi đất đối với ba trường hợp: quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng. Không quy định thu hồi đất vì lý do là các dự án phát triển kinh tế, xã hội.

“Quy định này nhằm ngăn chặn việc thu hồi đất tràn lan, không hiệu quả và gây nhiều bức xúc cho nhân dân như thời gian vừa qua”, ông Hà cho hay.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Đình Quân (Thanh Niên)