Đẩy mạnh cải tiến quản lý xí nghiệp
Tin tức - Ngày đăng : 06:11, 04/06/2013
Người nhấn mạnh: “Phải học tập kinh nghiệm của những xí nghiệp đã làm tốt. Như vậy thì cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp tiến bước vừa tốt, vừa gọn”.
Theo Bác, về cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 14 có viết: "... Dựa vào giai cấp công nhân, tăng cường giáo dục xã hội chủ nghĩa, nâng cao ý thức công nhân là người chủ, nâng cao tinh thần trách nhiệm... Tăng cường mối quan hệ nhất trí giữa lãnh đạo và quần chúng để đẩy mạnh cải tiến quản lý xí nghiệp...". Xí nghiệp nào làm đúng theo nghị quyết ấy thì kết quả tốt. Xí nghiệp nào làm không đúng theo nghị quyết ấy thì kết quả kém. Bác nêu rõ, kém vì cấp lãnh đạo địa phương không đi sâu, đi sát, thiếu kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, uốn nắn kịp thời. Kém vì cán bộ lãnh đạo xí nghiệp không dựa hẳn vào quần chúng công nhân, không mạnh dạn phát động tư tưởng của họ, không khuyến khích họ tranh luận cái gì phải ra phải, trái ra trái. Đối với các chỉ thị của Trung ương, cán bộ chỉ đưa ra giảng như thầy giáo giảng bài, công nhân chỉ ngồi nghe, ít đi sâu thảo luận.
Người cũng nhấn mạnh, kém vì cán bộ không kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm mà quần chúng đã phê bình, kém tích cực thực hiện những đề nghị đúng và những sáng kiến tốt của quần chúng. Kém vì các đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động chưa làm tròn nhiệm vụ của người làm đầu tàu, làm gương. Kém vì công nhân chưa nhận rõ mình là người chủ nước nhà, người chủ xí nghiệp, trách nhiệm của mình là phải hăng hái tham gia đẩy mạnh cuộc cải tiến quản lý xí nghiệp.
Trong quản lý kinh tế, Bác Hồ nhấn mạnh việc cải tiến lề lối làm việc, đổi mới quản lý kinh tế, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền vốn, xã hội hoá các sáng kiến. Đối với công nhân “muốn thực hiện đúng vai trò làm chủ, giai cấp công nhân phải quản lý tốt kinh tế, quản lý tốt xí nghiệp, làm cho năng suất lao động không ngừng nâng cao, của cải xã hội ngày càng nhiều với phẩm chất tốt, giá thành hạ”. Người còn nói: “Những người sản xuất phải tập hợp lại thì mới có thể sản xuất được nhiều, tốt, không là phí tài năng và thời gian…”, nghĩa là Bác khuyên phải lập phường, lập hội, phải liên kết kinh doanh.
Hiện nay, đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp nước ta đang có bước phát triển mạnh mẽ. Cả nước ta đã có hàng triệu doanh nhân - những người đứng mũi chịu sào, tổ chức quản lý, điều hành hơn 300 nghìn doanh nghiệp, 15 nghìn trang trại, HTX và gần 4 triệu hộ kinh doanh. Họ đang là lực lượng chủ công, xung kích trên trận tuyến chống đói nghèo, làm giàu cho đất nước.
HƯƠNG SƠN (biên soạn)