Quốc hội phải có cơ quan đủ mạnh phòng, chống tham nhũng

Tin tức - Ngày đăng : 16:06, 06/06/2013

Bố cục Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã được sắp xếp khoa học, chặt chẽ và lô-gích hơn, theo tôi như vậy là phù hợp.


Ảnh: Đình Nam

Qua theo dõi, chúng tôi thấy việc triển khai thực hiện Nghị quyết 38/2012/QH13 của Quốc hội về tổ chức lấy ý kiến nhân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được tiến hành khẩn trương, tích cực từ Trung ương tới các địa phương, thực sự là đợt sinh hoạt pháp lý dân chủ, sâu rộng trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đạt yêu cầu đề ra. Song về phương pháp tiến hành, tôi thấy còn có điểm chưa phù hợp, như: việc hướng dẫn tổng hợp, coi mỗi cơ quan chỉ một ý kiến ở giai đoạn đầu là chưa hợp lý. Hay việc chỉ đạo lấy ý kiến của các gia đình chưa chủ động làm sớm. Mỗi tỉnh phải đầu tư hàng trăm tấn giấy, in hàng trăm nghìn bộ tài liệu gửi đến từng gia đình nhưng không hướng dẫn, giải thích chu đáo, phần nào mang tính hình thức, tốn kém.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của nhân dân, bản giải trình tiếp thu chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã nêu khá toàn diện những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, kể cả những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, một số vấn đề trong giải trình còn có phần khiên cưỡng, tính thuyết phục chưa cao. Một số nội dung có nhiều ý kiến khác nhau như tên nước, chế độ sở hữu đất đai, thu hồi quyền sử dụng đất, chức năng của Viện Kiểm sát nhân dân... chưa có nhiều phương án để các đại biểu phân tích, lựa chọn.

Bố cục Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã được sắp xếp khoa học, chặt chẽ và lô-gích hơn, theo tôi như vậy là phù hợp. Riêng Chương X cùng với các thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước, tôi đề nghị bổ sung thêm Uỷ ban Phòng, chống tham nhũng quốc gia do Quốc hội bầu. Thiết chế này cần được hiến định bởi chống giặc nội xâm cũng là vấn đề cấp bách hiện nay liên quan đến sự tồn vong của chế độ. Đảng lãnh đạo đã có Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng nhưng ban chỉ đạo của Đảng không thể làm thay Nhà nước, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, phải có một cơ quan đủ mạnh ngăn chặn, răn đe, xử lý những vụ việc tham nhũng lớn. Về lâu dài vẫn cần có ủy ban này vì như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra tham nhũng có từ khi phân chia quyền lực và hình thành nhà nước, luôn gắn bó chặt chẽ với quá trình tồn tại và phát triển của bộ máy nhà nước, nó diễn ra ở khắp các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển và ở tất cả các lĩnh vực. Vì lẽ đó Ủy ban Phòng, chống tham nhũng quốc gia cần được hiến định rõ ràng, bảo đảm cho ủy ban này thực sự thực quyền, hoạt động có hiệu quả để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng.

Điều 57 quy định: đất đai, tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân, điều này đã được khẳng định trong các Hiến pháp gần đây của nước ta và đã đi vào cuộc sống mấy chục năm, song công tác quản lý nhà nước ở đây còn nhiều bất cập. Nhiều cử tri băn khoăn nhà ở phải luôn gắn liền với đất mà đất thuộc sở hữu toàn dân, vậy sở hữu tư nhân về nhà ở có mang ý nghĩa đích thực, đầy đủ hay không? Đất ở cũng thuộc sở hữu toàn dân thì việc điều tiết địa tô chênh lệch I vào ngân sách nhà nước cần quy định rõ, vì sự chênh lệch địa tô này gấp cả nghìn lần ở những vùng khác nhau mà lâu nay thu vào ngân sách nhà nước chỉ là một tỷ lệ nhỏ. Điều 58, tôi đề nghị thêm từ "quyền sử dụng" vào trước từ "đất" để thể hiện rõ đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước chỉ giao quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất, thu hồi quyền sử dụng đất, tránh tình trạng hiểu nhầm thành thói quen là giao đất, cho thuê đất và mua bán đất. Ở khoản 3 điều này, tôi cũng đề nghị Nhà nước chỉ thu hồi quyền sử dụng đất trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng - an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng. Còn đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội thì Nhà nước trưng mua.