Chờ đợi gì gặp gỡ Barack Obama - Tập Cận Bình?

Bình luận - Ngày đăng : 07:54, 09/06/2013

Chắc chắn cuộc đối thoại giữa 2 nhà lãnh đạo của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không hề đơn giản.


Vấn đề châu Á - Thái Bình Dương sẽ là trọng tâm của cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung Quốc

Có quá nhiều thứ họ cần phải nói với nhau trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm kiếm một “vị thế lớn hơn” trong thế giới hiện đại còn Mỹ sẽ nhất định không muốn ai qua mặt mình.

"Nóng" vấn đề an ninh mạng


Sáng 8-6 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp gỡ và đối thoại tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands, phía đông nam bang California ( Mỹ). Cuộc đối thoại giữa 2 nhà lãnh đạo dự kiến diễn ra trong 2 ngày 7 và 8-6 (giờ Mỹ). Đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp nhau kể từ khi ông Tập Cận Bình lên làm Chủ tịch Trung Quốc hồi tháng 3 vừa qua.

Tuy nhiên, ngay trước thềm cuộc gặp của hai  nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, một nhóm các nhà lập pháp Mỹ đã lên kế hoạch đề xuất bộ luật mới được cho sẽ trừng phạt nặng các tin tặc từ Trung Quốc và một số quốc gia khác vì "hoạt động gián điệp và đánh cắp dữ liệu mạng". Dẫn đầu bởi Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Rogers, dự thảo mới nhắm tới "sự trừng phạt và hậu quả thực tế" đối với các tin tặc cụ thể đến từ một số quốc gia sẽ được trình lên Quốc hội Mỹ vào ngày 6-6. Tháng trước, một nhóm các nghị sĩ cấp cao tại Thượng viện Mỹ cũng đã trình một dự luật để đối phó với nạn gián điệp mạng và đánh cắp dữ liệu thương mại của các công ty Mỹ. Theo giới phân tích, Tổng thống Obama khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ nói rõ quan điểm rằng Washington hy vọng Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công mạng xuất phát từ Trung Quốc và Bắc Kinh phải hành động theo "lộ trình quy định của quốc tế về an ninh mạng".

Thời gian gần đây, Washington liên tục đưa ra những báo cáo tố các tin tặc và cả quân đội từ Trung Quốc tiến hành các vụ tấn công mạng nhằm vào các tập đoàn thương mại cũng như cơ quan Chính phủ Mỹ.

Trung Quốc muốn "bằng vai" với Mỹ


Trong 2 ngày đối thoại với ông Tập Cận Bình, ông Obama sẽ đề cập đến vấn đề Triều Tiên, vấn đề thương mại thế giới và cuộc tranh giành lãnh thổ mà Trung Quốc đang thực hiện ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Cuộc đàm phán là cơ hội để ông Obama ghi điểm trong bối cảnh danh tiếng của ông đang bị tổn hại và có thể tránh xa được những tranh cãi nội bộ khiến cho nhiệm kỳ thứ 2 của ông khởi đầu đầy khó khăn.

 Về phần mình, ông Tập Cận Bình cũng muốn qua chuyến đi này chứng minh với dân Trung Quốc rằng ông ta có thể “đứng ngang hàng” với nhà lãnh đạo Mỹ và có thể thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc trên trường quốc tế khi Bắc Kinh đang ra sức tìm kiếm cái gọi là “mối quan hệ của một cường quốc mới lớn” với Mỹ.

Trong chuyến thăm đầu tiên kể từ khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ không bỏ qua cơ hội để bày tỏ mối lo ngại của Bắc Kinh về việc tái định hướng chính sách ngoại giao và chuyển hướng các nguồn lực quân sự của Mỹ sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chiến lược này được nhiều chuyên gia nhận định là để tái khẳng định với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc về cam kết của Mỹ trong việc chống lại sức mạnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ vẫn luôn cho rằng, chiến lược này không nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc mà chỉ nhằm tái cân bằng về “đối ngoại, kinh tế và văn hóa” của Mỹ trong khu vực.

Với “sự ngờ vực chiến lược” giữa hai bên còn đó, không phải các học giả đều tin vào một hội nghị thượng đỉnh thành công. Các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung thường được kỳ vọng nhiều và thường kết thúc bởi thất vọng vì những bất đồng cơ bản vẫn y nguyên. Michael Auslin viết trên tờ Foreign Policy rằng “Ông Tập chưa sẵn sàng”. Theo ông Auslin, Trung Quốc sẽ không sẵn sàng thay đổi khi “chính sách đối với Trung Quốc của Washington gồm toàn cà rốt mà không thấy cây gậy đâu”.

PHƯƠNG LINH
(biên soạn)