Cần một dự án tổng thể khắc phục tình trạng ngập úng tại TP Hải Dương
Môi trường - Ngày đăng : 05:51, 10/06/2013
Tuy đã có nhiều phương án xử lý được đưa ra nhưng đến nay, tình trạng ngập úng tại một số khu vực của TP Hải Dương vẫn chưa đem lại sự chuyển biến rõ rệt nào.
Ngã ba Chợ Mát (TP Hải Dương) động mưa là ngập.Ảnh: Thành Chung
Lòng chảo
Theo Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Hải Dương Phạm Công Quân, cốt đất của phường Thanh Bình thấp so với khu đô thị (KĐT) mới phía tây thành phố, do đó các KDC của phường thường xuyên bị úng cục bộ khi có mưa lớn. Việc tiêu thoát nước của phường hiện nay chủ yếu qua các trạm bơm Thanh Cương và Kim Chi, bơm nước vào hệ thống cống của KĐT mới phía tây và tiêu tự chảy theo cống các đường Trường Chinh, Trương Mỹ (kéo dài), Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Thị Duệ về trạm bơm Bình Lâu.
Phường Tân Bình có một phần diện tích đất nằm trong KDC phía bắc đường 52 m, tiếp giáp KĐT mới phía tây. Trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành KĐT sầm uất và hiện đại của TP Hải Dương. Nhưng trong quá trình đô thị hóa, các KDC 12, 15 và 16 cứ mưa là ngập úng, ngay cả khi trời mưa vừa. Những trận mưa đầu vụ vừa qua chưa lớn nhưng một số ngõ, vườn, sân của nhiều hộ dân trong các KDC này vẫn ngập trong nước. Với những người dân sống tại ngõ 12 phố Nhữ Đình Hiền, ngõ 14 phố Bình Lộc, ngõ 73 phố Tân Kim thì việc nước ngập đường, ngập sân, vườn kéo dài đã trở thành "chuyện thường ngày". Tình trạng ngập úng tại khu vực này đã diễn ra trong nhiều năm. Nguyên nhân là do một số hệ thống tiêu thoát nước bị cát sạt lở, ách tắc. Đoạn cuối kênh T2 tiếp giáp với đường 52 m luôn là nơi tập kết rác thải gây ách tắc dòng chảy. Hệ thống tiêu thoát nước KDC phía đông Ngô Quyền 2 chưa được xây dựng hoàn thiện. Khu vực họng thoát nước Hồ Sen trước đây là vùng đất trũng với mật độ ao, kênh, hồ dày đặc. KĐT mới mặt bằng cao hơn rất nhiều so với cốt đất KDC cũ.
Một số hộ dân ở ngõ293, khu 16, phường Tân Bình (TP Hải Dương) thường bị ngập úng kéo dài. |
Nhiều "lời giải"
Từ hiện trạng ngập úng của khu vực, Phòng Quản lý đô thị TP Hải Dương đã đưa ra phương án chủ động phòng, chống ngập úng khu vực. Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Nam Cường đẩy mạnh tiến độ hoàn thiện công trình đường Nguyễn Văn Linh, khơi thông dẫn nước về 2 trạm bơm dã chiến bảo đảm bơm tiêu thoát nước cho các KDC thuộc phường Tân Bình ra trạm bơm Bình Lâu; từ kênh xả trạm bơm Thanh Cương ra đường 52 m, khơi thông hệ thống cống đường 52 m tiêu thoát nước về kênh T1 (phường Thanh Bình)... Vận động nhân dân đầu tư và tổ chức nạo vét toàn bộ hệ thống mương rãnh giữa các KDC cũ thuộc các phường Tân Bình, Thanh Bình, Tứ Minh và KĐT mới. Ngoài ra, Công ty Nam Cường phải nạo vét kênh dẫn các trạm bơm và nạo vét toàn bộ hệ thống mương rãnh giáp KĐT mới, kiểm tra sửa chữa, nạo vét toàn bộ hệ thống thoát nước trong KĐT để khơi thông dòng chảy dẫn về các trục thoát nước chính. Công ty CP Đại An khơi thông dòng chảy kênh mương giáp ranh các KDC mới và cũ để tiêu úng cho khu Cẩm Khê; lắp đặt 2 máy bơm dã chiến chống ngập úng ở các khu Tứ Thông, Nhật Tân (phường Tứ Minh). Công ty CP Thành Đô đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện hệ thống hạ tầng tiêu thoát nước, khơi thông, thực hiện đấu nối thoát nước về kênh T2, bảo đảm tiêu thoát nước cho cả các KDC cũ giáp ranh thuộc khu 12, 16 phường Bình Hàn; KDC giáp Công ty CP Đá mài Hải Dương. Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương nạo vét, khơi thông hệ thống cống, mương, tập trung tại các điểm ách tắc dòng chảy như kênh dẫn vào cống tự chảy sau nhà văn hóa khu 12 Tân Bình; cống trên các đường Nguyễn Lương Bằng, Ngô Quyền, Quán Thánh, Cô Đông, Hoàng Diệu, các cống ngang đường trên quốc lộ 5, nút giao Nguyễn Thị Duệ - Nguyễn Lương Bằng… Kiểm tra, duy tu, sửa chữa các trạm bơm bảo đảm sẵn sàng bơm nước chống ngập úng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản thành phố sớm hoàn thiện hồ sơ các công trình đường Vũ Hựu, đường Nguyễn Thị Duệ, đường Trương Mỹ (kéo dài) để bàn giao cho các đơn vị quản lý...
Chưa có "đáp số"
Theo ông Lương Minh Khải, cán bộ xây dựng- giao thông và thủy lợi phường Thanh Bình, nhiều phương án thoát úng ngập của thành phố, của phường đã được cụ thể hóa nhưng các đơn vị liên quan chưa thực hiện. Điển hình như KDC số 1 (Kim Chi) tiêu úng bằng trạm bơm dã chiến, công suất 1.000 m3/giờ, bơm nước vào hệ thống hộp kỹ thuật của KĐT mới phía tây nhưng chưa hiệu quả. Nguyên nhân là do đầu năm 2013, vị trí đặt trạm bơm dã chiến đã được giải phóng mặt bằng và san lấp ao Ông Vang. Việc làm này đã chia tách lưu vực tiêu nước thành 2 khu phía nam và phía bắc đường Nguyễn Văn Linh do thiếu cống ngầm dẫn nước mưa qua đường. Mặt khác do san lấp ao, khi nước dồn về không còn chỗ chứa, vận hành bơm chưa liên tục, nên vẫn xảy ra úng ngập. Các khu dân cư số 2, 3, 4 (Thanh Cương) tiêu úng qua hệ thống kênh dẫn về trạm bơm Thanh Cương nhưng chưa hiệu quả do ách tắc dòng chảy, hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện, nạo vét hệ thống tiêu nước KDC số 5 , phường Thanh Bình đều do Công ty CP Tập đoàn Nam Cường chưa tập trung hoàn thiện.
Bên cạnh đó, việc quản lý hệ thống kênh và cống tiêu nước tại các khu chưa sâu sát, còn để lấn chiếm, đổ rác, rau bèo... dẫn đến dòng chảy bị thu nhỏ và ách tắc. Một số công trình đã hoàn thiện nhưng chưa được bàn giao, quản lý, cộng ý thức của người dân chưa cao nên bị ách tắc dòng chảy như các tuyến đường Vũ Hựu (đoạn từ đường Nguyễn Lương Bằng đến Đền Sượt), Nguyễn Thị Duệ; hệ thống thoát nước của các tuyến đường Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Trương Mỹ (kéo dài)... không được nạo vét, nâng cấp nên việc úng ngập vẫn tồn tại, tốc độ thoát nước rất thấp so với yêu cầu.
Để chống úng hiệu quả ở khu vực phía tây TP Hải Dương cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các đơn vị liên quan. Về lâu dài, cần có một dự án tổng thể để xử lý triệt để hiện trạng úng ngập cục bộ khi có mưa lớn.
THÀNH LONG