Nữ bưu tá tận tụy
Việc tử tế - Ngày đăng : 07:59, 11/06/2013
Hơn 6 năm gắn bó với nghề, bưu tá Lê Thị Xuân ở xã Phương Hưng (Gia Lộc) chưa một lần làm thất lạc bưu phẩm hoặc chuyển sai địa chỉ.
Chị Lê Thị Xuân sắp xếp các công văn trước khi đi phát
Đối với chị, công việc không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vui, tình yêu và tâm huyết.
Vất vả nhưng vẫn yêu nghề
Chị Xuân đến với nghề bưu tá như một duyên định. Chị quê ở thị trấn Gia Lộc, lấy chồng ở xã Phương Hưng. Khi ấy, bố chồng của chị đang theo nghề bưu tá. Sau khi ông về hưu (năm 2007), dù biết đặc thù công việc rất vất vả nhưng chị vẫn nối nghiệp ông. Để chuyển bưu phẩm đến tận tay người được nhận, chị mất rất nhiều thời gian hỏi đường, tìm đường. Hơn nữa, chị cũng phải hỏi thông tin chính xác của người nhận để bảo đảm không chuyển nhầm địa chỉ. Chính sự tỉ mỉ, cẩn thận đó đã giúp chị hoàn thành tốt công việc ngay từ khi mới làm. Chị chia sẻ: “Nhìn bề ngoài sẽ thấy nghề bưu tá đơn giản và dễ làm. Nhưng bước vào nghề mới thấu hiểu được những vất vả phải trải qua. Nghề này không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà cần có niềm say mê và tình yêu với công việc, nếu không sẽ không thể gắn bó lâu dài và hoàn thành nhiệm vụ được”.
Phương Hưng có 3 thôn và 1 cụm dân cư. Trước đây, nhiều con đường ở đây vẫn là đường đất. Mỗi khi mưa lớn, đường lầy lội, trơn và khó đi, chị thường xuyên bị ngã hoặc hỏng xe. Bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, dù trời mưa phùn gió rét hay nắng như đổ lửa thì chị Xuân vẫn miệt mài với việc chuyển công văn, phát thư, báo... Đặc biệt, vào các dịp thi đại học, cao đẳng hoặc mùa bão lũ, công việc của chị bận rộn hơn lúc nào hết. Đồng lương ít ỏi, sức ép công việc nhiều lúc khiến chị mệt mỏi và có ý định bỏ nghề. Nhưng rồi chị nhanh chóng tự động viên mình: “Người bưu tá nào cũng vì vất vả mà muốn bỏ nghề thì không còn ai tâm huyết, có trách nhiệm để đưa thông tin đến với mọi người”. Nhiều người mới bước vào nghề được một thời gian ngắn đã phải xin nghỉ vì không thích ứng được với công việc. Ở tuổi 36, chị Xuân có thể xin vào làm ở một doanh nghiệp may mặc với mức lương cao. Nhưng với chị, công việc phát thư, báo đã trở thành niềm vui hằng ngày.
Trách nhiệm với công việc
Lúc sinh thời, Bác từng dạy: Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất. Giao thông liên lạc như thần kinh và mạch máu của con người. Chị Xuân luôn ghi nhớ và lấy đó làm mục tiêu phấn đấu trong công việc. Nhanh nhạy và chính xác là tiêu chí hàng đầu để chị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đều đặn mỗi sáng, chị đến điểm bưu điện văn hóa xã vào khoảng 8 giờ. Sau khi nhận thư, bưu phẩm, công văn, báo, chị lại rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ đi phát tại các trường học, UBND xã và len lỏi tới từng ngõ, xóm phát cho người dân. Chị chia sẻ: “Công việc luôn phải đặt lên hàng đầu. Dù có bận việc cá nhân hay gia đình thì cũng cố gắng khắc phục để tập trung hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ một chút sao nhãng hoặc thiếu trách nhiệm sẽ dẫn đến thất lạc bưu phẩm, chuyển sai địa chỉ, thông tin đến chậm và làm nhỡ việc của mọi người”. Chị Xuân được nghỉ làm vào ngày chủ nhật hằng tuần, nhưng hễ có công văn khẩn là chị lập tức lên đường, thậm chí bỏ dở bữa cơm cùng gia đình. Những con đường vào các thôn, xóm, khu dân cư nay đã trở nên thân quen đối với chị. Phát xong một bưu phẩm, vừa ngồi lên xe là chị đã định hình được điểm đến tiếp theo.
Trong thời gian chị làm bưu tá ở xã, chưa một bưu phẩm, công văn nào bị thất lạc hoặc đến chậm và cũng không có ai phàn nàn, chê trách thái độ làm việc của chị Xuân. Chị không những hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn được nhiều người yêu quý bởi tinh thần hăng hái lao động và học tập. Ông Nguyễn Bá Công, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phương Hưng nhận xét: “Bưu tá Xuân là người nhiệt tình, sáng tạo, ham học hỏi và thích ứng với công việc rất nhanh. Các cuộc họp, thông tin, công văn đều được thông báo kịp thời và chính xác, tạo thuận lợi cho công việc của xã”. Những hôm gặp trời mưa bất chợt, chị Xuân lại nhường áo mưa che cho bưu phẩm không bị ướt. Đối với chị, tình yêu và sự say mê công việc như đã ngấm vào người. Nhiều khi, vì công việc bận rộn nên chị không có thời gian chăm lo việc nhà. Tuy nhiên, sự động viên, thông cảm của gia đình đã giúp chị có thêm tinh thần và nghị lực vượt qua khó khăn. Những ngày có ít bưu phẩm, chị lại thấy buồn vì chị thích đi hơn là ngồi ở phòng làm việc. Bên cạnh đó, chị Xuân còn tích cực tuyên truyền, vận động các đơn vị, người dân mua và đọc báo Đảng, nhất là báo Hải Dương. Do báo được phát kịp thời nên mọi người nắm bắt thông tin nhanh nhạy.
Với những cố gắng đó, chị Lê Thị Xuân vừa được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng giấy khen. Đây không chỉ là niềm vinh dự mà còn là động lực thôi thúc chị cố gắng hơn nữa trong công việc.
LÊ XUYỀN