Nông dân Phù Nội gắn bó với cây rau ngót
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:53, 12/06/2013
Về thôn Phù Nội, xã Hùng Sơn (Thanh Miện), ấn tượng đầu tiên ai cũng thấy là những vạt rau ngót xanh mướt trải dài khắp từ đầu tới cuối thôn.
Gia đình bà Nguyễn Thị Quy mỗi tháng thu 3 triệu đồng từ trồng 1 sào rau ngót
Là 1 trong những hộ trồng rau ngót đầu tiên ở thôn, gia đình ông Phạm Văn Thuấn và bà Nguyễn Thị Quy hiện có 1 sào đất vườn trồng rau ngót. Trước kia, việc trồng rau ngót rất khó bởi khâu tiêu thụ sản phẩm luôn là bài toán làm “đau đầu” cả nhà. Song từ 4-5 năm trở lại đây, nhờ thương lái từ các nơi về thu mua sản phẩm, gia đình ông bà hoàn toàn yên tâm với việc canh tác cây trồng này. Mỗi ngày, ông bà thu hoạch khoảng 100 bó rau, giá bán từ 1.000 - 4.000 đồng/bó, trừ chi phí cũng cho thu không dưới 3 triệu đồng/tháng. Ông Thuấn cho biết: "Tôi là thương binh hạng 2/4 với thương tật ở chân khiến việc đi lại và phát triển kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Vợ tôi là giáo viên cấp 2. Cách đây hơn chục năm, nhận thấy trồng rau ngót không khó, lại ít phải đầu tư kinh phí, nhanh được thu hoạch nên gia đình san trên 1 sào đất vườn để trồng. Nhờ cây rau ngót mà đến nay gia đình tôi đã xây được nhà cửa, mua sắm thêm nhiều trang thiết bị và quan trọng đã nuôi được 2 con học đại học".
Hiện nay ở Phù Nội có gần 20 hộ gắn bó với cây rau ngót, trong đó có những hộ trồng từ 1-2 sào như gia đình các bà Hồ Thị Toàn, Nguyễn Thị Lương… Theo bà con nông dân tại đây, cây rau ngót phù hợp với mọi loại đất, dễ trồng, dễ chăm sóc. Chỉ cần cắt những cành mập, có độ dài từ 25-30 cm giâm xuống đất là được. Thông thường sau mỗi vụ thu hoạch lúa, các gia đình đều gom rơm, rạ, bèo tây, lá cây… ngâm ủ cho mục, sau đó đem ấp vào các gốc. Mấy năm trở lại đây, huyện có chương trình xử lý rơm rạ dư thừa bằng chế phẩm sinh học thành phân bón hữu cơ phục vụ hữu ích cho sản xuất nông nghiệp. Nhiều gia đình trồng rau ngót tỏ ra hứng thú với việc làm này nên mạnh dạn đăng ký lấy chế phẩm, đồng thời nhanh nhạy tìm đến các hộ không có nhu cầu sử dụng rơm rạ để xin về thực hiện. Hộ làm ít cũng 1-2 tấn, hộ nhiều lên tới 7-8 tấn. Không chỉ hạn chế sâu bệnh, nhờ cách làm này cây trồng của các gia đình không bị cỏ dại mọc quanh gốc, bà con lại tiết kiệm được khoảng từ 2 - 3 triệu đồng tiền phân đạm mỗi năm. Cũng theo bà con, cái hay của việc trồng rau ngót là không lo bị ế bởi không thu hoạch hôm nay thì ngày mai, thậm chí cứ để trên cây cả tháng trời cũng không lo bị già úa. Rau ngót trồng 1 lần có thể 3-4 năm sau mới phải trồng lại. Hằng năm vào thời điểm tháng 10 khi rau ngót cằn cỗi, các hộ thường cắt gốc, sau đó trải 1 lần rơm phủ lên trên, rắc hạt cải gieo. Sang xuân thu hoạch rau cải xong cũng chính là lúc cây rau ngót bắt đầu nảy chồi. Bên cạnh việc trồng rau ngót, nhiều bà con trong thôn cũng tận dụng đất trồng các loại rau khác như: mồng tơi, rau đay, rau muống, bầu, bí… để bán cho các thương lái. Hiện nay, trên địa bàn thôn có 4 địa điểm tập kết rau, bán cho 4 thương lái khác nhau. Do việc sản xuất rau của các hộ đều áp dụng khoa học, kỹ thuật, không lạm dụng thuốc kích thích sinh trưởng nên bảo đảm an toàn cho người sử dụng, khiến các thương lái từ nhiều nơi chủ động tìm đến thu mua. Sản phẩm được xuất đi các tỉnh thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội… Theo tính toán của các hộ dân nơi đây, mỗi ngày bà con trong thôn xuất đi trên 1.000 bó rau các loại, trong đó rau ngót chiếm trên 90%. Với giá bán 1.000 đồng/bó như hiện nay, trừ chi phí mỗi hộ cũng thu được từ 1,5-2 triệu/ tháng, thời điểm rau đắt còn có thể thu được 3-5 triệu/tháng. Như vậy không chỉ là món rau phục vụ bữa ăn hằng ngày, cây rau ngót còn góp phần nâng cao đời sống cho bà con thôn Phù Nội.
HOÀNG NẾT