Dùng hàng Việt Nam - trách nhiệm xã hội của mỗi công dân
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 17:00, 20/06/2013
CVĐ không chỉ nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với người tiêu dùng mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong chinh phục người tiêu dùng và chiếm lĩnh thị trường. Người tiêu dùng đã có sự so sánh về giá cả và chất lượng giữa hàng nội và hàng ngoại trước khi chọn mua hàng. Xu hướng chọn dùng hàng Việt thay cho hàng ngoại trong tiêu dùng hằng ngày của người Việt ngày càng cao.
Tuy nhiên, để CVĐ có kết quả vững chắc và lâu dài đòi hỏi trách nhiệm xã hội của mỗi công dân. Khi đất nước ta hội nhập kinh tế với thế giới, chúng ta không thể không mở cửa cho hàng hóa các nước vào nước ta, do đó, muốn tiêu thụ hàng trong nước không cách nào khác "tự chúng ta phải bảo nhau" - đây là mục tiêu của CVĐ. Bởi chỉ là CVĐ nên nó không mang tính bắt buộc về mặt pháp lý, mà nó đòi hỏi tinh thần yêu nước và trách nhiệm xã hội của mỗi công dân, đòi hỏi mọi người tự nguyện. Do đó, mối quan hệ hai chiều giữa người sản xuất (doanh nghiệp) và người tiêu dùng luôn phải được củng cố, cả "hai người" đều phải nêu cao trách nhiệm xã hội.
Một mặt, người sản xuất phải tôn trọng người tiêu dùng, sản xuất hàng hóa bảo đảm chất lượng, phản ánh trung thực chất lượng và giá cả, không trốn thuế, không gian lận thương mại, giá cả cạnh tranh được với hàng ngoại, không thể đòi hỏi người tiêu dùng xài hàng chất lượng thấp mà chịu giá cao, có như vậy mới lôi kéo được người Việt về với hàng Việt.
Mặt khác, người tiêu dùng cần nhận thức được ý nghĩa của việc sử dụng hàng Việt. Đó là sự thể hiện trách nhiệm xã hội, tinh thần yêu nước của mỗi công dân, bởi vì khi hàng hóa trong nước được tiêu dùng, cũng chính là đã có thêm việc làm cho người Việt Nam, đã có thêm nguyên, nhiên, vật liệu trong nước được sử dụng và cũng lại làm cho cơ hội có việc làm của mỗi công dân được tăng lên, tác động cho kinh tế phát triển và tạo nhiều việc làm cho xã hội.
Người tiêu dùng cũng có tác động ngược lại với doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp xây dựng thương hiệu không chỉ bằng chất lượng sản phẩm, mà phải gắn với trách nhiệm cộng đồng. Song song với nỗ lực của các doanh nghiệp thì người tiêu dùng cũng cần biết từ chối dùng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc và cần có phản ứng với hàng kém chất lượng để doanh nghiệp sửa chữa.
Ngoài trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và người tiêu dùng, các cơ quan quản lý cũng cần thể hiện trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng của mình bằng cách tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, có biện pháp tích cực để ngăn chặn không để hàng gian, hàng giả, kém chất lượng đưa ra thị trường và phải kiên quyết xử lý những vụ vi phạm bản quyền, hàng gian, giả và kém chất lượng.
Ở Hải Dương, đã có rất nhiều doanh nghiệp tích cực hưởng ứng CVĐ này, họ tích cực cải tiến công nghệ, cải tiến quản lý để nâng cao chất lượng và hạ giá sản phấm, mở rộng các kênh phân phối để tiêu thụ hàng hóa ngày càng nhiều hơn trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp này cũng có trách nhiệm xã hội cao, thể hiện ở việc thường xuyên dành một phần lợi nhuận trong kinh doanh để cùng MTTQ các cấp chăm lo, hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo.
Mọi công dân có trách nhiệm hãy ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, chọn dùng hàng Việt Nam là góp phần tạo cuộc sống ổn định cho nhiều người lao động chân chính.
LƯƠNG ANH TẾ(Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh)