Trí thức là vốn quý của dân tộc

Tin tức - Ngày đăng : 06:56, 22/06/2013

Ngày 22-6-1947, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, Bác Hồ khẳng định: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc...


Địa vị những người trí thức ái quốc Việt Nam là cùng với toàn thể đồng bào, kiến thiết nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam thống nhất và độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc”.

 Bác Hồ đã từng nhận định, trí thức Việt Nam là tầng lớp có học thức, kiến thức, hiểu biết và có tinh thần yêu nước nồng nàn và ý thức dân tộc cao. Trí thức Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong lực lượng cách mạng. Người nói: “Không có những trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều. Bởi vì để hoàn thành nhiệm vụ kháng chiến, ngoài việc quân sự, ắt phải phát triển kinh tế, cho nên cần có những người chuyên môn thông thạo về công nghệ và nông nghiệp. Cần phát triển giao thông vận tải cho nên cần có những kỹ sư thông thạo việc đắp đường, bắc cầu… Cần đào tạo cán bộ cho mọi ngành, cho nên cần có thầy giáo... Vì lẽ đó, trí thức có vai trò và nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp cách mạng cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội".

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Bác Hồ đã tin tưởng, trao những cương vị quan trọng trong Chính phủ cho trí thức, cả những trí thức đã từng làm việc cho chính quyền cũ. Nhiều trí thức mới gặp Bác đã bị "chinh phục" hoàn toàn bởi phong thái con người của Bác. Cụ Vũ Đình Hòe đã viết trong hồi ký: "Tôi đã từng nghe bạn bè nói đến Nguyễn Ái Quốc một cách cung kính, nhưng mãi đến Cách mạng Tháng Tám thành công mới được giáp mặt với Người tức thì bị chinh phục ngay bởi đôi mắt Hồ Chí Minh".

Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện một sự trân trọng thật sự đối với đội ngũ trí thức. Người chủ trương đã giao việc là giao quyền, đã giao quyền là hoàn toàn tin tưởng. Đồng thời Bác không bao giờ áp đặt hay tỏ ý lên mặt dạy đời, mà bao giờ cũng giản dị, khiêm tốn. Chính vì vậy, ở Người có một sức hút phi thường đối với các tầng lớp nhân dân, kể cả những trí thức kiêu sang nhất, khó tính nhất. Hầu hết các trí thức Việt Nam đều suy nghĩ: Nếu không phải Hồ Chí Minh thì có lẽ khó có ai tập hợp được bấy nhiêu nhân tài của đất nước.

Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc…”, Đại hội XI của Đảng đã nêu 3 khâu đột phá để phát triển, đổi mới đất nước, trong đó có khâu đột phá là phải đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, trong đó có đội ngũ trí thức.

PHƯƠNG DUNG
(biên soạn)