Niềm vui sau "dồn điền, đổi thửa"

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:52, 24/06/2013

Vụ chiêm xuân vừa qua là vụ lúa đầu tiên sau khi xã Hồng Thái (Ninh Giang) "dồn điền, đổi thửa", chỉnh trang đồng ruộng theo quy hoạch nông thôn mới.



Sau "dồn điền, đổi thửa", 100% diện tích ở xã Hồng Thái được làm đất bằng máy


Hiệu quả rõ rệt

Trên cánh đồng của thôn Tương có tới chục chiếc máy kéo lớn nhỏ đua nhau  làm đất. Tiếng động cơ máy nổ giòn giã, tiếng người nói cười gọi nhau vang vọng khắp cánh đồng. Bà Phạm Thị Ban ở thôn Tương phấn khởi: "Với 1 mẫu ruộng, sau dồn ô đổi thửa, gia đình tôi chỉ phải canh tác ở 2 thửa. Vụ chiêm xuân vừa qua, tôi cấy 9 sào lúa BC15 gieo mạ sân đạt năng suất 230 kg/sào, 1 sào còn lại cấy giống lúa Bắc thơm năng suất cũng đạt gần 200 kg. Vốn có sẵn máy làm đất, sau thu hoạch, gia đình tôi đã tiến hành cày lồng ngả rạ để dược ngấu nhuyễn, thuận lợi cho xuống giống vụ mùa".

Không khí lao động trên cánh đồng Bông ở thôn Dậu Trì cũng khá sôi động. Cả cánh đồng 3 máy cày cỡ lớn MZ50 được bà con nông dân trong thôn thuê về làm đất. Đang khom lưng vạc cỏ đầu bờ để kịp cho máy lồng ngả dược, chị Nguyễn Thị Quế ngừng tay cuốc tâm sự: “Được canh tác trên thửa ruộng to, chúng tôi thuê máy cày cỡ lớn về làm, mỗi sào chỉ mất 125 nghìn đồng, giảm 25 nghìn đồng so với máy cày tay mà dược lại ngấu, chỉ 2 - 3 ngày là cấy được. Ruộng to đỡ tốn công be bờ giữ nước, gieo cấy cũng tập trung hơn. Ở vụ chiêm xuân vừa qua, gia đình tôi thuê máy gặt đập liên hoàn chỉ chưa đầy 1 ngày đã thu hoạch xong 2,2 mẫu ruộng. Nếu như trước đây, ruộng hẹp, bờ lô nhỏ, máy không xuống được tận ruộng, gia đình phải thuê người gặt và thuê máy tuốt lúa mất tới 250 nghìn đồng/sào thì nay gặt bằng máy chỉ hết 130 nghìn đồng, giảm chi phí tới 120 nghìn đồng/sào. Chi phí dịch vụ đầu sào xã viên phải nộp cho HTX Dịch vụ nông nghiệp cũng giảm từ 25 nghìn đồng xuống còn 9.700 đồng/sào, nông dân chúng tôi phấn khởi lắm”.

Giảm trên 50% số thửa


Ông Nguyễn Đức Tráng, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái cho biết: “Hồng Thái đã giảm được 60% số lô và trên 50% số thửa, đồng thời quy được vùng sản xuất lúa chuyên canh với diện tích 200 ha và vùng chăn nuôi tập trung với diện tích 74 ha. Việc “dồn điền, đổi thửa” gắn với quy hoạch, chỉnh trang, sắp xếp lại đồng ruộng đã tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác. Nông dân rất phấn khởi bởi đường to, ruộng rộng, máy vào tận ruộng đỡ công nhọc nhằn, vất vả. Ở vụ lúa chiêm xuân vừa qua, đầu vụ nông dân gặp không ít khó khăn do ruộng đồng bị cày xới, đào đắp bờ lô và hệ thống kênh mương tưới tiêu nên đã phần nào ảnh hưởng đến chất đất ở các chân ruộng. Song do chủ động được nguồn nước, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất lúa chiêm xuân ở Hồng Thái vẫn đạt 62 tạ/ha (cao hơn mức bình quân chung của huyện).

Qua “dồn điền, đổi thửa”, chỉnh trang đồng ruộng, Hồng Thái đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý. Đó là: quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành của Đảng uỷ, Ban Chỉ đạo "dồn điền, đổi thửa" xã. Trong quá trình chỉ đạo triển khai từ xã đến các thôn, xóm phải đoàn kết thống nhất, đồng thuận, sâu sát, trách nhiệm đối với công việc; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Thực hiện nghiêm túc quy trình, phát huy tính dân chủ, minh bạch, công khai và linh hoạt, sáng tạo trong công tác dân vận để huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân và cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện.

MINH PHƯƠNG