Anh Đức trong con mắt xanh của một nhà thơ lớn

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 06:36, 26/06/2013

Trong những năm 60 thế kỷ trước, với vai trò là người lãnh đạo văn nghệ, nhà thơ Tố Hữu đã có con mắt xanh khi phát hiện và bồi dưỡng nhiều cây bút trẻ. Một trong số đó là Bùi Đức Ái, cán bộ miền Nam tập kết, công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, sau đó ở cơ quan Hội Nhà văn. Năm 1962, Ban Thống nhất có quyết định đưa ông trở lại chiến trường miền Nam. Nhân dịp này, nhà thơ Tố Hữu mời Bùi Đức Ái cùng với nhà văn Nguyễn Văn Bổng (cùng đi Nam đợt này) đến dự bữa cơm thân mật. Nhà thơ dặn dò nhiều điều. Ông nói: "Vào trong đó, anh Bổng có thể tham gia một phần vào việc lãnh đạo, quản lý văn nghệ, nhưng Bùi Đức Ái thì dứt khoát phải thâm nhập thực tế và viết".

Bùi Đức Ái lấy bút danh Anh Đức, về sống và công tác tại vùng Rạch Giá, Cà Mau. Ông đã viết nhiều truyện ngắn, bút ký gửi ra miền Bắc, đăng ở báo Văn nghệ, nhà thơ Tố Hữu đều đọc. Khi Anh Đức gửi ra tập bản thảo tiểu thuyết Hòn Đất, Tố Hữu là một trong những người đọc trước và đã có ngay ý kiến chỉ đạo gửi cho tác giả. Trong một bức điện gửi vào, có đưa ý kiến của Tố Hữu: "Không thể để bà Cà Xợi trực tiếp giết con mình là Xăm, dù đó là một tên ác ôn". Nhà văn Anh Đức đã tiếp thu và sửa lại đoạn đó. Rồi Hòn Đất được xuất bản, được coi là một trong những tác phẩm văn học tiêu biểu của nền văn nghệ giải phóng. Trong thâm tâm mình, nhà văn Anh Đức rất kính nể nhà thơ Tố Hữu cùng các nhà văn đàn anh khác đã giúp ông trưởng thành. Anh Đức đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2001.

VƯƠNG BẠCH