Nhiều điểm mới trong thu phí bảo vệ môi trường với nước thải

Môi trường - Ngày đăng : 15:15, 28/06/2013

Ông Vũ Đình Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh trả lời về những quy định mới tại Nghị định 25 của Chính phủ về thu phí bảo vệ môi trường...


Từ ngày 1-7-2013, Nghị định số 25/2013/NĐ-CP ngày 29-3-2013 về phí bảo vệ môi trường (PBVMT) đối với nước thải bắt đầu có hiệu lực thi hành. Nghị định sẽ thay thế các Nghị định: số 67/2003/NĐ-CP ngày 13-6-2003, số 04/2007/NĐ-CP ngày 8-1-2007, số 26/2010/NĐ-CP ngày 22-3-2010 của Chính phủ về PBVMT với nước thải. Phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn ông Vũ Đình Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh chung quanh quy định mới này.

- Thưa ông, so với các nghị định trước đây về PBVMT với nước thải thì Nghị định 25/2013/NĐ-CP có những điểm gì mới?


- Theo Nghị định 25, PBVMT đối với nước thải sinh hoạt về cơ bản không có sự thay đổi so với các nghị định trước, nhưng về phí đối với nước thải công nghiệp thì có những điểm mới. Cụ thể, về đối tượng chịu phí, Nghị định 25 đưa ra khái niệm nước thải công nghiệp rõ hơn. Cụ thể, bỏ 2 từ “công nghiệp” trong cụm từ chỉ đối tượng nộp phí “cơ sở sản xuất công nghiệp” thành “cơ sở sản xuất”. Điều này sẽ giảm khó khăn khi yêu cầu kê khai, nộp phí đối với một số đối tượng nộp phí. Đồng thời, nghị định bổ sung thêm 2 đối tượng không chịu phí so với nghị định cũ là: nước làm mát thiết bị, máy móc không trực tiếp tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm, có đường thoát riêng; nước mưa tự nhiên chảy tràn.

Về quy định người nộp phí, bổ sung quy định "Đối với các tổ chức, cá nhân xả nước thải vào hệ thống thoát nước và đã nộp phí thoát nước thì đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thoát nước là người nộp PBVMT đối với nước thải đã tiếp nhận và thải ra môi trường" và “Đối với cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản sử dụng nguồn nước từ đơn vị cung cấp nước sạch cho hoạt động sản xuất, chế biến thì phải nộp PBVMT đối với nước thải công nghiệp (không phải nộp PBVMT đối với nước thải sinh hoạt)”. Quy định này khắc phục được tình trạng chồng chéo trong việc thực hiện thu PBVMT đối với nước thải công nghiệp và PBVMT đối với nước thải sinh hoạt. 

Về mức thu phí, theo các nghị định trước, tất cả các cơ sở hoạt động với các loại hình ngành nghề khác nhau đều tính phí dựa vào khối lượng nước thải và hàm lượng chất gây ô nhiễm theo 6 chỉ tiêu: COD, TSS, Hg, Pb, As, Cd. Nghị định 25 chia thành 2 loại phí là phí cố định và phí biến đổi với 2 loại đối tượng nước thải chứa kim loại nặng và nước thải không chứa kim loại nặng. Với những cơ sở áp dụng phí biến đổi thì phí biến đổi được tính dựa vào khối lượng nước thải và hàm lượng chất gây ô nhiễm với 2 chỉ tiêu: COD và TSS. Việc này sẽ khắc phục bất cập trong việc thực hiện các nghị định trước, đó là đối với các cơ sở sản xuất không phát sinh nước thải chứa kim loại nặng sẽ không phải kê khai nộp phí với các chỉ tiêu kim loại nặng. Đối với các cơ sở sản xuất phát sinh với khối lượng nước thải ít sẽ không phải kê khai tính phí theo khối lượng nước thải và hàm lượng các chất gây ô nhiễm mà chỉ phải nộp theo mức phí cố định hằng năm.

Nghị định quy định: “Để lại một phần số phí thu được cho cơ quan, đơn vị trực tiếp thu phí để trang trải chi phí cho việc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với nước thải công nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường”. Sửa đổi quy định “Phần phí thu được còn lại sau khi trừ đi phần để lại đơn vị thu phí, có trách nhiệm nộp toàn bộ vào ngân sách địa phương để sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường; bổ sung vốn hoạt động cho Quỹ Bảo vệ môi trường của địa phương để sử dụng cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường từ nước thải; tổ chức các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường nước”. Bổ sung thêm đơn vị thực hiện thu phí là Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nếu được phân cấp.

- Theo Nghị định 25, những đối tượng nào không phải chịu PBVMT với nước thải, thưa ông?

- Có 6 đối tượng không chịu PBVMT đối với nước thải gồm: nước xả ra từ các nhà máy thủy điện, nước tuần hoàn trong các cơ sở sản xuất, chế biến mà không thải ra môi trường; nước biển dùng vào sản xuất muối xả ra; nước thải sinh hoạt của hộ gia đình ở địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá để có giá nước phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội; nước thải sinh hoạt của hộ gia đình ở các xã thuộc vùng nông thôn và những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch; nước làm mát thiết bị, máy móc không trực tiếp tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm, có đường thoát riêng; nước mưa tự nhiên chảy tràn.

- Chi cục Bảo vệ môi trường đã chuẩn bị như thế nào để thực hiện Nghị định 25, thưa ông?

- Để chuẩn bị cho việc thực hiện Nghị định số 25, Chi cục Bảo vệ môi trường đang tích cực tuyên truyền về nội dung của nghị định trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chi cục rà soát danh sách các cơ sở thuộc đối tượng nộp PBVMT đối với nước thải công nghiệp để phân loại đối tượng nộp phí cố định và phí biến đổi, cơ sở thuộc Danh mục lĩnh vực, ngành sản xuất có nước thải chứa kim loại nặng. Tới đây, chi cục sẽ tham mưu cho Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh ban hành văn bản thay thế Quyết định số 5779/2004/QĐ-UBND ngày 31-12-2004 về việc ban hành “Quy định thu, quản lý và sử dụng PBVMT đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị định 67/2003/NĐ-CP của Chính phủ” để cho phù hợp với Nghị định 25. Tham mưu cho Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo, hướng dẫn cho các cơ sở thuộc đối tượng nộp PBVMT đối với nước thải công nghiệp thực hiện nộp phí theo Nghị định mới.

- Xin cảm ơn ông!

NINH TUÂN(thực hiện)