Công nhân khốn đốn vì lô, đề
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 09:45, 29/06/2013
Hiện nay đang có một bộ phận nam công nhân, lao động (CNLĐ) sa ngã vào tệ nạn lô, đề, để lại hậu quả xấu.
Những quán nước ven đường thường là nơi công nhân tụ tập chơi lô, đề (ảnh mang tính minh họa)
Chứng kiến bữa cơm đạm bạc chỉ có rau, dưa và vài miếng đậu phụ sốt cà chua của vợ chồng chị Nguyễn Thị T., anh Trần Văn T. trong một khu nhà trọ cấp 4 ẩm thấp ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương), chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Đứa con nhỏ 3 tuổi của anh chị cũng phải ăn theo “thực đơn” của bố mẹ. Theo chị T., nguyên nhân của việc gia đình thường xuyên phải ăn uống đạm bạc như vậy chính là do anh T. ham mê cờ bạc, lô đề, nên tiền bạc trong nhà cứ lần lượt “đội nón ra đi”. “Cả hai vợ chồng tôi đều làm công nhân. Tôi làm ở Công ty May Trấn An (TP Hải Dương) được 4 năm nay rồi. Anh ấy thì làm cho một cửa hàng cơ khí tư nhân. Thu nhập của cả 2 vợ chồng mỗi tháng được khoảng 7 triệu đồng. Trừ tiền thuê nhà, điện, nước, cho con ăn học và sinh hoạt của cả gia đình... trước đây còn dư được chút ít. Nhưng gần đây công việc của chồng tôi thất thường, có khi ít việc phải nghỉ cả tuần, thời gian rảnh rỗi anh ấy thường la cà quán xá rồi nghe bạn rủ rê đánh lô, đề. Ngày ít thì dăm ba chục, ngày nhiều có khi lên đến tiền trăm. Lâu dần thành “nghiện” mà đánh chỉ toàn thấy “trượt” thôi. Tháng trước, anh ấy còn giấu tôi rút hết tiền tiết kiệm của 2 vợ chồng chắt chiu phòng thân trong mấy năm trời. Tôi khuyên can mãi nhưng anh ấy vẫn không nghe và bảo rằng cho anh ấy vay, hôm nào trúng sẽ trả lại. Nhưng mà trúng đâu chẳng thấy, giờ cuộc sống gia đình chỉ trông vào mỗi đồng lương hằng tháng của tôi nên mới ra cơ sự này. Đã vậy, thỉnh thoảng thua nhiều tiền, anh ấy lại đi uống rượu rồi về chửi mắng mẹ con tôi. Tôi sợ nếu anh ấy không thay đổi thì hạnh phúc gia đình thật khó giữ”, chị T. buồn rầu.
Trong một lần đi tìm hiểu thực tế đời sống của CNLĐ ở các khu nhà trọ thuộc thôn Độc Lập, xã Ái Quốc (TP Hải Dương), chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy cửa một phòng trọ có đến 3 chiếc khóa. Ông Lê Xuân Anh, chủ nhà trọ này bức xúc: Đây là phòng tôi cho anh H. làm công nhân trong khu công nghiệp Nam Sách thuê. Đến trọ nhà tôi được năm tháng thì ba tháng anh ta chậm tiền nhà, hai tháng xin khất nợ. Hôm trước có mấy người đến tìm, tôi mới vỡ lẽ anh này vì ham chơi lô, đề nợ đến hàng chục triệu đồng nên phải trốn. Gần 1 triệu đồng tiền nhà của tôi, anh ta cũng chưa trả nên tôi phải dùng biện pháp này để thu giữ đồ đạc.
Người thân trong gia đình ki cóp mãi mới sắm cho anh Đặng Quốc B. ở Công ty TNHH Kính Toàn Tiến (TP Hải Dương) một chiếc xe máy trị giá gần 40 triệu đồng để có phương tiện đi lại. Nhưng vì ham mê trò cá cược lô, đề, anh B. đã phải cầm cố xe trả nợ, thậm chí làm liên lụy đến gia đình khi chủ nợ tìm về tận nhà ở huyện Ninh Giang đòi nợ.
Dù đã bị cấm nhưng theo quan sát của chúng tôi, CNLĐ vẫn dễ dàng tham gia chơi lô, đề. Ở hầu hết các cổng công ty và khu vực có đông công nhân thuê trọ đều có người ghi lô, đề núp bóng các bàn bán vé xổ số hoặc các quán nước vỉa hè. Chỉ tính riêng ở khu vực khu 6, phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương), trên một đoạn đường dài chừng 500 m đã có khoảng 10 điểm ghi lô, đề. Tại cổng các công ty: TNHH PNG, Global, Embosa, Esenvina, May Trấn An (đều ở TP Hải Dương)... vào cuối giờ chiều dễ dàng bắt gặp hình ảnh “những chiếc bàn di động” phục vụ việc ghi đề cho các “thượng đế” là CNLĐ. Vào những buổi tăng ca, CNLĐ ghi lô, đề thông qua điện thoại di động. Hoạt động này chủ yếu là các “mối” quen, nhưng lại có một lượng khách hàng rất lớn. Anh Nguyễn Tuấn A. đang làm tại Công ty TNHH một thành viên Thực phẩm và Thương mại Korea Việt Nam cho biết: “Mới đầu, các chủ ghi lô, đề còn e ngại, nhưng chỉ cần ghi vài lần là họ nhớ mặt và tìm hiểu chỗ ở của người chơi. Rồi người nọ bảo lãnh cho người kia nên việc chơi qua điện thoại đã trở nên phổ biến vì nó tiện lợi, có thể đánh bất cứ lúc nào và không cần phải có tiền ngay”. Với nhiều chiêu, trò và thủ đoạn tinh vi của các chủ ghi lô, đề nên rất nhiều CNLĐ đã sa ngã vào trò chơi may thì ít mà rủi thì nhiều này.
Công đoàn vào cuộc
Có nhiều lý do khiến CNLĐ sa ngã vào tệ nạn lô, đề. Do cuộc sống xa nhà, nhiều CNLĐ không chịu sự quản lý của gia đình, nghe bạn rủ rê đã không kiềm chế được bản thân. Nhiều công nhân còn cho rằng, đời sống tinh thần nghèo nàn, thiếu các phương tiện vui chơi giải trí cũng khiến họ bị lôi kéo vào trò chơi đỏ đen này. Hậu quả là cuộc sống của nhiều công nhân vốn đã khó khăn thì càng trở nên bi đát hơn khi lô, đề cướp đi của họ toàn bộ số tài sản có được, thậm chí là khiến họ trở thành những con nợ “bất đắc dĩ”. Rất nhiều công đoàn cơ sở (CĐCS) khi được hỏi đều thừa nhận có hiện tượng CNLĐ tham gia chơi lô, đề nhưng con số cụ thể thì không thể thống kê được vì họ thường chơi vào những giờ tan tầm hoặc chơi qua điện thoại. Chị Hà Thị Kiều Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May mặc Makalot Việt Nam (Thanh Hà) thừa nhận là có một số CNLĐ của công ty tham gia chơi lô, đề. Một vài trường hợp người lao động làm ảnh hưởng đến công việc. Vì vậy, vừa qua, công ty đã đưa vào nội quy trong công ty, nếu phát hiện CNLĐ chơi cờ bạc, lô, đề, cá độ bóng đá... sẽ nhắc nhở trên hệ thống loa truyền thanh nội bộ. CNLĐ tiếp tục vi phạm sẽ bị phạt như chậm lên lương trong vòng 6 tháng, thậm chí là cho nghỉ việc. Để hạn chế hiện tượng trên, Công ty May Trấn An cử người tuần tra 24/24 giờ khu vực quanh công ty để nhắc nhở người lao động không vi phạm. Có trường hợp công ty đã lập biên bản và báo cáo công an địa phương để có biện pháp xử lý.
Hằng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh đều xây dựng kế hoạch phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội (TNXH) cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) bảo đảm có ít nhất 90% số CNVCLĐ khối hành chính sự nghiệp và 30% số CNLĐ khối doanh nghiệp ký cam kết không để bản thân và người thân trong gia đình mắc nghiện ma túy, TNXH. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh đã tuyên truyền, phổ biến kiến thức, trong đó có các nội dung giúp tránh xa ma túy và các TNXH cho gần 6.000 CNVCLĐ.
Tuy nhiên, để có thể giúp CNLĐ tránh xa các tệ nạn, đặc biệt là trò lô, đề thì ngoài hỗ trợ của công đoàn cần ý thức tự giác của chính bản thân người lao động. Cơ quan chức năng cần quyết liệt ngăn chặn nạn đề.
THÚY NGA