Một gia đình 4 thế hệ sống đầm ấm ở Ngọc Sơn

Đời sống - Ngày đăng : 08:54, 30/06/2013

Bốn thế hệ chung sống trong một gia đình, ăn chung, chi tiêu chung mà vẫn giữ được sự hòa thuận yên ấm...



Gia đình 4 thế hệ của cụ Đặng Thị Giàng luôn đầm ấm, hạnh phúc

Một gia đình đặc biệt

Thoạt nhìn thì hai ngôi nhà của anh em ông Dương Văn Đức và Dương Hùng Mạnh ở thôn Phạm Xá, xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ) cũng bình thường như rất nhiều những ngôi nhà khác. Chỉ có một điểm khác biệt duy nhất là hai ngôi nhà nằm cạnh nhau ấy được nối với nhau bằng một hành lang trên tầng 2, bắc ngang qua như một cây cầu. Cụ Đặng Thị Giàng, mẹ của hai ông giải thích: “Buổi tối khi hai nhà đóng cửa thì vẫn qua lại được với nhau bình thường. Tuy hai nhà nhưng vẫn chỉ là một thôi”. Hình ảnh hai ngôi nhà ấy chính là một sự phản ánh cuộc sống quây quần của gia đình “tứ đại đồng đường” này.

Vợ chồng cụ Giàng sinh được 4 người con, trong đó chỉ có người con gái đi lấy chồng là ở nơi khác, còn 3 người con trai và vợ con đều chung sống trong một gia đình. 30 năm qua, lúc đông nhất gia đình có tới 12 người cùng chung sống, còn hiện tại chỉ có 7 người do các cháu đi học xa. Ông Đức cho biết, dù số thành viên trong gia đình là bao nhiêu thì vẫn duy trì một nếp sống: ăn chung một mâm, chi tiêu chung, cùng quyết định và thực hiện những việc lớn trong gia đình. Nhà trên của ông Dương Văn Đức là nơi tiếp khách, nhà dưới của ông Dương Hùng Mạnh là nơi ăn uống. Hằng tháng, lương hưu của hai ông góp lại, một nửa để bà Nguyễn Thị Hà (vợ ông Đức) là dâu trưởng trong nhà chi tiêu cho ăn uống, sinh hoạt chung của cả nhà. Nửa còn lại để nuôi các con đang đi học, lo việc hiếu hỉ trong làng, xóm.

Không chỉ sống cùng, các cô con dâu, con gái của cụ Giàng còn chung tay sản xuất. Mỗi khi đến mùa vụ, không phân biệt ruộng nhà nào, tất cả cùng cày cấy, làm cỏ, thu hoạch. Sau đó, sản phẩm của nhà nào mới thu về nhà nấy. Làm chung nhưng ai cũng cố gắng hết mình nên chẳng ai nghĩ đến việc làm riêng, kể cả cô con gái của cụ Giàng khi đã đi lấy chồng, sống ở nơi khác nhưng vẫn giữ nếp canh tác cùng chị và em dâu.

Bà Hà vui vẻ kể những người lần đầu gặp thường thắc mắc sao bà năm nay gần 60 tuổi mà vẫn có con nhỏ thế. Nhưng người dân thôn Dương Xá ai cũng biết vợ chồng bà chỉ có 2 người con, con gái lớn là giáo viên mẫu giáo đã lấy chồng, con trai nhỏ đang học Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Hai đứa nhỏ đang ở với vợ chồng bà và gọi bà là mẹ thực ra là con của vợ chồng ông Mạnh. Sống quây quần trong một gia đình, từ nhỏ đã được bà Hà chăm sóc, thương yêu nên các cháu luôn coi bác như bố mẹ. Ngược lại, hai năm nay, vợ ông Mạnh được “cắt cử” lên Hà Nội chăm lo cho hai con của hai nhà đang học đại học trên đó. Việc bù qua sớt lại, đoàn kết lo lắng cho từng thành viên cũng như những việc chung đã giúp đại gia đình ấy vượt qua những khó khăn, nuôi dạy các con cháu lớn khôn.

Bí quyết đơn giản

Theo cụ Giàng và các con, bí quyết để duy trì đại gia đình hoà thuận, hạnh phúc rất đơn giản: mọi thành viên trong gia đình chỉ cư xử theo những nền nếp được cha ông răn dạy từ nhiều đời nay, những nền nếp có lẽ ai cũng biết. Cụ Giàng tâm sự rằng, cụ có cả con gái lẫn con dâu nhưng chưa bao giờ các con bà mâu thuẫn, cãi vã lẫn nhau, mẹ chồng nàng dâu cũng luôn hòa thuận. Được như vậy là do cụ coi con dâu cũng như con gái, các con cụ thì nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau.

Bà Hà không khỏi ngậm ngùi khi nhớ lại những năm đầu khó khăn vất vả khi hai vợ chồng mới lấy nhau. Khi ấy, bà Hà vừa tốt nghiệp trường đóng tàu ở Hải Phòng, bắt đầu ra công tác, ông Đức và ông Mạnh đều là bộ đội đóng quân ở Quảng Ninh. Nếu cả hai cùng làm việc ở xa thì bố mẹ già phải ở nhà một mình với người em út của ông Đức bị bệnh não bẩm sinh, nên bà Hà quyết định nghỉ việc về quê sống với bố mẹ chồng để chồng yên tâm công tác. Bà Hà và em dâu đỡ đần nhau trong công việc đồng áng, chăm sóc bố mẹ già, người em khuyết tật.

Năm 1993, khi vừa đủ 20 năm công tác trong quân đội, ông Đức xin về hưu sớm để gánh vác việc gia đình. Ông Đức kể rằng, bố mẹ ông không ép buộc việc phải sống chung mà cho các con tự do lựa chọn, song cả hai vợ chồng anh em ông đều đồng lòng nhất trí sống chung dưới một mái nhà. Ông mua máy cày để làm đất trên diện tích ruộng của tất cả gia đình và những người họ hàng thân cận, không lấy tiền công, không tính toán thiệt hơn. Khi gia đình có điều kiện hơn, ông lại nhường cho em trai được xây nhà tầng 2 trước. Khi nhắc tới cuộc sống chung của đại gia đình, ông cười bảo quan niệm của ông là nếu cho nó là việc phức tạp thì thành phức tạp, nếu cho là đơn giản thì sẽ nhẹ nhàng thôi. Theo ông, quan trọng nhất là con cháu phải hiếu nghĩa với ông bà và đoàn kết, nhất trí với nhau thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua, khúc mắc nào cũng có thể giải quyết.

Mô hình gia đình “tứ đại đồng đường” có thể không còn phù hợp với phần lớn các gia đình trong thời đại mới, nhưng sự thương yêu, nhường nhịn để sống hòa thuận với nhau luôn là bài học không bao giờ cũ và cần được hiện diện dưới mọi mái nhà.

VIỆT HÒA