Đồng Chấm cần lắm một con đường
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:07, 03/07/2013
Bao khó khăn, chậm phát triển của thôn Đồng Chấm, xã Tiền Phong (Thanh Miện) chung quy lại cũng đều do hạ tầng giao thông yếu kém...
Nơi "một con gà gáy cả 3 tỉnh cùng nghe"
Thôn Đồng Chấm được người dân nhắc đến là nơi một con gà gáy cả 3 tỉnh cùng nghe. Đây chính là nơi tiếp giáp giữa Hải Dương với các huyện Phù Cừ (Hưng Yên) và Quỳnh Phụ (Thái Bình). Thôn được hình thành từ trước năm 1945 trên bãi bồi lắng phù sa của con sông Luộc. Là thôn ngoài đê nên Đồng Chấm khá tách biệt so với các thôn khác trong xã. Việc đi lại của người dân ở đây từ lâu đã rất khó khăn do con đường từ xã về thôn chưa được cải tạo, xây dựng. Chúng tôi về thôn Đồng Chấm vài ngày sau cơn bão số 2 qua đi. Con đường đất dẫn vào thôn dài hơn 2 km vốn đã gồ ghề càng thêm khó đi. Dù đã giảm tốc độ, giữ chặt tay lái và tập trung điều khiển nhưng bánh sau chiếc xe máy của chúng tôi vẫn liên tục bị trơn, trượt, xoay vòng khi đi qua những đoạn ổ gà, sình lầy. Đưa chúng tôi vào thôn, anh Bùi Văn Kham, cán bộ địa chính-nông nghiệp, phụ trách xây dựng nông thôn mới của xã cho biết: “Đây là con đường vừa phục vụ đi lại, vừa phục vụ sản xuất của người dân trong thôn. Như thế này là còn dễ đi đấy, hôm nào trời mưa thì chỉ còn cách dắt bộ. Ở đây thỉnh thoảng lại có người đi xe, mất tay lái lao xuống ruộng. Cũng may là đường khó đi, mọi người đi chậm nên chỉ bị sây sát sơ sơ thôi”.
Vốn được hình thành từ bãi bồi phù sa nên đất đai, đồng ruộng của thôn Đồng Chấm khá trù phú, tốt tươi. Nhiều năm trở lại đây lũ lụt ít xảy ra nên hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân thêm thuận lợi. Tuy nhiên dù cần cù, chịu khó làm ăn nhưng cuộc sống, điều kiện kinh tế của thôn mấy năm nay cũng không khá hơn là bao. Hiện nay, thôn có 64 hộ với hơn 200 nhân khẩu thì vẫn còn có tới 19 hộ thuộc diện nghèo. Tính cả những lao động xa nhà, mức thu nhập bình quân của thôn cũng chỉ đạt 8 triệu đồng/người/năm, thấp hơn mức thu nhập bình quân của xã 2-3 triệu đồng.
Đường khó bó phát triển
Theo chính quyền xã và người dân thì bao khó khăn, chậm phát triển của thôn Đồng Chấm chung quy lại cũng đều do con đường đất kia mà ra. Được biết, hiện nay diện tích đất canh tác của thôn có trên 15 ha, chủ yếu trồng các loại cây rau màu như đỗ tương, đỗ xanh, ngô và tập trung nhiều ở khu cánh đồng, bãi bồi ven đê. Đất đai, khí hậu tươi tốt nên cây trồng thường cho năng suất cao. Tuy nhiên mỗi vụ thu hoạch cũng là lúc lo lắng nhất của người dân. Việc vận chuyển nông sản từ ruộng về nhà hoặc đến nơi thu mua hết sức vất vả. Đường nhỏ, các xe cải tiến cũng khó tránh nhau nên người dân chủ yếu chở nông sản bằng xe đạp, xe thồ. Để tiêu thụ được nông sản, người dân phải tự vận chuyển đến các điểm tập trung bán hàng cho thương lái xa hàng mấy cây số. Nếu thương lái thu mua ở ruộng thì giá bán cây rau màu cũng bị giảm xuống 5-10% so với các nơi khác vì phải trừ chi phí vận chuyển.
Ngoài ảnh hưởng đến sản xuất thì đi lại khó khăn cũng khiến việc học hành của các em học sinh trong thôn vất vả hơn. Ông Vũ Văn Thắng, một người dân trong thôn cho biết: “Mỗi khi trời mưa, có việc gì muốn lên xã chúng tôi phải đi vòng qua xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ của tỉnh Hưng Yên. Đi lối này đường sạch sẽ hơn nhưng tính ra phải dài hơn 7 cây số nên rất bất tiện”. Chính vì đường đi khó khăn, xa xôi nên hầu hết học sinh các cấp ở đây phải đi học nhờ bên xã Nguyên Hòa, nhiều quyền lợi của học sinh cũng bị hạn chế. Việc xin miễn giảm học phí cho học sinh nghèo phải làm nhiều thủ tục. Bà Nguyễn Thị Lự, một người dân trong thôn chia sẻ: “Trong thôn chỉ có 1, 2 cháu gia đình có điều kiện đưa đón là học trường của xã. Đa số các cháu đều phải đi học nhờ trường của tỉnh khác nên rất bất tiện. Bạn bè, môi trường học tập có nhiều điều khác biệt khiến việc hòa nhập của các cháu cũng khó khăn hơn”.
Vất vả nhất có lẽ là mỗi khi trong thôn có người bị ốm đau phải đi cấp cứu vào ban đêm. Do khó khăn về đường giao thông nên muốn gọi xe để đưa người đi khám, chữa bệnh rất khó khăn. Xe ô-tô không vào được nên mọi người phải khiêng người bệnh bằng võng ra đường lớn để đưa đi cấp cứu. Anh Vũ Văn Hữu, Trưởng thôn Đồng Chấm nửa đùa, nửa thật: “Ở đây phụ nữ đến kỳ sinh nở đều phải lên bệnh viện huyện nằm chờ trước mấy ngày. Để ở nhà, chẳng may nửa đêm trở dạ thì không biết xoay xở như thế nào. Mấy tháng trước vợ tôi sinh cháu cũng phải đi viện trước cả tuần”.
Đưa chúng tôi quanh thôn, thỉnh thoảng anh Hữu lại chỉ vào những ngôi nhà cửa đóng, then cài, vắng bóng người, cỏ và rêu mọc xanh sân. Theo anh Hữu thì đây là những ngôi nhà mà người dân trong thôn bỏ lại để đi lao động, làm thuê ở các tỉnh khác. Đồng Chấm vốn đã “đất rộng, người thưa”, nay càng thêm vắng lặng vì ở nhà chủ yếu chỉ có người già và trẻ nhỏ. Anh Hữu trăn trở: “Nguyện vọng nhiều năm nay của người dân thôn Đồng Chấm chúng tôi là mong Nhà nước sớm hỗ trợ để cứng hóa con đường vào thôn, giúp cho việc đi lại, thông thương thuận lợi hơn. Có như vậy thì người nông dân nơi đây mới có điều kiện để đi lên từ chính ruộng vườn của mình”.
HẠO NHIÊN