Trăm cái lý - tý cái tình

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 14:56, 04/07/2013

Tục ngữ có câu: "Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình".


Vì thế, một số người cho rằng, muốn giải quyết công việc từ nhỏ đến lớn, từ "tiểu sự" đến "đại sự" phải lấy tình làm trọng. Tuy vậy, cũng có người nói rằng, phải lấy lý mới giải quyết thành công được mọi vấn đề trong xã hội.

Tình và lý là hai mặt mâu thuẫn nhưng lại không thể tách rời. Lý là những điều hợp lẽ phải, hợp quy luật. Còn tình là tình cảm vui, buồn, yêu ghét của con người. Do đó, trong mọi hoạt động xã hội ở đâu cũng có biểu hiện của tình và lý. Nhưng để giải quyết mọi việc cho thấu tình, đạt lý không phải lúc nào cũng dễ dàng. Cán cân tình và lý hay chung chiêng, hoặc nặng bên này, nhẹ bên kia. Từ đó đòi hỏi mỗi người phải có tri thức, nắm được các quy luật vận động của tự nhiên và xã hội, đồng thời nắm được bản chất của sự việc xảy ra mới đi đến giải quyết ổn thoả.

Vì sao "Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình"? Vì người ta thường nặng về bên tình mà coi nhẹ cái lý. Điều không công bằng này đang có biểu hiện: "Yêu nên tốt, ghét nên xấu". Đã yêu thì khuyết điểm to bằng con bò cũng có thể hoá phép thành tổ tò vò. Đã ghét thì công lao tựa non cao cũng cho lún sụt hết, thậm chí còn lĩnh án tù tội. Vì vậy, giải quyết mọi việc ở đời mà chỉ chú ý đến cái tình thì rất nguy hiểm, có thể dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng. Nếu có ai đó vì "thương tình" cho  lũ "lâm tặc", "cát  tặc" rồi "hải tặc" làm càn... thì chúng sẵn sàng bước qua cái lý để lộng hành. Nếu ai đó "thương tình" để công ty này, doanh nghiệp kia buôn bán, xuất, nhập vòng vo kiếm lợi nhuận kếch xù, phớt lờ cái lý thì thảm họa đến đâu? Nếu ai đó "thương tình" cứ để công trường, bệnh viện, nhà trường rút ruột công trình, nhận phong bì, mở lớp dạy thêm, học thêm tràn lan thì nguy cơ ra sao?

Đối với người dân thường, có thể họ chưa thấu đáo cái lý, nên tác hại của cách giải quyết này không lớn lắm. Nhưng đối với các cán bộ, công chức thừa biết "một trăm cái lý" thực chất là những nguyên tắc, những điều luật về quản lý kinh tế tài chính, đất đai, tuyển dụng... nhưng chỉ vì "một tý cái tình" họ đã dẫm đạp lên "một trăm cái lý" để mưu cầu lợi ích riêng. Trong mấy năm gần đây, chỉ vì "một tý cái tình" mà một số cán bộ, đảng viên có chức có quyền đã vứt bỏ đi "trăm cái lý" tìm mọi cách bòn rút công quỹ xây biệt thự, mua xe ô-tô đẹp, đắt tiền... cho mình và cho con cháu mình, gây tiếng xấu trong dân, trong Đảng, làm tổn thất vật chất không hề nhỏ cho Nhà nước. Thử hỏi những con người ấy đáng thương tình hay đáng chê trách? Thực tế cho thấy, nhân dân không bao giờ chấp nhận hành vi xấu xa của những con người thoái hóa, biến chất ấy.

Suy ngẫm về hai chữ lý, tình là để nhìn nhận, đánh giá, xử lý mọi việc trước sau sao cho tinh tường và cẩn trọng. Vì thế, phải biết cảm thông cái tình và đồng thời phải lấy cái lý mà soi xét sự việc mới mong đạt tới "phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn". Đó là chân lý niềm tin và là phương châm xử thế của mỗi chúng ta trong cuộc sống.

NGUYỄN HUY THỰC (Chí Linh)