Sẵn sàng bảo vệ các trọng điểm mùa mưa bão

Môi trường - Ngày đăng : 08:44, 08/07/2013

Trong mùa mưa bão năm nay, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB - TKCN) tỉnh xác định 5 công trình trọng điểm cần được bảo vệ.



Cống Gừng (xã Thanh Thủy, Thanh Hà) là một trọng điểm chống lũ trong mùa mưa bão năm nay


Công trình “già cỗi”

Đưa chúng tôi đi thăm cống Gừng, đê tả sông Gùa thuộc xã Thanh Thủy (Thanh Hà), anh Nguyễn Văn Vững, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Thanh Hà lo lắng. “Tuổi thọ của cống này đã gần 50 năm, tường chắn cống bằng đất. Mái đất hai bên mang cống dốc đứng, dễ bị sạt trong mùa mưa lũ. Mái đá lát bị xói lở toàn bộ. Những năm gần đây, mỗi khi mực nước lũ lên mức báo động 3, nhân viên quản lý của hạt phải kiểm tra cống 2 giờ/lần để phát hiện và xử lý kịp thời khi nước thẩm lậu qua mang cống. Nếu nước bị rò rỉ nhiều qua mang cống, cống có thể sẽ bị vỡ. Khi ấy, hàng trăm ha lúa, rau màu của nhân dân xã Thanh Thủy sẽ bị ngập trắng”, anh Vững nói. Mùa mưa bão năm nay, ngoài cống Gừng, huyện Thanh Hà xác định đê Thanh Hồng (đoạn từ k54+100 đến k5+750) cũng là một trọng điểm cần được bảo vệ. Đê Thanh Hồng trước đây chỉ là bờ vùng ngăn mặn, sau nhiều năm được tu bổ thành đê. Do gia cố thủ công, đất đắp đê không đồng chất, chủ yếu là đất phù sa và sa pha cát nên cốt không ổn định. Đoạn đê lại đi qua nhiều vùng có địa chất phức tạp như: cửa sông, ngòi lạch, đầm lầy, ruộng trũng nên địa chất nền không chắc. Khi lũ cao, chênh lệch mực nước lớn rất dễ dẫn đến rò rỉ, đùn sủi ở thân đê, thẩm lậu ở mái đê và mái cơ đê, ảnh hưởng tới an toàn tuyến đê. Từ năm 2002 đến nay, năm nào đê Thanh Hồng cũng xảy ra sự cố. Mùa mưa bão năm trước, tuyến đê này bị sự cố sạt lở khu vực bờ sông với chiều dài hơn 85 m, cung sạt lở tới 20,5 m.

Cống Kênh Than, xã Lạc Long (Kinh Môn) cũng là cống cũ lại vận hành nhiều nên kết cấu cống đã bị xuống cấp. Cống ngắn so với mặt ngang thân đê, mang cống dốc đứng. Theo quan sát của chúng tôi, đá lát hai bên mang cống đã bị sạt tụt. Hầu hết các mạch vữa xây đá hai bên mang cống bị hư hỏng. Đá xây không còn liên kết. Ông Nguyễn Văn Đức, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Kinh Môn cho biết: “Năm nào cống Kênh Than cũng bị sự cố. Trong mùa mưa bão năm nay, cống có thể sẽ gặp sự cố nếu lũ cao kéo dài kết hợp với triều cường đạt mức báo động 3”.

Theo Ban Chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 5 trọng điểm PCLB cần được bảo vệ, gồm: cống Thiều Niều, cống Nại Thượng, kè Lai Vu (Kim Thành); cống Kênh Than (Kinh Môn); cống Gừng và đê Thanh Hồng (Thanh Hà). Các công trình này đều đã xây dựng từ lâu, xuống cấp, năng lực PCLB kém. Những năm qua, hầu hết các tuyến đê trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư tôn cao, áp trúc nên một số cống ngắn, tải trọng vượt thiết kế ban đầu. Tuy nhiên, mới chỉ tập trung làm kè từng đoạn đối với đê và thay dặm cánh cống bằng thép. Công tác bảo dưỡng, duy tu mang tính chắp vá. Chi cục Quản lý đê điều và PCLB tỉnh yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát và xác định các công trình trọng điểm cần được bảo vệ, xây dựng phương án trình UBND tỉnh.

Phương châm “4 tại chỗ”


Đối với 5 trọng điểm PCLB, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã xác định phương án “4 tại chỗ” để thực hiện các biện pháp bảo vệ trong mùa mưa bão năm nay. 2 trọng điểm do tỉnh phê duyệt bao gồm cống Thiều Niều và cống Nại Thượng (Kim Thành), ban chỉ huy đã lên phương án huy động các xe tải loại 5 tấn và máy xúc làm nhiệm vụ đào đất khu vực ruộng lúa phía trong đồng, cách chân đê 25 m sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố. Hiện nay, tại kho chống lụt Phú Thái đã chuẩn bị 2.500 bao tải. Các phai dự phòng đã được chuẩn bị tại nhà thủ cống, cách cống khoảng 700 m. Nhân lực bảo vệ cống được huy động từ 2 xã Liên Hòa và Bình Dân. Lực lượng y tế, thông tin liên lạc giao cho Bệnh viện Đa khoa và Bưu điện huyện đảm nhận. Ông Nguyễn Danh Nhẫn, Ủy viên Ban Chỉ huy PCLB - TKCN, Cụm trưởng Cụm chống lụt, bão số 4 sẽ trực tiếp chỉ huy tại công trường.

Đối với các trọng điểm cấp huyện, Ban Chỉ huy PCLB - TKCN các huyện đã chuẩn bị mỗi trọng điểm 4 xe tải, 2 máy xúc, hơn 20 nghìn bao tải và huy động từ 500-600 người là lực lượng xung kích PCLB của các xã gần các trọng điểm PCLB. Riêng các trọng điểm về cống, Ban Chỉ huy PCLB - TKCN các huyện đã đặt giả thiết khi lũ cao kéo dài, đồng thời có bão sóng vỗ mạnh trực tiếp vào cống, cống bị sạt hai bên mang. Khi đó, Ban chỉ huy công trường sẽ thực hiện phương án đắp áp trúc mở rộng mặt đê, hoành triệt cửa cống phía thượng lưu, dùng bao tải đất đắp trả lại phần đê bị lún sụt và mang cống bị sạt, làm tầng cọc mái đê mang hạ lưu không để đất ở thân đê bị trôi, lở. Các trọng điểm  này đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, gồm bao tải, rơm rạ, cây tre, gạch, đá vỡ tại kho của các xã ven đê. Nhân lực xử lý đã được giao cho các xã huy động khi có sự cố. Trong quá trình xử lý sự cố đê, kè, Ban Chỉ huy PCLB - TKCN các huyện đã yêu cầu các địa phương lấy đất cách chân đê 25 m, lấy sâu không quá 0,5 m. Nhân viên phục vụ thông tin liên lạc, y tế ở các xã phải bảo đảm sẵn sàng làm nhiệm vụ khi được huy động.

Ông Lương Văn Cảnh, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh khẳng định: “Đến thời điểm này, hầu hết các phương án bảo vệ các trọng điểm của tỉnh và các huyện đã hoàn tất. Toàn bộ vật tư đã được chuẩn bị tại các kho dự phòng. Nhân lực phục vụ bảo vệ các công trình đã giao cụ thể cho từng địa phương. Năm nay, để bảo vệ các công trình trọng điểm tỉnh đã trích quỹ PCLB đầu tư hơn 1 tỷ đồng". Dự báo tình hình thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra các trọng điểm, phát hiện và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra, tránh chủ quan, lơ là.

PV