Lãnh đạo phải sâu sát, toàn diện

Tin tức - Ngày đăng : 10:10, 08/07/2013

Ngày 8-7-1958, nói chuyện tại Hội nghị sản xuất của tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội), Bác Hồ nhấn mạnh: “Lãnh đạo nghề nông thì trước khi gieo mạ, phải lãnh đạo, đến lúc lúa và khoai vào bồ, lãnh đạo mới kết thúc".


Theo Bác, lãnh đạo là quá trình bao quát, theo dõi, đôn đốc kiểm tra chặt chẽ, đi tới tận cùng khi chủ trương sắp kết thúc. Là người đứng đầu Đảng, Nhà nước, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không xa cách với quần chúng. Người có phong cách sống và làm việc sâu sát với thực tiễn, gần gũi, thấu hiểu và chia sẻ với nhân dân.

Chỉ tính trong 10 năm (từ 1955-1965), Người đã có hơn 700 lượt đi thăm, tiếp xúc với cơ sở địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội... Như vậy, mỗi năm Người có hơn 70 lần xuống cơ sở, mỗi tháng có tới 6 lần gặp gỡ, tiếp xúc với quần chúng. Điều này cho thấy  Bác rất gắn bó, sâu sát với quần chúng, với cơ sở, với thực tiễn. Đúng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc sinh thời đã từng nói: “Mọi lời nói, việc làm của Hồ Chí Minh đều thiết thực và cụ thể. Nói là làm, thường là làm nhiều hơn nói, có khi làm mà không cần nói, tư tưởng hiện ra trong hành động”.

Với quan điểm “cán bộ là gốc của mọi công việc”, Bác đã dành nhiều công sức giáo dục các cán bộ lãnh đạo phong cách làm việc đi sâu, đi sát thực tiễn. Bác yêu cầu: "Cán bộ tỉnh phải đến các huyện, các xã. Cán bộ huyện phải đến tận các xã, các thôn. Cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ, để thiết thực điều tra, giúp đỡ, kiểm soát rút kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ nông dân và hỏi dân''.

 Người cũng thường xuyên nhắc nhở: “Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”. Kiểm tra giúp cho lãnh đạo biết cán bộ và người dân bên dưới thực hiện công việc được giao đến đâu. Sự kiểm tra của cấp trên chính là giúp mọi người nhìn thấy những ưu điểm để phấn khởi, tin tưởng tiến lên và kịp thời khắc phục những sai lầm, khuyết điểm.

Bác Hồ đã từng dạy: “Muốn biết các nghị quyết có được thi hành đúng hay không, ai ra sức làm, ai làm cho qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm tra, kiểm soát một cách có hệ thống, làm thường xuyên từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên”. Điều đó có nghĩa là cán bộ luôn phải sâu sát với thực tiễn, phải luôn thực hiện “chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ”. Lời dạy đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự.

BẢO CHÂU (biên soạn)