Chỉ phun trừ sâu đục thân khi đến ngưỡng

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 12:09, 09/07/2013

Đa số diện tích lúa mùa sớm đang bước vào thời kỳ đẻ nhánh, thời tiết bước đầu cũng đang diễn biến thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển.


Tuy nhiên, trứng sâu đục thân 2 chấm lứa 3 và bướm cuốn lá nhỏ lứa 4 đã bắt đầu phát sinh để gây hại. Tuy nhiên, bà con nông dân chỉ nên phun trừ khi đến ngưỡng.

Cơ sở lý luận và thực tiễn

+ Cây lúa giai đoạn đẻ nhánh có khả năng đền bù lớn: Ngoài sự đẻ nhánh và ra lá tự nhiên, rảnh nào trong khóm bị sâu đục thân gây héo thì rảnh khác sẽ lớn nhanh để thay thế.

+ Sâu đục thân 2 chấm và sâu cuốn lá nhỏ đều có sự tích lũy về mật độ. Sâu non đục thân 2 chấm gây nõn héo bông cờ, sâu non cuốn lá nhỏ gây trắng lá ảnh hưởng đến quang hợp. Thời điểm phun trừ có hiệu quả khi sâu non vừa nở rộ. Ở mỗi thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây lúa đều có quy định ngưỡng phun trừ cụ thể.

+ Ở thời kỳ lúa đẻ nhánh của vụ mùa hằng năm, cả 2 đối tượng này đều phát sinh. Do việc phun trừ tùy tiện và tràn lan nên kết quả có phun cũng như không (do khả năng đền bù của cây lúa).

Biện pháp thực hiện

+ Thường xuyên thăm đồng, nhận biết được ổ trứng sâu đục thân 2 chấm và bướm trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ để từ đó xác định mật độ/m2.

+ Duy trì mực nước thích hợp trong ruộng từ 3 - 5 cm; tập trung bón thúc kịp thời, bón đủ và cân đối theo quy trình để cây lúa đẻ nhánh khỏe và tập trung, đồng thời tăng cường khả năng đền bù của cây lúa.

+ Ngưỡng phun trừ ở thời kỳ đẻ nhánh với sâu đục thân 2 chấm là > 0,3 ổ/m2 với sâu cuốn lá nhỏ là > 50 con/m2. Thời điểm phun khi sâu non vừa nở rộ.

+ Nên phun thuốc vào chiều mát không mưa.

Ks. Nguyễn hữu Vân (Trạm Khuyến nông Nam Sách)