Nhà văn gặp lại nhân vật ngoài đời

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 06:23, 10/07/2013

Trong những năm đánh Mỹ ác liệt tại miền Nam, nhà văn Khổng Minh Dụ được điều về công tác tại một cụm tình báo chiến lược. Tháng 1-1970, tổ trinh sát của ông được giới thiệu về xã An Phước (Châu Thành, Bến Tre), một địa phương ở thế cái răng lược, cách nội thành Sài Gòn không xa, nhưng một lòng một dạ theo cách mạng. Người dân bị dồn vào ấp chiến lược, chỉ được phép về ban ngày thu hoạch trái cây. Trưa hôm đó, Khổng Minh Dụ gặp hai chị em Hải Vân, Ba Hồng, người An Phước, đã mang dâu da đầu mùa ra ân cần mời các anh ăn, đồng thời cung cấp nhiều tin tức có giá trị. Đêm đó, Khổng Minh Dụ viết bài thơ Mùa dâu chín, nêu bật tinh thần lạc quan cách mạng và tấm lòng kiên trung bất khuất của đồng bào, tiêu biểu là em gái An Phước: "Nhớ buổi gặp em/Giữa mùa dâu chín/Đưa tôi chùm dâu em cười bẽn lẽn/Ăn đi anh, chùm dâu ngọt quê nghèo/Tôi mải ngóng trông theo khi gánh dừa mươi đôi kẽo kẹt theo em về xóm nhỏ...". Rồi các ấn tượng về em: "Chuyện em đi dân công/Em làm liên lạc/Đưa cuốn sổ hồng em bảo tôi ghi bài hát/Chép nhiều nghe anh/Em thích bài ca Giọng nói Bác Hồ...". Khổng Minh Dụ viết nhiều thơ, truyện, ký lấy nguyên mẫu là người dân Bến Tre, đăng trên báo chí giải phóng và gửi ra miền Bắc. Trong đó có truyện Tiếng hú ven đồng, ghi lại chuyện ông già mù Sáu Lê không chịu vào khu gom dân cư của địch, quyết bám trụ ven đồng theo dõi càn quét của địch để báo cho du kích thông qua ký hiệu tiếng hú của mình.

Sau ngày giải phóng miền Nam, nhà văn sống ở miền Bắc nhưng giữa ông và nhân dân quê dừa luôn luôn có mối thân tình. Nhân kỷ niệm ngày chiến thắng 30-4 năm 2012, ông gom tiền nhuận bút và lương bổng làm một cuộc hành hương về An Phước (Bến Tre). Cuộc gặp lại giữa nhà văn và bà con, trong đó có các nhân vật của mình 42 năm trước, diễn ra thật cảm động. Cả ông Sáu Lê mù cũng bắt con cháu dắt đến và cô Hai Vân nay tuổi 60 ở cách xa gần 40 km cũng trở lại. Nhân vật giữa cuộc đời và trong tác phẩm hiển hiện trong trang văn Khổng Minh Dụ, như một sự minh chứng hùng hồn cho sức sống của văn học cách mạng.

Được biết, nhân dịp kỷ niệm 191 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu 1-7-2013, Hội đồng xét tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật mang tên nhà thơ yêu nước của tỉnh Bến Tre đã trao giải thưởng cho nhà văn Khổng Minh Dụ về một số tác phẩm sáng tác về Bến Tre những năm kháng chiến chống Mỹ trước đây.

VƯƠNG BẠCH