Phụ nữ Ninh Giang thực hành tiết kiệm theo gương Bác

Tin tức - Ngày đăng : 09:58, 10/07/2013

Với các mô hình: "Nuôi lợn nhựa tiết kiệm", "Hũ gạo tiết kiệm", “Tiết kiệm vật tư chất đốt”..., phụ nữ Ninh Giang đã giúp nhiều hội viên nghèo phát triển kinh tế...



Hội viên phụ nữ xã Kiến Quốc “mổ lợn” nhựa tiết kiệm


Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thời gian qua Hội Phụ nữ (HPN) huyện Ninh Giang đã triển khai nhiều mô hình tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo có hiệu quả như: "Nuôi lợn nhựa tiết kiệm", "Hũ gạo tiết kiệm", “Tiết kiệm vật tư chất đốt”...

Hiệu quả từ các mô hình


Theo lời giới thiệu của HPN xã Nghĩa An, chúng tôi tìm đến gia đình chị Nguyễn Thị Huề ở thôn Phù Lịch. Đứng trước trang trại chăn nuôi khá khang trang với vườn cây, ao cá, lợn thịt, không mấy người tin chỉ mấy năm về trước, khu đất này còn là vùng triều trũng, cấy lúa bấp bênh. Thuộc diện hộ nghèo, năm 2009, gia đình chị Huề được HPN xã Nghĩa An đứng ra tín chấp vay 20 triệu đồng từ phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ninh Giang để chuyển đổi hơn 3 mẫu ruộng trũng thành trang trại chăn nuôi. 

Từ nguồn vốn ngân hàng cộng với sự giúp đỡ của bạn bè, người thân, vợ chồng chị đã đào được 2 ao, 1 ao ương nuôi cá giống, 1 ao nuôi cá thương phẩm với diện tích hơn 7 sào. Đồng thời lập 1 vườn cây 6 sào trồng nhiều thứ rau, quả theo mùa và 1 dãy chuồng trại nuôi lợn thịt. Sau gần 3 năm miệt mài lao động, gia đình chị Huề đã dẫn thoát khỏi khó khăn. Để tiếp sức cho gia đình chị Huề vươn lên thoát nghèo, khi HPN xã Nghĩa An thực hiện mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”, gia đình chị được lựa chọn để hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất. Chị Huề cho biết: “Thông qua mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” của chị em trong xã, gia đình tôi đã được hỗ trợ vay 10 triệu đồng, lãi suất 0,5%/tháng. Đây không phải là số tiền lớn nhưng đã giúp gia đình tôi vượt qua được giai đoạn khó khăn trong sản xuất, đặc biệt tôi luôn tự nhủ đó là tiền tích cóp do chị em chăm lao động, chắt bóp mà có nên phải biết trân trọng, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả”. Nhờ chăm chỉ làm lụng, biết cách sử dụng nguồn vốn hỗ trợ, từ năm 2012 đến nay, gia đình chị Huề đã vươn lên trở thành hộ khá, có điều kiện lo cho các con ăn học. Năm 2012, tổng thu nhập của gia đình chị đạt gần 200 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 80 triệu đồng. Được biết, đầu tháng 5 vừa qua, gia đình chị cũng đã đầu tư hơn 100 triệu đồng mua máy cày bừa, phục vụ bà con địa phương.

Là một trong những hộ nghèo của thôn Lũng Quý, xã Kiến Quốc, chồng mất sớm vì bệnh hiểm nghèo, một mình chị Phạm Thị Luy phải bươn trải kiếm sống nuôi hai con nhỏ. Năm 2009, thông qua mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” của HPN xã Kiến Quốc, chị được vay 2 triệu đồng không tính lãi để đầu tư nuôi gà thả vườn. Sau 1 năm, chị lại được HPN xã tạo điều kiện cho vay tiếp 2 triệu đồng, từ số tiền đó cộng với số tiền dành dụm trước đó, chị mua thêm lợn về chăn nuôi. Chị Luy tâm sự: “Từ năm 2009 đến nay, tôi được HPN xã tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn 4 lần, mỗi lần 2 triệu đồng. Số vốn trên được vay không tính lãi nên tôi yên tâm sản xuất, chăn nuôi. Nhờ đó, gia đình tôi đã có nguồn thu nhập tương đối ổn định, đời sống dần được cải thiện”...
Không chỉ gia đình chị Huề, chị Luy mà nhiều chị em hội viên tại các địa phương khác cũng đã được “tiếp sức” để thoát nghèo, vượt qua khó khăn thông qua mô hình tiết kiệm theo gương Bác của huyện Ninh Giang.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào

Đồng chí Nguyễn Thị Mai, Phó Chủ tịch HPN huyện Ninh Giang cho biết: Việc thực hành tiết kiệm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi trong mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ. HPN huyện đã phát động nhiều phong trào,  mô hình giúp phụ nữ nghèo có hiệu quả thiết thực như: "Nuôi lợn nhựa tiết kiệm", "Hũ gạo tiết kiệm", “Mái ấm tình thương”, "Tiết kiệm vật tư, chất đốt”, “Tiết kiệm điện, nước”, "Tiết kiệm trong chi tiêu, sinh hoạt"... Các phong trào đã trở thành nền nếp, thói quen trong mọi hoạt động của chị em. Để giúp đỡ phụ nữ nghèo vươn lên trong cuộc sống các cấp hội tích cực thực hiện việc hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, các cơ sở hội đã xây dựng được 145 mô hình tiết kiệm, thu hút hơn 31 nghìn lượt phụ nữ tham gia. Tổng số tiền tiết kiệm ước đạt hơn 2 tỷ đồng. Trong đó, mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” được gần 900 triệu đồng, mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” được hơn 500kg, “Tiết kiệm vật tư, chất đốt, điện nước, tiêu dùng” được hơn 1 tỷ đồng... Các cấp hội cơ sở đã trích hơn 1 tỷ đồng cho gần 200 lượt phụ nữ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi. Ngoài ra, các cấp hội cơ sở cũng đã vận động hội viên quyên góp, tiết kiệm tặng nhiều hiện vật như: đồ dùng gia đình, sách vở, quần áo, chăn màn... trị giá hàng trăm triệu đồng cho phụ nữ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 - 3... Tiêu biểu như HPN xã Nghĩa An đã tiết kiệm được 138 triệu đồng thông qua “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”, HPN xã Kiến Quốc, Hồng Dụ tiết kiệm được hơn 90 triệu đồng từ “Tiết kiệm vật tư, phân bón”... Việc thực hành tiết kiệm theo gương Bác không chỉ được thực hiện tại các cơ sở hội mà ngay tại cơ quan huyện hội, HPN huyện Ninh Giang cũng xây dựng mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”. Mỗi tháng các cán bộ huyện hội tự nguyện đóng góp ít nhất 20 nghìn đồng/người để xây dựng quỹ. Mỗi năm một lần vào các dịp lễ, Tết, cơ quan tổ chức “mổ lợn” và dùng toàn bộ số tiền thu được để hỗ trợ, tặng quà hội viên. Qua hơn 2 năm thực hiện tiết kiệm đã thu được hơn 3 triệu đồng.

Để đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm theo gương Bác, HPN huyện Ninh Giang tiếp tục vận động các chi hội, tổ hội duy trì thực hiện tốt các mô hình tiết kiệm. Đặc biệt, để phong trào lan tỏa, ngày càng hỗ trợ được nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn, từ tháng 7 - 2013, Ban Chấp hành HPN huyện đã thống nhất, mỗi cán bộ hội, ủy viên Ban Chấp hành tiết kiệm mỗi tháng 150 nghìn đồng, Chủ tịch Hội Phụ nữ các xã, thị trấn tiết kiệm 100 nghìn đồng/người một tháng. Sau 2 tháng sẽ bình xét cho một hội viên vay vốn phát triển sản xuất, dự kiến 8 triệu đồng/hội viên. Lãi suất áp dụng là 0,5%/tháng (theo mức thấp nhất của Ngân hàng Chính sách xã hội). Mô hình này sẽ thực hiện từ nay đến năm 2016. Dự kiến từ nay đến năm 2016 sẽ có  khoảng 28 hội viên được hỗ trợ vay vốn từ mô hình tiết kiệm này...

NGÂN HÀ