Bệnh binh giàu nghị lực
Việc tử tế - Ngày đăng : 09:15, 12/07/2013
Tinh thần vượt khó, vươn lên làm giàu của cựu chiến binh Phạm Văn Chát là một điển hình về tinh thần hăng say lao động của người lính Cụ Hồ trong thời bình.
Mỗi năm, gia đình ông Chát lãi khoảng 200 triệu đồng từ sản xuất gạch ba banh
Năm 1971 khi vừa tròn 18 tuổi, chàng trai trẻ Phạm Văn Chát ở thôn Hoành Bồ, xã Lê Hồng (Thanh Miện) cùng với bao lớp thanh niên địa phương hăng hái lên đường nhập ngũ. Trực tiếp tham gia trong những trận chiến ác liệt bảo vệ thành cổ Quảng Trị, ông trở về mang trên mình thứ chất độc chết người mang tên da cam. Vợ chồng ông sinh được năm người con, nhưng 3 người con đầu của vợ chồng ông đều mang thân hình dị thường, ốm đau thường xuyên, nay đều đã qua đời. Hai người con còn lại, do ảnh hưởng của chất độc hóa học nên cũng không được khôn ngoan, nhanh nhẹn như bao đứa trẻ khác. Vất vả nuôi con, bệnh tật hành hạ, kinh tế gia đình khó khăn sa sút. Tuy nhiên, với phẩm chất kiên cường của người lính Cụ Hồ không cam chịu trước những khó khăn vất vả, những năm 90 của thế kỷ trước, cựu chiến binh Phạm Văn Chát đã bàn bạc cùng anh em trong gia đình ra huyện Kinh Môn mua đá về xây dựng lò nung vôi. Ông tận dụng nguồn xỉ than và mạt đá để đóng gạch ba banh. Ban đầu khởi nghiệp, do ông chưa có nhiều kinh nghiệm trong nghề, thành công có, thất bại có. Tuy nhiên, ông không nản lòng trước công việc. Ông đã đi học hỏi ở nhiều nơi về quy trình và kinh nghiệm làm gạch tại các địa phương trong tỉnh như: Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang và Văn Lâm (Hưng Yên) để về áp dụng vào dàn máy sản xuất của gia đình mình. Ông Chát cho biết: “Muốn có được những viên gạch ba banh bảo đảm chất lượng, trước tiên người làm ra nó cũng phải có cái tâm trong nghề và bảo đảm đúng tỷ lệ pha trộn các loại nguyên liệu theo các chỉ số quy định. Gạch phơi phải được nắng, tránh mưa khi vừa ra khuôn. Bên cạnh đó là tinh thần trách nhiệm và sự khéo léo của mỗi nhân công khi thao tác vận hành máy cắt gạch để viên gạch vuông vức về hình thức, đúng tiêu chí chất lượng đề ra để bảo đảm tính bền vững của công trình”. Đến nay, cơ sở sản xuất gạch ba banh của gia đình ông đã chiếm lĩnh được thị trường trong khu vực. Hiện tại, cơ sở có tổng diện tích trên 700 m2, với 3 dàn máy sản xuất bao gồm: máy trộn bê-tông, máy ép thủy lực và máy đóng gạch. Với 10 lao động làm việc thường xuyên, mỗi ngày cơ sở sản xuất của gia đình ông cho ra từ 3.500 - 4.000 viên gạch, bảo đảm chất lượng. Do chủ động về nguồn nguyên liệu không phải đi mua xa nên giá thành sản xuất gạch hạ. Hiện tại, lao động làm việc cho xưởng gạch của gia đình ông có thu nhập ổn định khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Những năm gần đây, nhân dân trong huyện thường tập trung kiến thiết xây dựng các công trình phụ nên nhu cầu tiêu thụ gạch ba banh ngày một lớn. Vào dịp cuối năm, cơ sở sản xuất gạch của gia đình ông Chát thường phải thuê thêm 3 - 5 nhân công sản xuất gạch cả ngày lẫn đêm để đáp ứng nhu cầu sử dụng của thị trường. Bà Phạm Thị Len, một công nhân làm việc tại cơ sở sản xuất gạch của gia đình ông Chát cho biết: “Tôi làm ở đây đã 5 năm nay. Tôi và các công nhân khác đều được ông Chát chỉ bảo và hướng dẫn nhiệt tình từng việc. Đến nay, tôi đã làm thạo và có nguồn thu nhập khá ổn định”. Hiện nay, gạch của ông Chát không chỉ bán trong huyện mà còn cả ở các huyện lân cận. Trừ chi phí đầu tư vật liệu, máy móc, mỗi năm gia đình ông lãi khoảng 200 triệu đồng.
Đầu năm 2013, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Chát đã cùng với nhân dân trong khu vực họp bàn với Chi ủy Chi bộ thôn tiến hành bê-tông hóa tuyến đường dài 250 m theo tiêu chí nông thôn mới. Bản thân gia đình ông đã hiến 30 m2 đất để mở rộng hành lang đường. Ngoài phần đóng góp chung, gia đình ông đã ủng hộ 75 triệu đồng để làm đường. Khi thôn tiến hành tu sửa nâng cấp khu di tích đình, chùa tại thôn Hoành Bồ, gia đình ông Chát đã công đức toàn bộ số gỗ và một số đồ thờ tự giá trị trong khu di tích. Ông còn ủng hộ tiền xây dựng nhà văn hóa thôn và sân chơi thể thao với số tiền trên 100 triệu đồng. Tổng cộng gia đình ông đã ủng hộ gần 200 triệu đồng để xây dựng các công trình, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới.
Nhận xét về tinh thần lao động của cựu chiến binh Phạm Văn Chát, ông Phan Đình Chuyên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lê Hồng cho biết: “Tinh thần vượt khó, vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng của cựu chiến binh Phạm Văn Chát ở thôn Hoành Bồ là một điển hình về tinh thần hăng say lao động của người lính Cụ Hồ trong thời bình. Những đóng góp của cá nhân đồng chí là động lực to lớn, thôi thúc thế hệ trẻ địa phương ngày nay học tập và làm theo”. Từ năm 2004 đến năm 2012, gia đình ông Chát đã 5 lần được công nhận danh hiệu hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
NAM ĐIỀN