Xử lý thế nào vụ ca sĩ Đan Trường tố bị tống tiền?

Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 06:50, 13/07/2013

Liên quan đến việc ca sĩ Đan Trường vừa công bố thông tin bị một fan nữ uy hiếp làm tiền, PV đã trao đổi với một số luật sư xung quanh vụ việc dưới góc độ pháp lý.



Vợ chồng Đan Trường trong buổi gặp báo chí chiều 11-7 - Ảnh: N.V

Chiều 11-7, trong buổi họp báo, Đan Trường chia sẻ về việc anh liên tục bị một fan hâm mộ nữ và người yêu của cô gái này liên tục nhắn tin khủng bố, uy hiếp tinh thần yêu cầu đưa tiền. Tổng cộng số tiền anh đưa cho cô gái này từ lúc đầu đến hiện nay là 42.000 USD, tức khoảng 890 triệu đồng.

Tuy nhiên, qua những thông tin trên trang facebook cá nhân của cô gái tên D. (bị cho là tống tiền Đan Trường) và báo chí, fan nữ này (hiện ở Úc) cũng tố ngược lại Đan Trường bắt cá hai tay, lừa tình, lừa tiền...

Cô này cho biết Đan Trường vay mượn cô rất nhiều tiền (60.000 USD), nay cô khó khăn nên lấy lại. Sự thể ra sao, chắc chỉ có người trong cuộc mới biết rõ.


Nếu Đan Trường thừa nhận có vay tiền của cô gái hoặc fan nữ này có chứng cứ chứng minh đã cho Đan Trường vay số tiền nêu trên thì cô có thể khởi kiện vụ án dân sự để đòi lại số tiền. Còn nếu đây là tài sản mà cô gái tặng cho Đan Trường làm clip thì cô gái này không thể đòi lại


Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch phân tích

Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Quang Hiển (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: Điều 135, Bộ luật hình sự quy định tội “Cưỡng đoạt tài sản” có các dấu hiệu: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản”. Tức là phải có hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần để chiếm đoạt tài sản thì mới cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, nếu Đan Trường có những bằng chứng cụ thể về việc cô D. nhắn tin đe dọa, khủng bố tinh thần liên tục bằng việc uy hiếp sẽ cung cấp thông tin, hình ảnh… làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, hạnh phúc gia đình buộc ca sĩ bất đắc dĩ phải đưa tiền hòng "chiếm đoạt tài sản" thì Đan Trường có thể gửi đơn đến cơ quan công an nhờ can thiệp, khởi tố vụ án "Cưỡng đoạt tài sản".

Đồng quan điểm này, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng ở một số vụ việc có thể hiểu hành vi được xem là dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần như đe dọa sẽ tố các hành vi sai phạm hoặc những bí mật đời tư của ca sĩ mà anh ta không muốn cho ai biết. Việc làm này phải nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, có thể nêu rõ trong tin nhắn, thư từ rằng ví dụ như nếu không đưa tiền thì sẽ bị công bố… hoặc cũng có thể có những lời yêu cầu bóng gió khác. Vì vậy, trong vụ việc này, cần xác định có quan hệ vay tài sản hay không, nếu có vay và mục đích của những tin nhắn là chỉ để đòi số tiền vay thì sự việc sẽ dừng lại ở việc giải quyết vụ án dân sự.

Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn luật sư Bến Tre) cũng nhìn nhận vụ việc này còn chưa rõ ràng đây là quan hệ tài trợ tiền làm MV, quan hệ tình cảm hay vay mượn dân sự. Theo luật sư Lương, trong mọi trường hợp với những trình bày của ca sĩ Đan Trường thì chưa đủ cơ sở buộc người fan nữ tống tiền.



Cô gái liên tục đăng status và hình ảnh phản pháo lại Đan Trường

“Ca sĩ Đan Trường ở VN, fan nữ ở Úc. Nếu cô này có những tin nhắn qua lại đòi tiền mà không đúng thì anh ca sĩ này cũng còn có nhiều sự chọn lựa chấp nhận hoặc không chấp nhận. Ở đây cho thấy, ca sĩ đã tự nguyện chuyển tiền và trong tin nhắn có nói là “giúp đỡ”. Không có dấu hiệu cho thấy ca sĩ bị dồn đến đường cùng, bắt buộc phải đưa tiền. Ngoài ra, dù ca sĩ, người nổi tiếng hay ai đi chăng nữa thì mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Hành vi uy hiếp tinh thần phải cụ thể chứ không phải ca sĩ tự suy diễn, sợ ảnh hưởng uy tín… Đó chỉ là suy nghĩ chủ quan của cá nhân người đó chứ chưa đủ cơ sở pháp lý kết người đó cưỡng đoạt. Thêm vào đó, nếu cô gái đó nhắn tin, đưa lên mạng thông tin sai sự thật ảnh hưởng đến uy tín thì ca sĩ có thể kiện đòi bồi thường”, luật sư Lương nói.

Lê Nga (Thanh niên)